Theo nghiên cứu của Q&Me về xu hướng ứng dụng điện thoại tại Việt Nam 2019 mới công bố, người Việt trung bình dành 4 giờ một ngày cho điện thoại thông minh. Trong đó có khoảng 30% người dùng dành hơn 5 giờ mỗi ngày.
Dù có rất nhiều ứng dụng nhưng người dùng tại Việt Nam vẫn dành đến 65% thời gian trên điện thoại cho 4 ứng dụng gồm Facebook (31%), YouTube (13%), Messenger (11%) và Zalo (10%). Xu hướng trên cho thấy người dùng bị ảnh hưởng bởi các dịch vụ này khá nhiều. Điều đó cũng dẫn đến truyền thông Việt Nam có xu hướng sử dụng Facebook và YouTube nhiều hơn, biến chúng trở thành trung tâm thông tin.
Người dùng Việt cũng sử dụng mạng xã hội và nhắn tin trên điện thoại nhiều hơn là sử dụng website và email. Có đến hơn 90% người dùng đều sử dụng mạng xã hội và tin nhắn. Trong đó, thời gian sử dụng mạng xã hội cao gấp 5 lần thời gian sử dụng các trình duyệt Web.
Một xu hướng khác là sự phổ biến của các ứng dụng đặt xe. Ứng dụng Grab đã được 30% người dùng iPhone sử dụng trong khi Go Viet chỉ được 13% người dùng iPhone sử dụng. Các ứng dụng đặt xe đã trở thành cơ sở hạ tầng mới cho người Việt không chỉ về phương tiện vận chuyển mà còn là sự thay thế rất tốt cho việc giao thực phẩm.
Ngoài ra, việc sử dụng thanh toán qua ứng dụng điện thoại vẫn chưa cao. Chỉ có 12% người dùng đã mở các ứng dụng thanh toán qua điện thoại bao gồm Momo, Zalo Pay và Air Pay. Trong đó việc thanh toán di động phần lớn vẫn được sử dụng cho nạp tiền điện thoại hoặc các trò chơi. Người Việt Nam vẫn thích tiền mặt và trong đó thậm chí có người chưa biết tới mã QR.
“Có những dấu hiệu cho thấy cuộc sống của người Việt thay đổi về mặt vận chuyển và thanh toán. Khi những điều đó được đổi mới, thị trường bán lẻ sẽ thay đổi một cách mạnh mẽ”, báo cáo trên nhận định.
Bình luận (0)