* Chào Huỳnh Lập. Vừa qua dự án phim điện ảnh Pháp sư mù
do bạn sản xuất ra mắt khán giả. Trong suốt quá trình làm phim, bạn có gặp áp lực về câu chuyện kiểm duyệt?
- Diễn viên Huỳnh Lập: Tôi cũng áp lực chứ vì chắc chắn nhà làm phim nào cũng sợ bị cắt, nên tôi chủ động hết tất cả mọi thứ trong các tình tiết của phim. Mình tự rào mình trước, chứ đừng để nộp lên rồi về cắt nó sẽ banh bộ phim của mình. Nên bắt buộc khi tôi làm, phân đoạn nào cũng nằm trong khoảng an toàn, còn nếu có đột phá thì phải có lý do. Ban đầu tôi cũng nói cân nhắc trong việc biên kịch. Thực tế nếu không có kiểm duyệt thì chắc chắn chuyện tâm linh sẽ đậm hơn, ghê hơn. Chính xác là tôi sẽ cung cấp kiến thức tâm linh 100%. Vì trong phim dù gì cũng mang tính
giải trí nên tôi không đặt nặng vấn đề quá chính xác thông tin tâm linh. Có những thông tin chỉ mang tính phổ thông, chứ không mang tính cổ súy.
Quang Trung đóng cảnh hành động thế nào trong phim Huỳnh Lập?
|
* Trước Pháp sư mù cũng có hai dự án theo hướng kinh dị, kỳ bí là Thất sơn tâm linh và Bắc kim thang. Bản thân Huỳnh Lập có ngại bị so sánh với các dự án này không?
- Cái đó tôi không tránh được. Tôi không ngờ mọi thứ lại gom vào như vậy. Thất sơn tâm linh là phim dời nhiều lần, vô tình lại rơi trúng vào khoảng thời gian phim cuối năm. Nhưng tôi nghĩ nó vừa có lợi nhưng cũng vừa có hại. Cái lợi là khi các phim được gom chung với nhau, các báo thường tổng kết phim cuối năm sẽ có tên phim của tôi. Hay khi nhìn vào, khán giả cũng có thể phân chia giữa ba thể loại tâm linh. Thất sơn tâm linh dựa trên câu chuyện có thật nên sẽ kinh dị, Bắc kim thang mang tính tâm lý nhiều hơn, còn Pháp sư mù sẽ đánh mạnh về kiến thức tâm linh và nhìn vấn đề bằng tâm linh. Đi thì đi chung, nhưng nói riêng mỗi cái sẽ có cái riêng, tôi nghĩ áp lực lớn nhất là làm sao tạo được môi trường phim chung tốt nhất có thể. Bởi vì nếu làm không khéo sẽ ảnh hưởng đến tâm lý khán giả. Niềm tin khán giả về phim rất quan trọng để quyết định khán giả có ra rạp hay không, nên là chúng tôi cố gắng cùng nhau thôi.
Áp lực của tôi không riêng là nằm chung với các phim kinh dị trước đó mà còn nằm trong cuộc đời làm
nghệ thuật của tôi nữa. Bởi vì đây là phim điện ảnh đầu tiên của tôi, trong khi thể loại này còn quá xa lạ với khán giả nên nếu làm không ra thì chắc chắn sẽ là tiếng xấu muôn đời. Tôi cứ cố gắng làm tốt nhất có thể. Còn về doanh thu, đây luôn là bài toán khó cho tất cả các bộ phim nên tôi vẫn muốn khán giả ra rạp ủng hộ phim nhiều để có động lực phát triển tiếp cho dự án sau.
Huỳnh Lập vào vai Tinh Lâm, một pháp sư mù trên hành trình tìm lại ánh sáng đôi mắt của mình
|
* Cảnh cuối trong phim đầu tư khá hoành tráng. Bạn có thể chia sẻ cụ thể về quá trình thực hiện cảnh quay này?
