'Đò tình' man mác giai điệu bolero

Hoàng Kim
Hoàng Kim
01/10/2019 06:13 GMT+7

Vở kịch Đò tình (tác giả Bùi Quốc Bảo, đạo diễn Tiết Duy Hòa) chuyển thể từ truyện ngắn Bến đò Xóm Miễu của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã làm cả khán phòng sân khấu Thế Giới Trẻ (TP.HCM) rưng rưng.

Những mối tình ở vùng đất Nam bộ cứ man mác nỗi buồn vì lòng tự trọng, vì sự chung thủy quá nặng sâu... Và đặc biệt, trong vở có hàng chục bài nhạc bolero đã đặt đúng chỗ, tạo nên một bộ mặt mới lạ cho kịch nói hôm nay.
Kịch bolero đã được game show khai thác đầu tiên vào mấy năm trước, nhưng chỉ là những tiểu phẩm ngắn. Còn đây là nguyên một vở dài, đã tiên phong thử nghiệm, chen vào những ca khúc bolero thay cho lời thoại hoặc nỗi lòng nhân vật, hóa ra thật hay. Vì bản thân ca từ trong các bài nhạc này đã rất hay rồi, thế thì sử dụng nhạc luôn cho đắc địa. Quan trọng là tác giả không tham, chỉ chen ca khúc ở những chỗ cần thiết, vì thế vẫn không lấn át chất kịch.
Cả sân khấu tái hiện rất thật một bến sông với con đò, mái lá, cái lu nhỏ đựng nước, những cụm lục bình xơ xác, những bụi dừa nước lá xanh um... Nhà thiết kế Huỳnh Thông thật giỏi khi dùng sân khấu tả thực, thực đến cả múc nước từ sông lên là nước thật, và diễn viên xối cả lên người, cộng với sân khấu quay cho nên chỉ một bối cảnh đó thôi mà có thể cho con đò bơi như thật qua dòng sông, và quay sang phía bên kia lại biến thành một ngôi nhà nghèo khổ khác. Sân khấu không cần kéo màn, kịch bản không cần ngắt đoạn, cứ đẹp và hấp dẫn như thế trong gần 3 tiếng đồng hồ.
Bến đò ấy là nơi chứng kiến mối tình của anh lái đò tên Lương (Quang Tuấn) với người bạn thanh mai trúc mã là cô Bông (Diễm Phương). Nhưng Bông lại yêu một người khác, rồi người ta đi lấy vợ để cứu gia đình, đến lượt cô cũng phải đi bán bia ôm để trả nợ cho cha. Những người cha say xỉn, cờ bạc thường thấy ở những miền quê, đã đẩy con gái mình vào luân lạc truân chuyên. Nhưng khi thoát ra được kiếp phong trần thì cô Bông vẫn không dám chấp nhận mối tình của anh Lương…
Những gương mặt quen thuộc và nổi tiếng như Diễm Phương, Quang Tuấn, Hồng Trang, Vũ Trần, Minh Dự, Nghinh Lộc đã hoàn toàn chinh phục khán giả. Đặc biệt Quang Tuấn đã phải tập ca 4 - 5 bài lý và vọng cổ để vào vai một nhân vật miền Tây chính hiệu. Giọng ca tuy không điêu luyện như dân cải lương, nhưng vẫn ngọt ngào và rất có hồn, khán giả vỗ tay liên tục. Và xuất hiện một cô đào mới rất duyên dáng là Kỳ Thảo, trong vai cô giáo dạy văn luôn xuất khẩu thành thơ khiến khán phòng vỗ tay không ngớt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.