(TNO) ‘Một đêm trực 2 điều dưỡng phải chăm sóc 80 bệnh nhân. Người kêu đau, người kêu sốt, người khác thì nhăn nhó, điều dưỡng chạy chỗ này chạy chỗ kia, đố ai có thể cười được?’, tiến sĩ Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, chia sẻ tại hội nghị khoa học điều dưỡng với chủ đề An toàn người bệnh tổ chức ngày 2.12.
|
“Trước ca trực, các điều dưỡng đã có 8 giờ làm việc hết công suất. Đến đêm trực với khối lượng lớn công việc, điều dưỡng không thể cười được thì lại bị đánh giá về 'tinh thần, thái độ'. Làm việc vất vả như vậy nhưng lương ngân sách chỉ có 3 triệu đồng, mà lại còn nợ lương nữa”, ông Quyết nói.
Chia sẻ với vất vả trong công việc của điều dưỡng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, khẳng định thành công trong điều trị có đóng góp của những người làm công tác điều dưỡng, đặc biệt là hệ ngoại khoa, vai trò của điều dưỡng rất quan trọng.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý: Ở nước ngoài một điều dưỡng hoạt động không đúng chức năng, không đảm bảo đúng kỹ thuật thì Hội điều dưỡng có thể rút giấy phép hoạt động và những người điều dưỡng muốn tham gia hoạt động chuyên môn thì hội sẽ xem xét.
"Rủi ro" trong bệnh viện
Theo tiến sĩ Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam, vẫn còn tỷ lệ điều dưỡng chưa tuân thủ các quy định về an toàn trong công tác chuyên môn, ảnh hưởng đến an toàn của người bệnh.
Kết quả nghiên cứu ở một số bệnh viện được công bố tại hội nghị cho thấy: chưa đến 3% điều dưỡng thực hiện đúng an toàn tiêm tĩnh mạch (18/18 bước); 17-50% điều dưỡng không đạt yêu cầu về an toàn mũi tiêm (12/12 bước); vẫn còn tỷ lệ nhỏ (1%) người bệnh bị chuyển nhầm khi phẫu thuật; 6,7% bệnh nhân sau mổ không được bàn giao theo dõi hô hấp, tuần hoàn khi chuyển từ phòng mổ về buồng bệnh.
Nam Sơn
>> Đỏ mắt tìm điều dưỡng
>> Điều dưỡng chán việc!
Bình luận (0)