- Cảnh cuối quay trong 3 đêm, từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng. Trong 3 ngày đó, cả đoàn chỉ làm việc đêm thôi, ban ngày ê-kíp sẽ được nghỉ ngơi. Sức lực của anh em mất rất nhiều nên phải chuẩn bị lương thực bồi bổ cho mọi người, thậm chí có cả y tá hiện trường luôn. Nhưng mừng vì mọi người hiểu được câu chuyện và thích phân đoạn giáp lá cà nên mọi người phấn khởi,
sáng tạo. Khoảng thời gian đó tôi cũng rất lo về thời tiết vì chúng tôi quay ngay mùa mưa. Ban ngày mưa lớn nên tôi cúng rất nhiều. Rất may mắn vì đêm đến thì trăng sáng và thuận lợi. Phân cảnh đó mất rất nhiều thời gian vì có những cảnh đánh đơn, những cảnh giáp lá cà, những cảnh tâm lý… Diễn viên cũng phải nghiên cứu tâm lý rất kỹ nên trong suốt quá trình quay không có trục trặc gì hết. Có khoảng 30 diễn viên trong phân cảnh đó.
Huỳnh Lập thanh minh về phát ngôn đòi thay thế Trấn Thành, Trường Giang
|
* Có câu chuyện tâm linh nào xảy ra trong suốt quá trình quay phim không?
- Cũng có một vài câu chuyện nhưng không đáng sợ mà làm cho mình có thêm niềm tin, dùng từ chính xác là ly kỳ. Ban đầu tôi không chọn nhà cổ đó quay vì xem trên hình không hợp. Nhưng vì đã liên hệ với chủ nhà rồi nên vẫn đến xem. Khi tôi đến thì trong nhà, đi từ đầu đến cuối nó phù hợp với cảnh trong phim. Thường thì người ta nói rằng quay những phim tâm linh ở nhà cổ chắc chắn sẽ trục trặc. Nhưng chúng tôi thì không bị...
Nam diễn viên cho biết anh những câu chuyện tâm linh gặp phải trong quá trình quay giúp anh có thêm niềm tin hoàn thành phim
|
Có một đêm tôi nằm mơ, thấy chị Khả Như đòi uống nước. Sáng hôm sau tôi chạy đến chỗ bàn thờ khuất mặt khuất mày mới thấy bàn thờ đó có cúng giấy tiền, bánh trái nhưng không có cúng nước, trong khi các bàn thờ kia lúc nào cũng có đủ nước hết. Hay khi quay cảnh ở ngã ba, có một cái bóng lướt ngang. Khi quay, anh em trong đoàn không được di chuyển nên quay xong, phân đoạn tốt nhất lại có cái bóng đi ngang. Tôi cũng quyết định để lại phân đoạn đó. Nói chung những câu chuyện tâm linh đó giúp tôi có niềm tin, an tâm hơn khi làm bộ phim này.
* Vừa qua Huỳnh Lập vướng phải sự cố liên quan đến Trấn Thành, Trường Giang. Bạn có ngại rằng sự cố đó ảnh hưởng đến phim ngay thời điểm ra mắt hay không?
- Khi sự cố đó ập lên đầu, có nhiều khán giả chưa hiểu tôi nên có những lời lẽ ném đá tôi. Nhưng với khán giả biết và hiểu tôi, họ luôn bênh vực tôi. Quản lý của anh Trường Giang, Trấn Thành hiểu điều đó, vì trong giới nghệ sĩ, anh em chơi với nhau rất hiểu tính. Chúng tôi không thể nào cứ “cà khịa" với nhau như vậy. Bản thân tôi từ trước đến giờ không dám đụng chạm bất kỳ ai. Tôi muốn tôi là con người độc lập, không dựa trên scandal hay một lý do nào đó để đánh bóng tên tuổi. Tôi làm gì trong tác phẩm đều gửi gắm giá trị nhân văn, nếu tôi không cố sống nhân văn thì tôi sẽ không hiểu điều đó để đưa vào tác phẩm của mình.
Huỳnh Lập tiết lộ cảnh quay cuối trong phim là cảnh anh đầu tư nhất
|
* Sau sự cố đó, bạn có ngại khi gặp hai đàn anh trong nghề tại các gameshow truyền hình?
