Điện thoại Việt tới Mỹ

23/10/2020 06:11 GMT+7

“Sức mạnh của nhà sản xuất Việt không chỉ nằm ở tài chính , công nghệ mà còn ở khát vọng và tầm nhìn. Không có khát vọng và tầm nhìn thì chỉ sản xuất được chiếc điện thoại thương mại thôi đã khó, chưa nói gì đến chuyện đặt chân vào Mỹ”.

TS Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông (nay là Bộ TT-TT), đánh giá việc VinSmart chuẩn bị xuất khẩu gần 2 triệu điện thoại thông minh (smartphone) sang thị trường Mỹ như vậy.

Bước đi đầy bản lĩnh và khôn ngoan

Đồng hành với ngành viễn thông và công nghiệp điện tử Việt Nam từ những ngày đầu tới nay, ông đánh giá thế nào về thông tin VinSmart sắp xuất khẩu smartphone sang Mỹ?
Còn hơi sớm để đánh giá đầy đủ về sự kiện này. Tuy nhiên, tôi đã đi thăm nhà máy và có thể khẳng định năng lực công nghệ và dây chuyền sản xuất của VinSmart không thua kém bất kỳ nhà sản xuất nào trên thế giới về mức độ hiện đại. Thực tế là chỉ trong hơn 1 năm, từ số 0, họ đã bứt phá vươn lên chiếm lĩnh vị trí top 3 tại thị trường Việt Nam.
Về việc họ lựa chọn đối tác là AT&T, thương hiệu nhất nhì thế giới trong lĩnh vực điện tử viễn thông, tôi cũng không ngạc nhiên. Từ đầu họ đã nhắm và luôn chọn các đối tác lớn để tính bài toán xa hơn câu chuyện doanh số. Hợp tác với công ty hàng đầu của Mỹ về chipset là Qualcomm chẳng hạn. Đi cùng với những tên tuổi lớn như vậy sẽ là cơ sở rất tốt để VinSmart tiến vào thị trường Mỹ.
Đấy chính là điểm quan trọng hơn cả, cho thấy sức mạnh của nhà sản xuất Việt không chỉ nằm ở tài chính, công nghệ mà còn ở khát vọng và tầm nhìn. Không có khát vọng và tầm nhìn thì chỉ sản xuất được chiếc điện thoại thương mại thôi đã khó, chưa nói gì đến chuyện đặt chân vào Mỹ.
Mỹ vốn nổi tiếng là thị trường khó tính nhất thế giới. Theo ông, tại sao Vingroup quyết định chọn thị trường này để xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp, công nghệ?
Mỹ có thị trường công nghệ cao hấp dẫn nhưng thử thách bậc nhất thế giới. Không những thế, Mỹ còn là cái nôi của khoa học, công nghệ, của những phát minh, sáng chế, đồng thời là thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt của những tên tuổi hàng đầu như Apple hay Samsung... Chọn Mỹ vì thế không chỉ là phép thử tốt nhất cho chất lượng của sản phẩm smartphone Việt mà còn là cơ hội để thương hiệu Việt so vai với những gã khổng lồ công nghệ thế giới. Vào được Mỹ đồng nghĩa với việc có “giấy thông hành” để đi khắp thế giới. Một hãng non trẻ mà dám đặt mục tiêu chinh phục thị trường gai góc này không chỉ cho thấy bản lĩnh lớn mà còn thể hiện tầm nhìn khôn ngoan của VinSmart.
VinSmart vào Mỹ lần này với tư cách là ODM (nhà thiết kế và sản xuất thiết bị gốc) chứ chưa phải là một thương hiệu độc lập. Điều này liệu có làm giảm ý nghĩa cho chuyến “viễn chinh” của hãng điện thoại Việt không, thưa ông?
Ngược lại, chúng ta cần hiểu rằng, nếu chỉ đơn thuần là xuất khẩu điện thoại sang Mỹ, thì sản phẩm chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn chung của quốc tế cũng như của nước sở tại để được cấp phép. Còn khi vào Mỹ dưới thương hiệu của một nhà mạng, đặc biệt lại là tập đoàn viễn thông lớn bậc nhất thế giới thì phải đáp ứng tiêu chuẩn “sống còn” của thương hiệu. Tức là, tiêu chuẩn nhà mạng uy tín thậm chí còn cao hơn, khó hơn tiêu chuẩn của quốc tế hay của nước sở tại nói chung.

