Đỉnh nắng nóng năm nay có thể cao lịch sử

Chí Nhân
Chí Nhân
16/03/2024 06:51 GMT+7

Sau 2 ngày giảm nhiệt, nắng nóng gay gắt đang quay trở lại, tiếp tục gia tăng cường độ và mở rộng từ miền Đông sang các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Vất vả mưu sinh dưới nắng nóng

Mấy ngày nay, nhiều người dân TP.HCM cảm thấy khá bất ngờ khi tình trạng nắng nóng gay gắt quay trở lại. Chị Nguyễn Ngọc Minh, ngụ Q.4, tâm sự: "Trưa nay tôi có việc ra đường một chút, khi về đến văn phòng công ty mà hoa cả mắt vì nắng chói chang, nóng chảy mỡ. Không biết nắng nóng gay gắt sẽ kéo dài đến bao giờ?".

Đỉnh nắng nóng năm nay có thể cao lịch sử- Ảnh 1.

Do thiếu cây xanh nên nhiệt độ cảm nhận thực tế ở các thành phố lớn cao hơn nhiều so với nhiệt độ khí tượng

Đào Ngọc Thạch

Nắng nóng kéo dài còn mang đến cho người dân thành phố nhiều nỗi lo khác. Anh Huỳnh Minh Hải, một tài xế xe ôm công nghệ, cho hay: "Từ sau tết đến nay, nắng nóng gần như suốt cả ngày nên từ khoảng 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều chúng tôi rất khó bắt được khách vì nhiều người hạn chế ra đường. Doanh thu cũng giảm 20 - 30% so với những lúc bình thường. Bên cạnh đó, nắng nóng khiến nhiều anh em bị cảm kéo dài, thường xuyên mệt mỏi dẫn đến làm việc kém hiệu quả hơn so với bình thường. Một số người lớn tuổi, sức khỏe yếu thậm chí bị choáng, ngất vì phơi mình dưới nắng nóng suốt cả ngày".

"Vào những ngày nắng nóng thế này, đi đường nào có nhiều cây xanh là chúng tôi mừng lắm. Nhưng mà đáng tiếc là ở thành phố mình có rất ít những con đường như vậy, phần lớn chỉ là bê tông với bê tông. May mà trên nhiều tuyến đường bà con hay để các thùng trà đá miễn phí. Anh em xe ôm tụi tôi và nhiều người lao động khác có thể vào uống thoải mái, cũng tiết kiệm được chút ít trong lúc khó khăn này", anh Hải chia sẻ thêm.

Người dân ở các đô thị lớn phải vật lộn với nắng nóng thì ở các vùng nông thôn bà con nông dân cũng "đau đầu" không kém. Nắng nóng gay gắt khiến cây trồng bị bệnh cháy bìa lá cũng như làm tốn nhiều phân thuốc hơn, nhưng năng suất dự báo vẫn giảm. Nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái phải chặt bỏ bớt cành, tỉa bỏ hoa và trái non để cứu cây khỏi chết khô vì nắng nóng và hạn mặn.

Làm việc ở đường băng Tân Sơn Nhất: Hàng chục năm tập quen với cái nóng 50 độ C

Nhiệt độ có thể chạm ngưỡng lịch sử 40°C?

Bản tin dự báo mới nhất của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết: Trong những ngày sắp tới trời quang mây, nắng nóng quay trở lại trên khu vực Nam bộ. Đặc biệt ở miền Đông Nam bộ, nắng nóng diện rộng và nhiều nơi có thể xảy ra tình trạng nắng nóng gay gắt 37 - 38°C. Nắng nóng có xu hướng mở rộng từ các tỉnh miền Đông sang các tỉnh miền Tây Nam bộ, đặc biệt là các tỉnh biên giới như Long An, Đồng Tháp, An Giang và thậm chí cả Vĩnh Long. Đỉnh điểm nắng nóng kéo dài từ 12 - 16 giờ hằng ngày. Kèm theo đó là độ ẩm trong không khí thấp làm cho nắng nóng càng gay gắt.

Đỉnh nắng nóng năm nay có thể cao lịch sử- Ảnh 2.

Nắng nóng gay gắt quay trở lại nhiều nơi ở Nam bộ

Dù chưa phải đỉnh điểm nhưng từ đầu mùa khô đến nay Nam bộ cũng đã ghi nhận 2 cột mốc lịch sử về nhiệt độ. Cụ thể, trước đây nhiệt độ lịch sử ở Nam bộ trong tháng 2 là 37°C thì vào ngày 15.2.2024 Nam bộ ghi nhận kỷ lục mới là 38°C cũng tại Biên Hòa (Đồng Nai). Mới đây, vào ngày 11.3, ghi nhận là ngày nóng nhất kể từ đầu mùa khô đến nay với mức nhiệt lên tới 38,5°C ở Đồng Phú (Bình Phước). Ngoài ra, một số nơi khác cũng quanh mốc 38°C như Sở Sao (Bình Dương) hay Biên Hòa (Đồng Nai).