- Sau sự cố đó, bản thân những quản lý đã giải quyết với nhau hết rồi. Anh Trường Giang rất hiểu tôi. Tôi tốt nhất không nên đọc
bình luận, vì càng đọc càng buồn, nên châm ngôn của tôi là hạn chế đọc bình luận tiêu cực. Tôi giữ tâm của mình thật an để lo phim này, không bận tâm điều khác xung quanh. Chuyện bị “cà khịa" như vậy, ít nhất một lần của một đời làm diễn viên hoặc làm nghệ thuật phải va chạm một lần để hiểu rằng khán giả vẫn có người thương mình, vẫn có người chưa hiểu mình. Với những ai chưa hiểu mình, thì mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để mọi người hiểu mình. Tôi không ngại gặp anh Thành, anh Giang tại gameshow vì anh em chúng tôi chơi với nhau hết sức bình thường, chỉ có người giật title mới không hiểu mối quan hệ của diễn viên thôi.
* Thực tế hiện nay, nhiều nghệ sĩ vì chơi gameshow mà bị chỉ trích, lên án. Điều đó có khiến bạn e ngại khi nhận lời xuất hiện tại gameshow không?
- Cái đó khiến tôi buồn lắm luôn, buồn cho nghệ sĩ đó và cho chính bản thân tôi nữa. Đôi khi tôi cũng hơi sợ. Khi mà tôi quay gameshow nào xong, tôi luôn e ngại rằng khá giả có chửi gì mình không. Thực ra gameshow là giải trí mà, nên khi nghệ sĩ đến với gameshow cũng phải cố làm gì đó mang đến sự hào hứng cho khán giả. Chứ mà bây giờ đối với diễn viên hài không náo nhiệt thì không có không khí. Đó là trách nhiệm của mọi người vì phải làm tăng lên sự nhiệt huyết cho chương trình gameshow mà cứ bị nói hoài.
Tôi nghĩ cũng là con người với nhau nhưng cứ chửi con này thằng nọ khiến tôi đọc tôi rất đau lòng. Tôi luôn đặt câu hỏi đến khi nào thì người ta mới tử tế với mình. Mọi người cứ ném đá một cách vô tội vạ mà không suy xét cái chung. Tôi nghĩ xã hội bây giờ dễ dàng để một người đưa ra ý kiến nên mọi người thoải mái đưa ra lời lẽ mà không ai chịu trách nhiệm trước lời lẽ đó. Một status, comment cho mọi người đọc rồi thôi, nhưng họ không biết rằng những lời nói đó giết chết tâm hồn của những người họ muốn đả kích. Điều đó tôi nghĩ rằng nó còn ác hơn cả việc cầm dao đâm người ta chết. Vì bây giờ sống dựa trên tinh thần. Nếu một ngày nào đó tôi cứ chăm chăm vào bình luận tiêu cực thì tôi ăn không ngon ngủ không yên luôn. Nên tôi nghĩ chỉ đến với gameshow phù hợp, cố gắng cân bằng để tránh điều nuối tiếc xảy ra.
* Kế hoạch sắp tới của bạn như thế nào?
- Bản thân tôi trong đầu có nhiều kịch bản lắm, từ kịch bản xã hội, tâm lý nhưng tùy thuộc vào thời thế, cơ hội nữa. Nhưng sau Pháp sư mù, nếu có thời gian tôi sẽ quay lại Parody, tại vì khán giả vẫn thích tôi đi theo hướng đó, mang tính giải trí hơn. Parody bản chất là nhái lại sản phẩm gốc, nhưng phải có nghệ thuật, phải đầu tư chất xám trong đó. Cho nên hồi xưa khán giả tranh cãi về vấn đề này, nhưng bây giờ khán giả đã hiểu nhiều hơn rồi. Hơn nữa, vì làm Pháp sư mù nên sân khấu của chúng tôi bị ngưng đọng được khoảng 1 năm rồi. Xong phim này, nếu như có tiền, tôi sẽ tìm cho mình một mặt bằng để tạo ra một sân khấu vừa phải, sức chứa khoảng 150 người để mọi người vừa uống nước vừa thưởng thức nghệ thuật. Tôi thích thể loại sân khấu nhỏ gọn, ấm cúng như vậy.
Bình luận (0)