Hoàng Gia Cường khẳng định: “Mình viết status trêu mọi người thôi, không có ý gì đâu nhé. Mình cũng rất thích giọng hát Văn Mai Hương, còn sự cố theo mình chỉ là vô tình. Và mình nghĩ Hương đàng hoàng, không có gì phải ngại. Xin lỗi đã để mọi người hiểu lầm, xin lỗi Văn Mai Hương nhé. Qua đây cũng là bài học để các anh em nghệ sĩ cẩn thận hơn trước camera. Camera mọi người hay dùng bây giờ đa số là kết nối wifi nên khi ai đó dùng ứng dụng kết nối được với camera qua wifi và dò được mật khẩu camera là có thể truy cập được. Qua đó nếu mọi người đặt camera nên để phòng khách, hành lang tránh những chỗ nhạy cảm như phòng tắm, thay đồ, phòng ngủ".
Chưa dừng lại ở đó, diễn viên Người phán xử tiếp tục: “Mình có nói là mình chịu trách nhiệm trước gì mình nói. Status của mình không hề ám chỉ xin link như các báo đưa tin, chỉ là trêu thăm dò ý kiến anh em nghệ sĩ phản ứng gì về scandal đó. Không hề phát tán video hay hình ảnh lên trang cá nhân. Sau việc bị mọi người hiểu lầm là mình xin link, mình đã xóa ngay status và xin lỗi mọi người, mong mọi người hiểu. Đây cũng là bài học đắt giá cho mình và anh em showbiz cẩn thận hơn khi đăng bài cá nhân".
Dù đã lên tiếng xin lỗi song Hoàng Gia Cường vẫn vấp phải nhiều chỉ trích từ dư luận. Một số khán giả cho rằng nam diễn viên đang thanh minh trước hành động của mình. Một tài khoản viết: “Anh cũng là một nghệ sĩ mà anh đăng status nói là vui khi người ta bị hack camera, nhất là họ lại là phụ nữ nữa. Em nghĩ anh nên xin lỗi chứ không phải thanh minh nói vui đâu". “Sao bạn không ăn nói cho cẩn thận mà lại nhắc Văn Mai Hương cẩn thận trước camera? Khác nào bạn nói bạn đăng status xin link Văn Mai Hương là không có lỗi, lỗi do Văn Mai Hương hớ hênh trước camera?”, một cư dân mạng bức xúc. “Nghệ sĩ mà nói lời này thì cũng xin hủy kết bạn Facebook", một tài khoản chia sẻ.
|
Trước đó, khi đoạn clip nhạy cảm được cho là của Văn Mai Hương được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội, nhiều sao Việt như Trấn Thành lên tiếng động viên nữ ca sĩ và bày tỏ thái độ bức xúc trước hành động của kẻ xấu. Tuy nhiên, giữa "tâm bão", nam diễn viên Hoàng Gia Cường, người từng đóng vai phụ trong phim Người phán xử lại đăng dòng trạng thái cợt nhã, đòi xin link các clip này. Cụ thể, anh viết: "Có anh em nào hóng 5 link đầy đủ của Văn Mai Hương không nhỉ?". Hành động của nam diễn viên lập tức gây chú ý, khiến dư luận không khỏi bức xúc. Mặc dù đã xóa status cũ và lên tiếng đính chính nhưng làn sóng chỉ trích từ dư luận vẫn không "hạ nhiệt".
Liên quan đến câu chuyện của Văn Mai Hương, luật sư Hoài Nghĩa (Đoàn luật sư TP.HCM) đánh giá đây là hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân, riêng tư của người khác mà không được sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật, gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của họ. Theo nam luật sư, hành vi này vi phạm các Điều 32, Điều 34 và Điều 38 của Bộ luật Dân sự năm 2015. “Điều 32 quy định Quyền cá nhân đối với hình ảnh: Nếu việc sử dụng hình ảnh cá nhân không được sự đồng ý của người có hình ảnh, không được thỏa thuận về mặt thù lao nếu vì mục đích thương mại, không vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích cộng đồng thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. Điều 34 Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín quy định: Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”, Luật sư Nghĩa giải thích.
“Và khoản 2, Điều 38 quy định Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Luật quy định: Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Về việc bồi thường thiệt hại do danh dự, uy tín bị xâm phạm thì Điều 592, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người bị hại có thể yêu cầu gỡ hình ảnh đó xuống, buộc người đăng tải phải xin lỗi, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần", luật sư Nghĩa phân tích thêm.
|
Luật sư Hoài Nghĩa cho biết việc phát tán clip nóng, văn hóa phẩm đồi trụy lên mạng là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 253, Bộ luật Hình sự về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy hoặc Điều 121 Bộ luật Hình sự về tội Làm nhục người khác. “Theo đó, người nào sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi trụy, cũng như có hành vi khác truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy thì mức hình phạt cao nhất có thể bị phạt tù lên đến 10 năm. Về tội Làm nhục người khác thì người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội nhiều lần, với nhiều người thì bị phạt tù từ 1-3 năm”, ông phân tích thêm.
“Nếu chưa đến mức xử lý hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP. Điều luật quy định vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin... phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung cờ bạc, lô đề hoặc phục vụ chơi cờ bạc, lô đề, dâm ô đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Hoặc theo khoản 3 Điểm G nghị định này, cụ thể: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”, luật sư Hoài Nghĩa nói.
Trong khi đó luật sư Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay: “Hành vi tung clip của bất kỳ một cá nhân nào có những hình ảnh, thông tin về cá nhân đó mà không được sự đồng ý của họ là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể là vi phạm Điều 32, Điều 38 của Bộ luật Dân sự và Điều 12 Luật công nghệ thông tin. Trong trường hợp hình ảnh nhạy cảm xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì nó là vi phạm điều 155 Bộ luật Hình sự về tội làm nhục người khác. Cá nhân nào nếu như bị người khác có hành vi vi phạm một trong những điều luật trên nên yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng để làm bằng chứng vì thông tin đưa trên mạng có thể bị xóa ngay hoặc không còn là thông tin gốc. Đồng thời, người này cần yêu cầu Sở Thông tin Truyền thông có hành vi với lại cá nhân, tổ chức đang sử dụng đường truyền gỡ bỏ ngay. Thứ ba là làm đơn tố giác tội phạm, gửi cho cơ quan nơi cá nhân, tổ chức sử dụng đường link đó".
Bình luận (0)