Điều gì làm nên những tên tuổi siêu mẫu triệu đô?

Hoàng Thắng
Hoàng Thắng
31/05/2020 22:30 GMT+7

Vì sao Naomi Campbell, chị em Gigi - Bella Hadid được gọi là 'siêu mẫu' trong khi nhiều cô nàng cũng xuất hiện tương tự trên sàn catwalk lại chỉ được gọi tên là 'người mẫu'?

Siêu mẫu xưa và nay

Theo chuyên gia phân tích thời trang Silvia Fendi, người phụ nữ kế nghiệp nhà thiết kế Karl Lagerfeld, đây cũng là một vấn đề từng gây ra lắm tranh cãi. Nicole Phelps, giám đốc trang mục catwalk của tờ Vogue, có thể xem câu nói nổi tiếng của mỹ nhân Linda Evangelista vào đầu những năm 90 “Không nhận được trên 10.000 USD một ngày, chúng tôi không bước chân ra khỏi giường” là kết tinh đẳng cấp một siêu mẫu. Bà lý giải, để trở thành một siêu mẫu đích thực, bạn thật sự phải nằm trong nhóm những người mẫu ưu tú có những hợp đồng hàng triệu đô. Đó là trường hợp của Campbell, Evangelista, Christy Turlington và Cindy Crawford. Kế tiếp là làn sóng những tên tuổi thế hệ nối gót như Kate Moss, Gisele Bundchen, Natalia Vodianova hay Karlie Kloss.

Qua các cuộc đôi co mới về chuẩn siêu mẫu, những chân dài 9X như Kendall Jenner và chị em Hadid bỗng trở thành đối tượng bị săm soi. Đây là trường hợp thú vị, vì họ hầu như xuất hiện phần lớn qua trang mạng riêng và những show truyền hình thực tế mà vẫn kiếm tiền khủng. Yếu tố lớn nhất để định nghĩa thế hệ chân dài sàn catwalk này không phải là tiểu sử nhân thân từ những đóng góp trong làng giải trí, thời trang, mà chính là mức nổi bật trên các trang phương tiện truyền thông xã hội của chính họ, với số lượng người theo dõi đông đảo ngày mỗi tăng trên mạng. Siêu mẫu Coco Rocha, nhân vật gây ảnh hưởng truyền thông kỹ thuật số ngay lúc hai cô nàng Hadid và Jenner đang còn ngồi ghế nhà trường, cũng xác nhận ở một khía cạnh nào đó, chính phương tiện truyền thông xã hội đã gán thêm chữ “siêu” cho một số người mẫu. Nhờ thế giới ảo, ngay cả những người mẫu bậc trung cũng có thể xây dựng thương hiệu và không khó để đạt thành công sự nghiệp. Dẫu vậy, với nữ diễn viên Rebecca Romijn, lớp Jenner hay Gigi Hadid không phải là siêu mẫu thực thụ. Còn Stephanie Seymour, một trong những gương mặt của làn sóng siêu mẫu đầu tiên của thế giới, lại phân vân, bởi cô thích gọi các nàng kể trên bằng một danh xưng nào khác chứ không là “siêu mẫu”.

Jennifer Lopez nổi bật trên thảm đỏ catwalk của Versace tại Tuần lễ thời trang Milan 2019

Ảnh: Getty Images

Sự dị biệt giữa các siêu mẫu trước và sau thời đại không gian mạng là lớp sau này dường như thiếu hẳn đi thứ hào quang huyền bí. Bởi bây giờ họ ăn uống, mua sắm ở đâu, hẹn hò những ai, mọi người đều biết vanh vách, chứ với lớp trước người ta mù tịt. Sự thực, lúc này thế giới đang có hàng trăm nghìn người mẫu hành nghề, và ngay cả những người đã sải bước trên sàn catwalk trong các show thời trang của nhiều tên tuổi thương hiệu đình đám, cũng chưa chắc đã hưởng được danh siêu mẫu. Thế nhưng, cho dù người họ thần tượng là Naomi Campbell hay Kendall Jenner, sự quyến rũ khó hiểu và khó cưỡng của làn sóng siêu mẫu đầu tiên hay lực hấp dẫn của các chân dài thu hút đám đông qua mạng xã hội của lớp sau này, đều chắc chắn xác định một điều, người mẫu trẻ nào cũng mơ ước trở thành siêu mẫu.

