Doanh nghiệp châu Âu chỉ trích kế hoạch 'Made in China' của Trung Quốc

09/03/2017 14:28 GMT+7

Giới doanh nghiệp châu Âu vừa phê bình gay gắt kế hoạch tăng cường các ngành công nghiệp sản xuất công nghệ cao của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh đang theo đuổi chính sách bảo hộ.

Theo CNN, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu ở Bắc Kinh vừa công bố báo cáo dài hôm 7.3, chỉ trích chiến lược Sản xuất Trung Quốc 2025 của Đại lục. Liên minh châu Âu (EU) cho hay các doanh nghiệp ngoại hiện bị đối xử bất công, cảnh báo rằng các khoản trợ cấp của chính phủ Đại lục có thể tạo ra mức dư thừa công suất lớn trong một số ngành công nghiệp.
Kế hoạch mà truyền thông Trung Quốc gọi là “Made in China” được vạch ra năm 2015, nêu rõ kế hoạch mà Bắc Kinh muốn thực hiện để thúc đẩy tăng trưởng trong 10 ngành công nghiệp, trong đó có tự động hóa, ô tô điện và thế hệ công nghệ tiếp theo. Theo Phòng Thương mại EU, “bộ công cụ chính sách lớn” mà Bắc Kinh đang triển khai “rất có vấn đề”.
Châu Âu cho rằng việc đối xử bất công với các nhà sản xuất ô tô nước ngoài là một ví dụ. Để sản xuất và bán xe điện ở Đại lục, các doanh nghiệp châu Âu bị buộc phải chia sẻ công nghệ pin cho đối tác Trung Quốc. “Giới doanh nghiệp châu Âu đang đối mặt với áp lực lớn là phải chuyển giao công nghệ tiên tiến để đổi lấy quyền tiếp cận ngắn hạn vào thị trường”, báo cáo của Phòng Thương mại EU viết.
Báo cáo cũng ghi nhận rằng Trung Quốc đang trợ giá cho các nhà sản xuất ô tô điện, động thái có thể vi phạm cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của nước này. Bắc Kinh muốn các nhà sản xuất nước nhà nắm hơn 80% thị phần thị trường nội địa mảng này đến năm 2025.
Ngoài ra, Phòng Thương mại EU cho hay nhiều chính sách khác, bao gồm các khoản trợ cấp “đáng kinh ngạc” lên tới hàng trăm tỉ EUR đang làm tổn hại đến các doanh nghiệp châu Âu trong những lĩnh vực khác. Đơn cử, các mục tiêu lớn của chính phủ Đại lục trong mảng tự động hóa có thể khiến thị trường dư cung.
Các doanh nghiệp ngoại đang kinh doanh ở Trung Quốc thường xuyên than phiền, cho rằng Bắc Kinh cố ý ban hành chính sách được thiết kế để làm tê liệt doanh nghiệp quốc tế.
Báo cáo mới của EU trùng khớp với kết quả khảo sát mà Phòng Thương mại EU công bố vào tháng 6.2016. Theo đó, giới doanh nghiệp EU cho hay họ làm ăn khó khăn hơn doanh nghiệp Trung Quốc tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Tương tự, Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc cũng công bố kết quả khảo sát năm ngoái cho thấy 77% doanh nghiệp cho hay họ cảm thấy ít được chào đón ở Trung Quốc hơn so với trước đây.

tin liên quan

Công ty Trung Quốc tăng phá sản vì kinh tế giảm tốc
Số vụ phá sản ở Trung Quốc tăng mạnh trong năm qua cho thấy áp lực đặt lên nền kinh tế đang lên cao cùng tiến bộ của chính quyền Đại lục trong việc đối phó với các doanh nghiệp “xác sống”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.