Thế giới phải thay đổi cách nhìn về Việt Nam

Ông có thể đánh giá triển vọng của VinSmart sau khi vào được thị trường Mỹ?
Người Mỹ có xu hướng tìm kiếm những điều mới mẻ và sáng tạo, không bảo thủ và đó sẽ là cơ hội cho VinSmart. Tại sao chúng ta không dám mơ một giấc mơ lớn hơn: Một ngày không xa, người tiêu dùng thế giới cũng sẽ háo hức chờ đợi VinSmart ra mắt một mẫu điện thoại mới? VinSmart có đủ cơ sở để chúng ta hy vọng vào điều này.
Tôi cũng rất quan tâm đến thiết bị 5G khi mới đây hãng đã giới thiệu dòng điện thoại 5G đầu tiên. Nếu đưa được sản phẩm này vào Mỹ thì việc thương hiệu Việt tối thiểu vào top 5 thế giới là hoàn toàn khả thi.
Trước nay, mặt hàng công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chỉ chủ yếu là hàng may mặc, giày dép...; theo ông, ngành công nghiệp Việt đã có bước tiến như thế nào từ câu chuyện VinSmart?
Việt Nam đã từng có lúc bị mang tiếng là một con ốc cũng không làm nổi. Chúng ta tuy đã xuất khẩu một số thiết bị điện tử nhưng chủ yếu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, dưới thương hiệu nước ngoài.
Ngược lại, một chiếc điện thoại thông minh, chi phí vật liệu sắt, thép, nhựa... không đáng kể. Sở dĩ nó có giá mấy trăm, thậm chí cả nghìn USD là nhờ những công nghệ, trí tuệ được tích hợp trong đó. Bởi thế, bước đi của VinSmart có thể xem là mở ra một trang mới, đánh dấu một sự khởi đầu mới cho ngành công nghiệp Việt Nam, một ngành công nghiệp trí tuệ.
Ông có nghĩ, “sự khởi đầu mới” mà VinSmart tạo ra có thể làm thay đổi cái nhìn của thế giới về Việt Nam không?
Chắc chắn sẽ thay đổi, thay đổi lớn. Hàng chục năm qua, người ta chỉ nói về chiến tranh Việt Nam. Nhưng giờ đây, Việt Nam sẽ được biết đến là một nền sản xuất công nghệ, thậm chí là công nghệ cao, dựa trên trí tuệ.
Thương hiệu của một quốc gia được làm nên bởi thương hiệu của các doanh nghiệp, sản phẩm. Nhật Bản là Toyota, Hàn Quốc là Samsung... Vậy nên, thành công của thương hiệu VinSmart ở thị trường quốc tế cũng chính là thành công của thương hiệu Việt Nam. Hàn Quốc chỉ mất khoảng 30 năm để sánh vai với Mỹ và có được những thương hiệu công nghệ top đầu thế giới. Việc có những doanh nghiệp xuất sắc, có sức mạnh và tầm nhìn cũng cho chúng ta quyền hy vọng Việt Nam có thể trở thành kỳ tích mới của châu Á.
 TS Mai Liêm Trực

ẢNH: D.H

       
Theo TS Mai Liêm Trực (ảnh), xét về trí tuệ, chúng ta không thua kém bất cứ dân tộc nào. Nhưng phải có doanh nghiệp và con người dẫn dắt để sử dụng trí tuệ đó vào nghiên cứu, phát triển và sản xuất thì mới làm nên những sản phẩm đẳng cấp thế giới. Ở đây, VinSmart giúp khẳng định trí tuệ của người Việt cũng như tầm vóc và năng lực sản xuất ngày càng lớn mạnh của doanh nghiệp công nghệ Việt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.