TIẾNG CHUÔNG CẢNH BÁO
Khẳng định về sự lớn mạnh của đội ngũ sáng tác, GS-TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, chia sẻ: "Với khoảng 200 nhà điêu khắc, trong đó có 91 người là hội viên Hội Mỹ thuật, rõ ràng điêu khắc của TP đang phát triển hùng hậu, có nhiều đóng góp tích cực đối với hoạt động sáng tạo nghệ thuật trong tiến trình phát triển của nền điêu khắc hiện đại VN".
GS-TS Nguyễn Xuân Tiên cũng dành thời gian nhắc lại những ngày đầu đất nước mới thống nhất, khi số lượng các nhà điêu khắc chỉ đếm chưa đủ trên 10 ngón tay, khó khăn, thiếu thốn trăm bề. "Giờ đây, điêu khắc TP.HCM nỗ lực trong mọi hoạt động, từ nguồn kinh phí vận động cùng sự hỗ trợ của TP, đã tổ chức được nhiều cuộc triển lãm với quy mô lớn, tham dự hơn 30 trại điêu khắc quốc gia và quốc tế, có nhiều tác phẩm nghệ thuật tốt và thực hiện khoảng 150/khoảng 500 công trình tượng đài trên cả nước", ông Tiên thông tin thêm.
Tuy nhiên, ông Tiên cũng trăn trở: "Công tâm mà nói, tôi vẫn chưa thấy được nhiều tác phẩm gây ấn tượng mạnh và lâu bền hay hòa quyện với không gian cảnh quan đô thị. Các sáng tác theo xu hướng hiện đại, ảnh hưởng trường phái ấn tượng, trừu tượng, tối giản..., vẫn mang nặng hình thức theo kiểu "trình diễn" bố cục, chất liệu, ngôn ngữ nghệ thuật, tạo ấn tượng lạ mắt nhưng chưa để lại nhiều suy tưởng, thông điệp gắn với cuộc sống. Các trại sáng tác thì tác phẩm phần lớn vẫn còn hời hợt, thiếu yếu tố thẩm mỹ, cũng như sự điêu luyện về kỹ năng thể hiện hình khối, chất liệu. Gần đây, chúng ta vắng bóng ở các giải thưởng lớn. Âu cũng là tiếng chuông cảnh báo cho chuyên ngành điêu khắc phải nhìn lại mình, soi mình…".
Nói về những khó khăn, hạn chế của các nhà điêu khắc khi sáng tác và đưa tác phẩm vào các không gian công cộng tại TP.HCM, điêu khắc gia Phan Tấn Toàn bức xúc: "Hầu hết các không gian công cộng của TP không được quy hoạch ngay từ đầu trong tổng thể, nên tác phẩm điêu khắc hầu như được đặt vào sau cùng giữa các công trình cổ và hiện đại đan xen nhau, khiến cho tác phẩm điêu khắc khó hòa hợp thực sự với không gian xung quanh. Bản thân nghệ sĩ dù có mong muốn sáng tác và đưa tác phẩm vào trang trí cho một không gian cụ thể, ví dụ như khuôn viên tòa nhà, trụ sở công ty..., thì cũng khó mà thực hiện, bởi phải có sự kết nối và chấp thuận từ những người có trách nhiệm đứng đầu".
Có ý kiến còn phản ánh thực trạng, các tác phẩm điêu khắc cá nhân nếu đem bán cho các đơn vị công cộng thường phức tạp, cần trải qua nhiều khâu thẩm định, đấu thầu.
NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY
Điêu khắc gia Nguyễn Hoài Huyền Vũ nêu ra thực trạng nhức nhối: "Điêu khắc trang trí đô thị hiện thiếu rất trầm trọng ở TP.HCM. Hiện chỉ có duy nhất thể loại điêu khắc trong các công viên công cộng ở công viên Tao Đàn, Đền Hùng…, nhưng không đáng là bao. Trong khi TP rất nhiều công viên không có điêu khắc trang trí. Những thể loại điêu khắc công cộng khác thì hoàn toàn vắng bóng".
"Thực tế cho thấy, vai trò của chuyên ngành điêu khắc chưa được quan tâm đúng mực từ phía các cấp lãnh đạo hay bản thân chuyên ngành chưa có đóng góp đáng kể cho sự phát triển bộ mặt cảnh quan đô thị", ông Nguyễn Hoài Huyền Vũ bộc bạch.
Vì vậy, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM Trần Thanh Nam đề nghị: "Vai trò của các Sở VH-TT và Sở Du lịch cần thể hiện rõ ràng hơn trong việc kết nối với các cơ quan chức năng như Sở QH-KT, Sở Xây dựng, Hội Kiến trúc sư, Hội Mỹ thuật… nhằm mang nghệ thuật điêu khắc phục vụ đại đa số quần chúng nhân dân và làm tăng mỹ quan đô thị. Bức tranh công cộng còn chưa đẹp do vẫn thiếu một "tổng công trình sư" về quản lý đô thị".
Kiến nghị với cấp trên, điêu khắc gia Lê Lang Biên thẳng thắn: "TP.HCM nên quan tâm và bồi dưỡng cho lực lượng họa sĩ, nhà điêu khắc trẻ, tạo điều kiện để lực lượng trẻ hoạt động tốt hơn trong lĩnh vực mỹ thuật, đồng thời nên cấp kinh phí đủ để tạo nên những giải thưởng xứng tầm trong các cuộc thi về mỹ thuật và triển lãm của TP".
Bình luận (0)