Chiều 21.8, tại Sở Y tế diễn ra buổi chia tay các y bác sĩ tình nguyện từ TP.HCM chi viện cho Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam, sau 20 ngày cùng tham gia chống dịch Covid-19.
Đoàn y bác sĩ tình nguyện từ TP.HCM gồm 8 thành viên từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM do bác sĩ Huỳnh Quang Đại - Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy làm đội trưởng. Họ lên đường chi viện cho Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam từ ngày 31.7 đến nay.
Bác sĩ Huỳnh Quang Đại cho biết, tham gia vào đội ngũ phòng chống Covid-19 tại Quảng Nam những ngày qua, ông đã trải qua rất nhiều cảm xúc. Giai đoạn đầu phải chuyển đổi từ bệnh viện đa khoa thành bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19 nên chịu khá nhiều áp lực bởi sắp xếp lại toàn bộ hệ thống, di dời những bệnh nhân (BN), lo rất nhiều quy trình…
|
“Hiện tại theo phân tích và báo cáo thì dịch coi như đã kiểm soát được, những ngày qua Quảng Nam cũng rất ít ca mới, trong khi đó số BN khỏi bệnh xuất viện càng nhiều lên, là tín hiệu đáng mừng. Trực tiếp điều trị và chứng kiến các BN lần lượt khỏi bệnh thì không có niềm vui nào bằng. Chúng tôi sẽ trở lại khi Quảng Nam cần”, bác sĩ Đại tâm sự.
Trong những ngày công tác tại Quảng Nam, bác sĩ Huỳnh Quang Đại hay tin ba mình phải nhập viện. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã kịp thời chia sẻ, động viên đến ông. Bác sĩ Đại cho biết, sức khỏe của ba ông đã ổn định và đã xuất viện.
Bác sĩ Đại nói, rất thương những bệnh nhân đã 100 tuổi, 90 tuổi…khi nhập viện chỉ một mình bởi con cái họ đã phải đi cách ly.
Đợt "thử lửa" đầu tiên
Là nữ điều dưỡng trẻ tuổi nhất trong đoàn công tác tham gia tình nguyện vào Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam để chăm sóc cho BN Covid-19, Nguyễn Thị Minh Thúy (24 tuổi, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy), cho biết, bản thân không cảm thấy lo lắng khi nhận nhiệm vụ chi viện cho Quảng Nam.
Theo chị Thúy, so với việc chăm sóc hồi sức cho BN thường thì với bệnh nhân dương tính Covid-19 buộc phải luôn luôn mặc đồ bảo hộ cũng như tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc an toàn trong phòng chống dịch bệnh nên việc chăm sóc BN khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ các đồng nghiệp.
|
“Đã khoác lên mình bộ đồ bảo hộ thì việc chăm sóc BN sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Đây là dịch mà, mình phải cố gắng hết sức thôi” - chị Thúy chia sẻ.
Bác sĩ Bùi Thị Hạnh Duyên, Trưởng khoa Hồi sức (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), cho biết ở TP.HCM, bản thân bác sĩ Duyên chưa từng điều trị BN Covid-19, đây là đợt "thử lửa" đầu tiên đối chị. Lúc mới đến, khó chịu nhất là thời tiết nóng, trong môi trường tránh lây nhiễm nên các phòng đều tắt máy lạnh, phải mặc đồ bảo hộ rất nóng, khó chịu.
“Đi làm xa, nhớ con cũng đành chịu, phải gác việc nhà một bên, ai cũng quyết tâm điều trị BN tốt nhất, chăm chút từng tí một. Chúng rất hạnh phúc khi được góp sức cùng đồng nghiệp ở Quảng Nam chống dịch”, bác sĩ Duyên bộc bạch.
Bình luận (0)