Hoạt động kém hiệu quả
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, dưới góc độ giảng viên kiêm nhà tham vấn và trị liệu tâm lý, PGS-TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa các khoa học giáo dục Trường ĐH Giáo dục-ĐH Quốc gia Hà Nội, bày tỏ lo ngại: “Bên cạnh nguyên nhân liên quan đến thành kiến, các dịch vụ tư vấn tâm lý hiện chưa chuyên nghiệp và chuẩn hóa cũng là yếu tố gây cản trở".
Thậm chí, ngay từ khâu tuyên truyền về phòng tâm lý tại các trường học cũng chưa được thực hiện bài bản khiến học sinh mặc cảm, cho rằng mình là người bị phạt hoặc có bệnh tâm thần mới đến đó, ông Nam nói.
Ngoài ra, theo ông Nam, không gian và cách bài trí phòng tư vấn tại các trường còn vi phạm một số nguyên tắc: không đảm bảo tính riêng tư, không thân thiện và tạo cảm giác an toàn, không đầy đủ các công cụ đánh giá như bộ trắc nghiệm và tài liệu quy trình hướng dẫn.
“Cuối cùng là năng lực của người tư vấn không giải quyết được những vấn đề tâm lý khó khăn của học sinh. Có nhiều người còn tư vấn sai nguyên tắc dẫn đến mất niềm tin về năng lực của người làm công tác tư vấn tâm lý nói chung trong xã hội”, ông Nam nói thêm.
Hoạt động tư vấn tâm lý tại trường phổ thông chưa được phát huy |
CLB Nhiếp ảnh-Báo chí Trường THPT Mạc Đĩnh Chi |
Khó cho giáo viên kiêm nhiệm
Để công tác tư vấn tâm lý được triển khai tốt, ông Nam nhận định: “Ngoài truyền thông thay đổi định kiến về việc tìm kiếm các dịch vụ tư vấn; chuẩn hóa cơ sở vật chất, quy trình và nguyên tắc đạo đức của hoạt động tư vấn tâm lý trong nhà trường thì quan trọng nhất là phải nâng cao năng lực cho đội ngũ tư vấn viên”.
Được biết, một số năng lực cơ bản mà giáo viên cần trang bị trước khi tư vấn tâm lý cho học sinh là năng lực nhận diện các vấn đề tâm lý bình thường và bất thường (tâm bệnh học); năng lực thu thập thông tin giúp xác định vấn đề trọng tâm từ việc phỏng vấn lâm sàng, quan sát và sử dụng các công cụ đáng tin cậy để đánh giá và chẩn đoán.
Bên cạnh đó, giáo viên cần có kỹ năng tham vấn cơ bản, biết áp dụng các bằng chứng khoa học vào các vấn đề tâm lý. Ông Nam đánh giá, tất cả những đòi hỏi này gây áp lực không nhỏ để giáo viên kiêm nhiệm có thể thường xuyên cập nhật và nâng cao năng lực chuyên sâu về tư vấn tâm lý. “Có lẽ trong tương lai, vị trí này cần có một chuyên trách trong trường học cũng như ngày càng chuyên nghiệp trong xã hội”, ông Nam khẳng định.
PGS-TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa các khoa học giáo dục Trường ĐH Giáo dục-ĐH Quốc gia Hà Nội |
nvcc |
Công cụ "cầm tay chỉ việc" tư vấn tâm lý
Từ yêu cầu cấp thiết kể trên, Bộ GD-ĐT mới đây phê duyệt Sổ tay Hướng dẫn tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông. Đây là tài liệu do Bộ GD-ĐT, tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và nhóm chuyên gia của Trường ĐH Giáo dục-ĐH Quốc gia Hà Nội phối hợp biên soạn.
Là một trong số những tác giả của Sổ tay, PGS-TS Trần Thành Nam cho biết: “Sổ tay được thiết kế thành một tài liệu mang tính ‘cầm tay chỉ việc’, giúp đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn học đường có thể hiểu và thực hiện một số quy trình, kỹ năng cơ bản trong tư vấn và tham vấn trị liệu những vấn đề thường gặp ở học sinh phổ thông”.
Cấu trúc các chương của Sổ tay đi từ việc hiểu tâm lý của học sinh phổ thông, với các đặc điểm của Gen Z và là thế hệ “công dân số”; xác định phạm vi nhiệm vụ và hình thức các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh theo từng cấp học; hiểu và triển khai theo 6 quy trình tư vấn và vận dụng kỹ năng lắng nghe, xử lý im lặng, phản hồi, thiết lập mục tiêu và tìm kiếm giải pháp.
Tài liệu cũng cung cấp các công cụ nhận diện nhiều vấn đề như lo âu, trầm cảm, các vấn đề xã hội, vấn đề tư duy, xâm hại thể chất và các dấu hiệu nguy cơ tổn thương tâm lý khác ở học sinh.
Cấu trúc các chương của Sổ tay đi từ việc hiểu tâm lý của học sinh phổ thông, với các đặc điểm của Gen Z và là thế hệ “công dân số” |
nvcc |
Thông qua Sổ tay, ông Nam mong rằng giáo viên học được cách sử dụng các thang đánh giá sàng lọc phổ biến để có số liệu định lượng, hỗ trợ nhận diện những vấn đề về chú ý, trí nhớ, chất lượng giấc ngủ, mức độ phụ thuộc game và internet cũng như các hành vi, cảm xúc như lo âu, trầm cảm.
Mới đây, buổi tập huấn với sự tham dự của PGS-TS Trần Thành Nam là bước đầu đưa Sổ tay đến gần với giáo viên hơn.
Không phải trường nào cũng có giáo viên chuyên trách về công tác tư vấn tâm lý cho học sinh |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Thực trạng đáng buồn
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng cảnh báo sau khủng hoảng Covid-19 là khủng hoảng về sức khỏe tâm thần. Kết quả các cuộc khảo sát của PGS-TS Trần Thành Nam cùng cộng sự trong nhiều năm cũng đã cho thấy tỷ lệ học sinh phổ thông có các vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần trung bình khoảng 20%.
Tuy nhiên, tỷ lệ này tăng lên trước những sự kiện mang tính đe dọa và sang chấn như kỳ thi tốt nghiệp THPT, vào ĐH hay sau đại dịch Covid-19. Trong đó, nhóm học sinh từ 11-17 tuổi được xem là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với các vấn đề thường gặp là lo âu, trầm cảm, những rối loạn stress cấp.
“Đặc biệt, khi hệ thống tư vấn hỗ trợ tâm lý tại các trường học và hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần thuộc ngành y bị quá tải và kiệt sức sau giai đoạn ‘căng mình’ cao độ để ứng phó với đại dịch thì phần lớn học sinh bị tổn thương sẽ không thể tìm thấy sự hỗ trợ cần thiết. Điều này làm cho các triệu chứng của tổn thương sức khỏe tâm thần ngày càng trở nên trầm trọng hơn”, PGS-TS Trần Thành Nam nhận định.
Bình luận (0)