Nhưng đợt giãn cách xã hội kéo dài cả tháng trời rồi có thấy được ngày kết thúc hay chưa vẫn còn là một câu hỏi lớn. Điều gì sẽ là quyết định?
Chỉ thị 10 đặt toàn thành phố vào tình trạng phải chấp nhận “đóng băng” hầu hết các hoạt động kinh tế, giới hạn các sinh hoạt của người dân lại trong phạm vi tối thiểu. Đó đang là sự chịu đựng xót xa nhất của thành phố đầu tàu kinh tế có cả chục triệu dân, hàng trăm nghìn doanh nghiệp. Nhưng những yêu cầu của Chỉ thị 10 sẽ trở nên vô ích nếu trong cộng đồng dân cư, ở cơ quan xí nghiệp vẫn tồn tại mối nguy cơ “vỡ đê vì một lỗ rò”. Cơ quan, văn phòng hạn chế số người đi làm, nhưng điều đó còn có nghĩa lý gì nếu người đi làm đến văn phòng không tuân thủ 5K, túm tụm trà thuốc, tám chuyện bao đồng.
Xét nghiệm diện rộng thì thầm cầu mong kết quả âm tính, nhưng những trường hợp có kết quả âm tính cũng đừng chủ quan nghĩ rằng mình đã an toàn vì kết quả xét nghiệm cũng mang tính thời điểm chứ không phải là vô hạn. Bên cạnh đó, các xét nghiệm vẫn thường xảy ra khả năng “âm tính giả” mà giới y tế rất lo ngại. Người đã bị nhiễm vi rút nhưng kết quả xét nghiệm lại không phát hiện được vì nhiều lý do liên quan đến độ nhạy, độ đặc hiệu của xét nghiệm và điều kiện lấy mẫu. Sẽ chẳng bao giờ là thừa nếu như người có kết quả âm tính luôn tự nhắc nhở mình phải tiếp tục tuân thủ 5K.
Biến chủng Delta đẩy cuộc chiến chống Covid-19 trên toàn cầu vào những thách thức mới mà ngay cả các quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin cao cũng chưa dám trông cậy vào tấm khiên “miễn dịch cộng đồng”. Tình hình vẫn rất khó lường, giải pháp vắc xin dù đang là giải pháp khả quan nhất nhưng cũng chưa chắc đem lại hiệu quả triệt để. Huống hồ, Việt Nam đang có tỷ lệ tiêm vắc xin rất thấp, và cần một thời gian ít nhất cả năm nữa mới có thể đề cập đến khả năng đạt miễn dịch cộng đồng. Người may mắn được tiêm vắc xin sớm hơn cũng chưa thật sự được bảo vệ an toàn lây nhiễm trong bối cảnh mà cộng đồng hầu như chưa tiếp cận được vắc xin. Vậy nên tiêm vắc xin rồi thì vẫn không được chủ quan, không tuân thủ 5K.
Rốt lại, điểm cốt yếu trong mọi phương án chống dịch vẫn trở về yếu tố “ý thức tuân thủ 5K của người dân”. Chính sự cố gắng tuân thủ của từng người dân mới là yếu tố đưa tất cả các nỗ lực khác đến đích hiệu quả, giúp giải tỏa áp lực cho đội ngũ y tế, giúp giảm gánh nặng cho lực lượng chống dịch, giúp kết thúc chuỗi ngày xót xa chịu đựng tình cảnh “đóng băng” để chống dịch của cả chục triệu dân, của hàng trăm nghìn doanh nghiệp ở TP.HCM.
Chính ý thức tuân thủ 5K của mỗi cá nhân người dân là một trong những điều quyết định nhất đến thành công của cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Bình luận (0)