Định vị điểm đến Việt Nam

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
18/01/2023 06:54 GMT+7

Tết là dịp sẻ chia và hội ngộ. Thanh Niên ghi nhận một số ý kiến của kiều bào tâm huyết vì sự phát triển hùng cường của đất nước Việt Nam.

TP.HCM chụp từ trên cao

Vươn mình “nở hoa” sau nghịch cảnh

Cuối năm 2022, thế giới khen ngợi VN là một hình mẫu hồi phục sau dịch Covid-19 và có nền kinh tế hoạt động tốt nhất ở châu Á, bởi những đột phá trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Đơn cử như có ít nhất 11 công ty Đài Loan (trong chuỗi cung ứng của Apple) đã “dời đô” sang VN và đang đàm phán để gia tăng sản lượng thiết bị máy tính bảng, điện thoại sản xuất tại VN; hay thương hiệu đồ chơi nổi tiếng Lego đã mở nhà máy tỉ USD tại Bình Dương… Tôi luôn cảm nhận VN đã vươn mình “nở hoa” sau nghịch cảnh.

Đến nay, VN vẫn trên đà nắm bắt những cơ hội phát triển. Tôi cho rằng chúng ta cần hướng đến việc xây dựng một chiến lược lâu dài về phát triển thương hiệu và định vị điểm đến, với slogan riêng, giá trị cốt lõi, tầm nhìn, sứ mệnh, hình ảnh cho thương hiệu đó. Điều này nhằm tăng cường độ nhận biết của du khách trong và ngoài nước, giữ chân được nhiều nhà đầu tư, tạo sức hút truyền thông từ cộng đồng quốc tế.

Chúng ta đã thấy New Zealand có Auckland được mệnh danh là “Thành phố của những cánh buồm”, Singapore định vị mình như là một “Thành phố trong vườn”… VN cũng cần hướng đến việc định danh, định vị như vậy. Và TP.HCM cũng có thể xác định mình có nét độc đáo, đặc trưng gì để tạo nên thương hiệu níu giữ, nhung nhớ.

Việc lập một tổ tư vấn để hợp tác với các đơn vị khác và theo dõi xuyên suốt chiến lược, hoạt động triển khai xây dựng thương hiệu là cần thiết.

Ngoài ra, chúng ta cần lưu tâm thêm nhiều vấn đề khác như chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân hậu Covid-19; tăng cường vai trò kết nối và lan tỏa của mỗi kiều bào tại nước sở tại...

Ông Võ Thành Đăng, kiều bào Singapore, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân VN ở nước ngoài; chuyên gia lĩnh vực xây dựng, quản lý thương hiệu và phát triển con người

Chuyển đổi số cần bàn tay của kiến trúc sư trưởng

Đây là lần đầu tiên tôi được ăn tết tại VN sau 40 năm xa quê. Được sống lại trong không khí ngày tết, tôi càng vui hơn khi thấy đất nước mình, đặc biệt là TP.HCM quay lại bình thường với mức tăng trưởng tốt sau cơn bạo bệnh vì Covid-19.

Trong sự phát triển của quê hương, với lĩnh vực chuyên môn của mình, tôi luôn quan tâm và muốn đóng góp cho việc chuyển đổi số. Từ năm 2017 khi còn là kiến trúc sư trưởng công nghệ thông tin của Tổng công ty Mobifone tại Hà Nội, tôi đề nghị rằng Chính phủ cần quản lý tập trung các ứng dụng và cơ sở dữ liệu, tránh tình trạng phân tán ở mỗi bộ, ngành. Việc này nhằm dễ quản lý thông tin dữ liệu, bớt tốn ngân sách nhà nước và bảo quản, bảo mật an toàn thông tin tốt hơn. Song song đó, cần xây dựng một trung tâm dự phòng để tránh những rủi ro về an toàn thông tin.

Mặt khác, chúng ta vẫn còn hàng ngàn dịch vụ công, trong đó nhiều nhất là ở lĩnh vực hành chính, đất đai và tôi cho rằng điều đó là không cần thiết, mất nhiều thời gian cho người dân. Chúng ta cần tiến tới dịch vụ công không cửa (làm trực tuyến), giảm số dịch vụ công ở mức tối thiểu. Muốn vậy, VN cần làm tốt công tác xác thực, định danh công dân; lập bản đồ số và tất nhiên là cần một kiến trúc sư trưởng để thiết kế kiến trúc tổng thể cho việc phát triển hệ thống công nghệ thông tin.

Tôi cũng muốn đề cập đến nền kinh tế số và nhấn mạnh tầm quan trọng của một chiến lược phát triển phần mềm. Ở đó, chúng ta cần giảm nhập khẩu sản phẩm phần mềm viễn thông, khơi thông những rào cản để doanh nghiệp trong nước phát triển.

