Điện mặt trời chờ làm rõ khái niệm 'tự sản, tự tiêu'

Nguyên Nga
Nguyên Nga
03/08/2024 05:29 GMT+7

Đã 15 tháng từ khi Quy hoạch điện 8 được ban hành, thế nhưng khái niệm cho điện mái nhà tự sản, tự tiêu vẫn chưa rõ ràng trong bối cảnh các dự thảo cơ chế khuyến khích bị sửa đổi liên tục.

Sau 15 tháng, tiếp tục "làm rõ khái niệm tự sản, tự tiêu"

Trong chỉ đạo mới đây qua thông báo của Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Công thương "hoàn thiện khái niệm tự sản, tự tiêu đối với điện mặt trời (ĐMT) mái nhà". Trong đó, cần bổ sung về tỷ lệ bán lượng dư thừa lên lưới, để làm rõ hơn nội hàm ĐMT tự sản, tự tiêu. Đáng nói, suốt hơn 1 năm qua đã có rất nhiều cuộc họp, nhiều chỉ đạo song như Phó thủ tướng nhận xét: "Cho đến thời điểm này, Bộ Công thương vẫn chưa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để tiếp thu đầy đủ hoặc giải trình trong trường hợp không tiếp thu, nhất là các chính sách ưu đãi về giá, thuế với việc đầu tư hệ thống lưu trữ điện; việc cắt giảm, đơn giản hóa, công khai các thủ tục hành chính trong đăng ký đầu tư ĐMT tự sản, tự tiêu".

Điện mặt trời chờ làm rõ khái niệm 'tự sản, tự tiêu'
- Ảnh 1.

Cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT mái nhà chậm ban hành, gây thiệt hại nhiều cho nền kinh tế

H.H

Nhìn lại từ khi Quy hoạch điện 8 (QH8) được ban hành đến nay đã 15 tháng, việc khái niệm ĐMT tự sản, tự tiêu vẫn chưa được hoàn thiện khiến nhiều người ngỡ ngàng. Trong khi về phát triển nguồn, QH8 quy định rõ ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, ĐMT tự sản tự tiêu (trong đó có ĐMT mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, ĐMT tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia). Định hướng phát triển ĐMT tại QH8 cũng yêu cầu kết hợp với pin lưu trữ khi giá thành phù hợp. 

Về quy hoạch, đến năm 2030, phát triển nguồn ĐMT tự sản tự tiêu chỉ tăng thêm khoảng 2.600 MW. Như vậy, khái niệm "tự sản, tự tiêu" đối với ĐMT đã được đề cập trong QH8, tức cách đây khoảng 15 tháng. Sau đó, khi xây dựng dự thảo về nghị định khuyến khích phát triển ĐMT tự sản tự tiêu, rất nhiều lần Bộ Công thương - đơn vị chấp bút cũng bảo lưu quan điểm "đã là ĐMT tự sản, tự tiêu rồi, thì không có mua bán gì cả" và nếu nguồn thừa phát lên lưới, được ghi nhận với giá… 0 đồng. Nghĩa là khái niệm đã có, đã được sử dụng nhưng đến nay thì lại chưa được làm rõ.

Đặt vấn đề này với TS Trần Đình Bá (Hội Kinh tế VN), ông nói thuật ngữ "tự sản, tự tiêu" đã không phù hợp trong thời đại ngày nay và sẽ kìm hãm sự phát triển hơn là khuyến khích. "Đã "nén" ĐMT vào dạng "tự sản, tự tiêu", làm bao nhiêu xài bấy nhiều, tự cung tự cấp thì yếu tố khuyến khích ở đâu? Theo tôi, làm chính sách phải hiểu rõ điện là năng lượng thiết yếu, phải coi điện là hàng hóa. 

Nếu là hàng hóa phải cho trao đổi, lưu thông, phân phối theo cơ chế thị trường định hướng XHCN bình đẳng như lương thực, thực phẩm tiêu dùng, xăng dầu", ông Bá nói và nhấn mạnh: "Cơ quan soạn thảo không làm rõ được khái niệm "tự sản, tự tiêu" trong dự thảo mới bởi xuất phát điểm, chúng ta làm chính sách theo tư duy không cho mua bán, kiểu tự cung tự cấp. Nay Chính phủ đã gợi mở phải cho bán lượng dư thừa lên lưới, các góp ý của chuyên gia, bộ ngành khác đều đồng tình ý kiến này bởi không ai chấp nhận chuyện ghi nhận nguồn điện của người dân phát lên, mang đi bán nhưng không trả tiền. Thế là từ việc cự tuyệt với nguồn ĐMT áp mái, nay tạm gật đầu cho hòa lưới, nhưng bỏ quên khi cho hòa lưới, cho bán thì chính sách khuyến khích về thuế, phí thế nào, các quy định, định nghĩa phải khác đi".