Khác biệt nữa giữa người mẫu thông thường và siêu mẫu là cái danh. Siêu mẫu là người mà sự nổi tiếng đã vượt ra ngoài thế giới thời trang. Điều đó có nghĩa, người không biết tí gì về thương hiệu Dolce Gabbana cũng vẫn biết Cindy Crawford thực sự tuyệt đẹp. Janice Dickinson, mẹ đẻ ra thuật ngữ “siêu mẫu” vào năm 1979, tự cho mình là siêu mẫu đầu tiên của thế giới. Tuy nhiên, còn có một ứng cử viên sáng giá hơn cho danh hiệu, đó là Suzy Parker. Sinh năm 1932, người đẹp cao 1,77m này đã mở ra kỷ nguyên những người mẫu nữ cao ráo chân dài, là cây đinh trong nhiều chiến dịch quảng cáo và xuất hiện cả trong bộ phim đình đám nào đó. Oái oăm là, qua Funny Face đóng chung với Fred Astaire, Suzy lại trở thành một trong những người mẫu thời trang đầu tiên diễn xuất tệ hại thuộc loại bậc nhất của điện ảnh. Nhưng điểm trừ ấy không thành vấn đề, bởi “siêu mẫu” là thế.

Hành trình bí mật trở thành siêu mẫu

Dù còn ít nhiều tranh luận về cách định danh “siêu mẫu”, nhưng khi nhìn lại lịch sử thời trang, hành trình trở thành một siêu mẫu thường ít nhiều đi qua vài cung đường khá giống nhau. Hãy thử tưởng tượng một ngày nọ, bạn mới chỉ là cô bé ngồi nhâm nhi món ăn nhanh trong cửa tiệm McDonald. Thế rồi, bạn trở thành người mẫu được trả lương cao nhất thế giới, tung hoành trên các sàn catwalk từ New York, Paris đến Milan, là gương mặt đại diện cho vô số thương hiệu đủ lĩnh vực từ Dolce & Gabbana, Victoria's Secret đến máy tính Apple; và hẹn hò với những tên tuổi đình đám thuộc giới giải trí thể thao như Leonardo DiCaprio hay tiền vệ Tom Brady. Chính trường hợp kinh qua đủ các cung bậc hành trình một siêu mẫu của Gisele Bundchen đã xảy ra như thế.

Một siêu mẫu có thể bất ngờ được phát hiện trong cuộc sống thường nhật. Cô nàng 14 tuổi Kate Moss lọt mắt xanh công ty quản lý người mẫu London khi đang đợi chuyến bay ở phi trường JFK, Mỹ. Các thiên thần của Victoria’s Secret như Adriana Lima và Gemma Ward đổi đời khi tháp tùng bạn đi tham dự một cuộc thi người mẫu thời trang. Nhưng đâu phải ai cũng may mắn lọt được vào con đường vừa kể. Nhiều cô phải gửi hình tham dự cuộc thi và đợi casting tuyển chọn. Alessandra Ambrosio từng tham gia lớp học người mẫu ở quê nhà Brazil rồi mới dám lên thủ đô thử thời vận. Amy Wesson, Jessica White được phát hiện tại hội nghị Hiệp hội người mẫu và tài năng quốc tế. Các Tuần lễ thời trang New York, Paris và Milan với show của Marc Jacobs, Prada, Calvin Klein, Vera Wang, Rebecca Taylor hay Jill Stuart lại là bệ phóng khác. Giới lăng xê ngôi sao của ngành công nghiệp giải trí, thời trang, bao gồm biên tập viên, nhiếp ảnh gia, giám đốc điều hành công ty mỹ phẩm... đều là những tác nhân tạo nên hàng loạt siêu mẫu, từ Gisele Bundchen, Adriana Lima, Heidi Klum đến Tyra Banks hoặc Elizabeth Hurley.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.