Điện gió ngoài khơi là cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam hướng tới năng lượng xanh

16/03/2023 20:16 GMT+7

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz cho rằng điện gió ngoài khơi là cơ hội kép tuyệt vời cho Việt Nam nhằm cung cấp một nguồn năng lượng xanh và đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

Ngày 16.3, hội thảo "Thúc đẩy phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và các gợi ý chính sách", đã diễn ra với sự đồng chủ trì của ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế TƯ và ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam.

Điện gió ngoài khơi là cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam hướng tới năng lượng xanh - Ảnh 1.

Điện gió ngoài khơi là cơ hội kép tuyệt vời cho Việt Nam

HỘI ĐỒNG NĂNG LƯỢNG GIÓ TOÀN CẦU (GWEC)

Hội thảo cấp cao về điện gió ngoài khơi này nằm trong chương trình hợp tác đối tác năng lượng giữa hai chính phủ Việt Nam và Đan Mạch nhằm mục đích tạo ra một diễn đàn đối thoại, trao đổi để chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cơ chế chính sách liên quan cho Việt Nam trong phát triển điện gió ngoài khơi.

Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz khẳng định, điện gió ngoài khơi là cơ hội kép tuyệt vời cho Việt Nam về nguồn năng lượng xanh và chi phí hiệu quả, đồng thời hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết tại Hội nghị COP26 đối với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Điện gió ngoài khơi là cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam hướng tới năng lượng xanh - Ảnh 2.

Đại sứ Nicolai Prytz cho biết Đan Mạch ủng hộ mạnh mẽ và lâu dài Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng xanh

ĐSQ ĐAN MẠCH

"Đan Mạch ủng hộ mạnh mẽ và lâu dài việc Việt Nam chuyển đổi sang ngành năng lượng xanh và bền vững, Đan Mạch mong đợi Chính phủ Việt Nam sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng và nhất quán, điều cần thiết cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, bắt đầu bằng việc phê duyệt Quy hoạch Điện VIII (PDP 8) và quyền khảo sát ngoài khơi độc quyền", ông Prytz cho biết.

Đan Mạch là quốc gia tiên phong và dẫn đầu thế giới về năng lượng gió ngoài khơi kể từ năm 1991 khi quốc gia này vận hành trang trại năng lượng gió ngoài khơi đầu tiên trên thế giới. Đan Mạch cũng đang đi đầu trong việc cắt giảm chi phí sản xuất để biến điện gió ngoài khơi thành một trong những loại năng lượng tái tạo cạnh tranh nhất. Điều này rất quan trọng và là động lực to lớn, tạo đà cho sự phát triển và mở rộng ngành công nghiệp điện gió của Việt Nam.

Một trong những khuyến nghị chính trong báo cáo "Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam" của Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới là Chính phủ Việt Nam nên cho phép triển khai một vài dự án thí điểm trên quy mô lớn theo giai đoạn để kích hoạt ngành công nghiệp này. Hiện tại là thời điểm để chính phủ có các hành động mạnh mẽ nếu muốn đạt được mục tiêu phát triển 7GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 như đề ra trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII.

Điện gió ngoài khơi là cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam hướng tới năng lượng xanh - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự hội thảo

ĐSQ ĐAN MẠCH

Ông Henrik Scheinemann, đồng Giám đốc điều hành của Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), cho rằng Việt Nam nên tập trung vào việc khởi động ngành năng lượng tái tạo, một ngành công nghiệp đã được chứng minh là có hiệu quả cao. Đồng thời ban hành khung pháp lý rõ ràng cũng như tạo điều kiện để các nhà đầu tư và phát triển dự án nhằm xây dựng chuỗi cung ứng địa phương và giải quyết cơn khát năng lượng xanh ngày càng tăng của Việt Nam

Hội thảo còn có phiên trao đổi, thảo luận để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến những thách thức và cơ hội lớn cho phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.