"Nắng nóng năm nay đến sớm và gay gắt hơn mọi năm" là nhận định chung của nhiều chuyên gia khí tượng thủy văn. Không chỉ ở Nam bộ mà ngay cả khu vực miền Trung, dù mới đầu tháng 3 đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục vào ngày 6.3 tại Tương Dương (Nghệ An) tới 39,9°C. Đây là mức nhiệt thường chỉ xảy ra vào tháng 6 - 7 hằng năm.

Đỉnh điểm mùa khô ở Nam bộ, theo các chuyên gia, thông thường mọi năm sẽ tiếp tục gay gắt và kéo dài đến giữa tháng 4. Theo Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn, hiện tượng El Nino dù đang suy yếu nhưng tác động của nó vẫn còn kéo dài, đó là lý do vì sao mùa khô hiện nay nắng nóng gay gắt. Với xu hướng nóng như hiện nay, có khả năng kỷ lục nhiệt độ ở Nam bộ sẽ chạm ngưỡng lịch sử 40°C (nhiệt độ cao nhất ở TP.HCM từng ghi nhận là 39,6°C). "Thật sự thì El Nino chỉ là một phần nguyên nhân và nó làm trầm trọng hơn tình trạng khí quyển ngày càng ấm hơn vì biến đổi khí hậu", bà Lan nói.

Bà Lan cũng lưu ý thêm những con số nêu trên là nhiệt độ trong lều khí tượng, còn nhiệt độ thực tế mà con người cảm nhận thường cao hơn từ 2 - 4°C. Ở những nơi nhiều cây xanh và cảnh quan tự nhiên nói chung thì nhiệt độ cảm nhận cao hơn không đáng kể, còn với những nơi bê tông càng nhiều và các hoạt động kinh tế xã hội càng phát triển thì nhiệt độ cảm nhận càng tăng cao. Bên cạnh đó, hiện nay độ ẩm trong không khí thấp nên đang là giai đoạn "nóng khô" nên chúng ta cảm nhận là nắng nóng gay gắt. Khi bước sang khoảng tháng 4 trời xuất hiện nhiều mây và độ ẩm trong không khí tăng thì lúc đó sẽ chuyển sang trạng thái nóng ẩm và chúng ta có cảm giác oi bức càng khó chịu hơn. Đây là giai đoạn chuyển mùa, mọi người cần đặc biệt chú ý bảo vệ sức khỏe.

Nắng nóng bất thường khắp nơi

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thông báo: El Nino đã đạt đỉnh và đang suy yếu. Dù vậy, tác động của nó vẫn còn kéo dài trong 3 tháng tới với biểu hiện là nhiều nơi sẽ ghi nhận mức nhiệt độ cao hơn bình thường.

Tháng 2.2024 ghi nhận nắng nóng khắc nghiệt và bất thường ở nhiều nơi trên thế giới kể cả ban ngày lẫn đêm. Đặc biệt ở khu vực Nam Phi nhiệt độ cao hơn mức trung bình nhiều năm từ 4 - 5°C. Điều tương tự cũng được ghi nhận tại VN và các nước Đông Nam Á khác như: Lào, Indonesia, Myanmar, Philippines và Thái Lan. Mức nhiệt cao kỷ lục cũng ghi nhận được tại Trung Quốc và Nhật Bản trong giai đoạn từ 18 - 20.2.

Tuy nhiên, "chảo lửa" thật sự ở nam bán cầu phải kể đến nước Úc. Tại TP.Perth có đến 7 lần ghi nhận mức nhiệt đạt tới 40°C, cao nhất so với bất kỳ tháng nào trong năm. Đáng kể hơn, mức nhiệt kỷ lục tại thị trấn Carnarvon lên tới 49,9°C và trạm Emu Creek là 49,1°C.

Tại Nam Mỹ, nhiệt độ cao và hạn hán kéo dài ở một số khu vực đã dẫn đến nạn cháy rừng tồi tệ nhất lịch sử vào tháng 2 ở Brazil và Chile. Có hơn 20.000 người bị ảnh hưởng vì cháy rừng, hơn 6.000 ha đất bị thiêu rụi.

Chuyên gia khí tượng Alvaro Silva của WMO cho biết: Tính từ tháng 6.2023 - 1.2024, đã liên tục 7 tháng nhiệt độ toàn cầu hằng tháng đều lập kỷ lục mới so với trung bình những năm trước. Nhiệt độ bề mặt nước biển toàn cầu cũng cao kỷ lục. El Nino là một phần nguyên nhân làm tăng nhiệt độ ở một số nơi trên thế giới, còn nguyên nhân chủ yếu là do biến đổi khí hậu mà con người chính là tác nhân. Để làm chậm lại quá trình này, mỗi chúng ta phải thay đổi các thói quen không lành mạnh hiện nay và giảm tác động quá nhiều vào tự nhiên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.