"Ta tự đưa ra khái niệm kiểu lấy đá ghè chân, nên nhà soạn thảo lúng túng khi tiếp thu các ý kiến đóng góp. Theo tôi, nên chỉ có một cơ chế duy nhất là khuyến khích phát triển ĐMT mái nhà trong dân, công sở, nhà xưởng. Từ đó, tạo lối thoát cho việc có thể chia sẻ nguồn điện tươi này cho hàng xóm, cho mái nhà xưởng bên cạnh… Chính sách mở sẽ thấy rõ ràng hơn chính sách đóng, càng đi càng thấy rối. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng nêu quan điểm khuyến khích sản xuất điện sạch và sử dụng điện cho sản xuất và nhu cầu làm mát trước biến đổi khí hậu", TS Trần Đình Bá nêu quan điểm.

Bỏ quy định "tự sản, tự tiêu"

Thực tế, sau khi dự thảo về phát triển ĐMT mái nhà chỉ khuyến khích tự sản, tự tiêu được đưa ra lấy ý kiến, đa số cho rằng dự thảo đã không khuyến khích người dân tận dụng loại năng lượng trời cho này. Không chỉ mái nhà hộ gia đình, mái nhà các tòa nhà công sở cũng có lượng ĐMT rất lớn, nhiều nhà đầu tư muốn bán lại cho các tòa nhà lân cận khi thừa, song quy định pháp lý không cho phép, khiến nguồn năng lượng này bị lãng phí vô cùng.

Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm cho biết việc Phó thủ tướng yêu cầu định nghĩa lại khái niệm ĐMT tự sản, tự tiêu xuất phát từ việc hiểu khác nhau. Chính phủ muốn mở rộng đối tượng hưởng cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT hơn, không gói gọn trong mái nhà hộ dân, hay mái nhà công sở. "Chính phủ đã nới rộng đối tượng hưởng cơ chế này, đó là mái nhà trong khu công nghiệp, trong khu dân cư, trên mái nhà xưởng, tòa nhà… phạm vi mở rộng rất nhiều, khác tiếp cận ban đầu của ngành điện và Bộ Công thương là các hộ gia đình. Nhật Bản cũng gọi ĐMT mái nhà ngay khi lắp trên tường nhà. Có nghĩa là khái niệm ĐMT mái nhà nói chung phải rộng hơn cái mái nhà, hoặc gọi chung là ĐMT", ông Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, với cơ chế cho bán điện dư thừa lên lưới, rồi khuyến khích lắp pin dự trữ để tăng nguồn điện nền thì nên chăng, chỉ có một cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT, không thòng thêm cái đuôi "tự sản, tự tiêu" nữa. Nếu "thông" ngay từ đầu thì những góp ý, nghị định được ban hành sớm hơn. Trước đây, Chính phủ yêu cầu hoàn thành trong tháng 5, rồi quý 2, nay sang quý 3. Việc lấy ý kiến, tiếp thu không đồng nhất, lại không giải thích rõ tại sao không chấp nhận đề xuất góp ý đó… đã kéo quá dài thời gian ban hành cơ chế khuyến khích ĐMT mái nhà.

"Thiệt hại trước mắt là chính nhà đầu tư không bán được điện, thất thoát, lâu hòa vốn, thậm chí lỗ quá nên phải bỏ cuộc. Thiệt hại lớn thứ hai là nhà đầu tư mới giảm nhiệt huyết, bỏ cuộc. Như vậy, chính sách khuyến khích xã hội hóa, tư nhân tham gia đầu tư nguồn bị ảnh hưởng rất lớn. Thiệt hại thứ ba là chính các doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu sử dụng ĐMT để có tín chỉ xanh gắn cho hàng hóa, không mua được khiến hàng hóa xuất khẩu chậm mất cơ hội được "xanh hóa" theo yêu cầu khách hàng. Thiệt hại thứ tư là ngành điện với nỗ lực tăng nguồn, kêu gọi đầu tư tư nhân tham gia phát triển nguồn, chạy nước rút triển khai kế hoạch thực hiện QH8, nhưng cứ chờ cơ chế, mất cơ hội tăng nguồn, vấn đề rất quan trọng hiện nay", chuyên gia Ngô Đức Lâm chỉ rõ.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), chính việc chậm trễ cơ chế ĐMT mái nhà gây lãng phí lớn, làm mất cơ hội cho doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng điện sạch. Trong khi đó, việc cho phép mua bán điện giữa các tổ chức, cá nhân trong cùng một tòa nhà sẽ có thêm nguồn lực để phát triển ĐMT mái nhà, giúp cân bằng phụ tải tốt hơn (do hạn chế được lượng điện dư) và lẽ ra phải được khuyến khích từ sớm.

Phải xây dựng nghị định theo hướng cho phép mua bán ĐMT mái nhà giữa các khách hàng mà không truyền tải qua lưới điện quốc gia, như vậy khái niệm "tự sản, tự tiêu" cũng không cần thiết nữa. Ngoài ra, quy định theo hướng ĐMT mái nhà liên kết với điện lưới quốc gia bị giới hạn công suất 2.600 MW là chưa thực sự phù hợp, vì giới hạn công suất này áp dụng cho cả trường hợp không phát lên lưới, không làm tăng công suất nguồn của điện lưới quốc gia, mà chỉ có ý nghĩa như việc giảm phụ tải.

Đại diện VCCI

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.