Ông Lâm Việt Tùng, kiều bào Hà Lan, chuyên gia tư vấn công nghệ thông tin - viễn thông

Khơi thông vướng mắc về hành chính, quốc tịch

PHẠM THU NGÂN

Còn nhớ thời điểm cuối năm 1975, tôi là một trong số những Việt kiều đầu tiên được Chính phủ VN mời về thăm quê hương, cùng tìm giải pháp giúp đất nước khắc phục hậu quả chiến tranh. Đến nay, 48 năm trôi qua, cùng với sự đóng góp chung của cả nhân dân và hệ thống chính quyền, chúng ta có thể phấn khởi khi thấy được những thành tựu phát triển của đất nước.

Năm 2023 cũng là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao VN - Nhật Bản. Với bề dày của sự hợp tác, phát triển đó, tôi tin rằng dân tộc VN mình có những điều đặc biệt, nhiều giá trị chưa khai thác hết.

Riêng TP.HCM là trung tâm cả nước và nên hướng tới là trung tâm của cả Đông Nam Á. Nơi đây cũng có số lượng kiều bào có thân nhân, làm việc hoặc thường xuyên lưu trú đông nhất nước. Trong số họ, có rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học lớn. Để phát huy nguồn lực đó, tôi tin rằng TP.HCM cần có chính sách, cơ chế để tăng thêm nhân sự, tăng thêm nguồn ngân sách hoạt động cho Ủy ban Về người VN ở nước ngoài, để qua đó đơn vị này có thể thực hiện nhiều hơn các hoạt động hỗ trợ, kết nối kiều bào.

Ngoài ra, chính quyền nên có những buổi gặp mặt thường xuyên, hằng tháng với anh em kiều bào để cùng thảo luận về một chủ đề cụ thể như kinh tế, công nghệ… Tôi tin việc gặp mặt, lắng nghe, tiếp thu hiến kế sẽ giải quyết được nhiều khó khăn, vấn đề của đất nước và thế giới.

Đã có nhiều ý kiến của kiều bào về vấn đề 2 quốc tịch hay các vướng mắc về việc cấp hộ chiếu VN, đăng ký thường trú, hành lang pháp lý đầu tư. TP.HCM nên kiến nghị T.Ư giao thẩm quyền giải quyết một số vấn đề cụ thể liên quan đến kiều bào cũng như quan tâm nhiều hơn vấn đề quốc tịch, gỡ vướng về thủ tục hành chính cho kiều bào.

TS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Trân, chuyên gia phát triển kinh tế

Trái tim luôn hướng về quê hương, đất nước

Tôi và chồng mình là TS Võ Tá Hân đều tâm niệm rằng dù có xa xứ nhưng trái tim phải luôn hướng về VN, hướng về đồng bào. Đồng thời, trong sức lực của mình, có thể đóng góp được gì cho đất nước thì phải cố gắng làm cho bằng được. Tất cả kiến thức của nhân loại đều nằm trong sách, nên không có gì hiệu quả hơn là đưa tri thức về VN.

Chồng tôi là chuyên gia cao cấp về tư vấn tài chính ở Mỹ, hơn 30 năm qua đã bền bỉ quyên góp, trao tặng VN hơn 1 triệu cuốn sách, đặc biệt là sách khoa học - kỹ thuật, với tổng trị giá hàng triệu USD.

Thực ra ban đầu hành trình ấy khá gian nan, những cuốn sách đầu tiên được chuyển về TP.HCM để sắp xếp lại và phân phối. Sau đó có tổ chức một buổi tặng sách và một triển lãm ảnh vào tháng 7.1990. Khi ấy, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đang là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ KH-ĐT) đến thăm và viết thư khen tặng. Trong thư, ông bày tỏ mong muốn rằng chúng tôi sẽ tiếp tục là cầu nối tri thức với TP.HCM.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, các lô sách đã được chuyển về VN đều đặn và tặng được nhiều hơn cho các trường đại học. Qua đó, chúng tôi mong là trí thức trẻ có thể tiếp cận sự tiến bộ khoa học thế giới và cùng đóng góp lại cho quê hương. Riêng cá nhân tôi cũng luôn cố gắng hỗ trợ nữ doanh nhân VN bước ra thế giới, hoạt động thiện nguyện hỗ trợ người khó khăn hơn mình.

Lịch sử VN đã khẳng định vai trò của giới trí thức, các nhà khoa học trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tiếp nối truyền thống đó, chúng tôi tự hào đã góp phần công sức của mình cho VN. Đây như lời tri ân với quê hương, Tổ quốc. Riêng tại TP.HCM, tôi nhìn thấy được những thay đổi từng ngày của thành phố này. Dù là địa phương gánh chịu nhiều hậu quả nhất từ đại dịch, nhưng với nguồn nhân lực, trí lực, vật lực dồi dào được vun đắp, bồi dưỡng qua thời gian dài thông qua chính sách kinh tế, thu hút nhân tài và nhất là bởi tính cách hào sảng của người dân nơi đây, tôi tin chúng ta sẽ nhanh chóng vượt qua những khó khăn để tiếp tục phát triển.

Lê Thị Mỹ Châu, kiều bào Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vina First

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.