Doanh nghiệp du lịch 'ngủ đông'

19/03/2020 07:34 GMT+7

Thị trường trọng điểm đóng băng, loạt thị trường tiềm năng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” do ảnh hưởng của dịch Covid -19, các công ty du lịch đang đối mặt với thời kỳ đóng băng “kinh khủng” nhất trong lịch sử.

Hướng dẫn viên bán hàng online, chạy Grab

Trưa muộn 17.3, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch VietCircle, hào hứng khoe những bức hình tôm cá tươi rói mới vớt từ dưới vuông lên, kèm theo câu trả lời dí dỏm “Đang bán tôm ở Mekong” khi chúng tôi đặt câu hỏi “Giám đốc doanh nghiệp lữ hành làm gì trong bối cảnh “ai ở đâu ở yên đó?”.
Trò chuyện đôi ba câu, ông Huê lại thở dài bảo giờ thì du lịch làm gì có việc mà làm, “ngủ đông” cả ngành. Theo ông Huê, từ lâu VietCircle đã dần chuyển hướng sang tập trung tư vấn đào tạo và khai thác một số tour inbound chủ lực, đưa khách thị trường châu Âu về Việt Nam. Do đó, thời gian qua, lượng nhân viên cũng được cắt giảm từ từ để phù hợp với chiến lược này. Cũng nhờ vậy, trong đợt khủng hoảng Covid-19, VietCircle không chịu tác động quá mạnh mẽ như các doanh nghiệp (DN) lữ hành lớn đang tập trung đẩy mạnh mạng lưới bán lẻ.
“Công việc công ty giờ chủ yếu là tư vấn chiến lược du lịch cho các tỉnh vùng ĐBSCL nên tôi dành khá nhiều thời gian ở dưới này đi khảo sát, đánh giá tài nguyên, xây dựng sản phẩm cho địa phương. Hầu hết nhân viên của công ty làm việc tại nhà, chỉ có bộ phận hành chính và kế toán còn tới văn phòng để làm nốt sổ sách. Ai cũng phải chịu giảm lương. Cũng giống như các công ty khác, VietCircle đang phải trích các quỹ dự phòng tích lũy thời gian qua để trang trải các chi phí thiết yếu như tiền thuê mặt bằng, trả lương nhân viên, cố gắng cầm cự qua giai đoạn khó khăn này”, ông Huê chia sẻ.
Cũng theo lời “mách” của ông, chúng tôi dạo một vòng qua các hội, nhóm hướng dẫn viên du lịch trên mạng xã hội và ghi nhận rất nhiều tâm sự của các hướng dẫn viên, nhân viên bán tour mùa dịch bệnh. “Lúc mất thị trường Trung Quốc, em vẫn còn hy vọng vốn tiếng Nhật của mình còn cơ may cứu vớt, sau đó cũng “toang” luôn rồi anh chị em ạ. Công ty cho hướng dẫn viên nghỉ gần hết. Giờ em tạm lánh về quê ăn bám bố mẹ thôi. Nhà có vườn bơ, xoài đang vào mùa. Ai mua đăng ký ủng hộ em sống sót qua mùa dịch này với ạ”, tài khoản tên T.N.H đăng bài bán hàng kèm theo hình ảnh nhiều thùng bơ xanh tươi, xoài vàng rụm trong một nhóm kín hướng dẫn viên.
Phía bên dưới, hàng trăm bình luận đồng cảm, ai cũng kêu than thất nghiệp, mong cho dịch bệnh chóng qua để nhanh được dẫn tour trở lại. Có tài khoản còn chụp hình 2 bịch trà sữa và bình luận hài hước: “Chỉ vì Covid-19 mà mình từ vi vu máy bay như đi chợ chuyển qua chạy Grab, làm shipper kiếm ăn qua ngày như thế này đây”.
Mới đây Lữ hành TransViet cũng “gây bão” khi công bố bức tâm thư gửi toàn thể nhân viên khích lệ tinh thần cũng như chia sẻ kế hoạch “ngủ đông” của Tổng giám đốc Hoàng Đức Huy. Trong bức tâm thư có đoạn: “Tuần tới, có những bạn sẽ tạm chia tay cuộc sống văn phòng để được điều động lên các farm - các nhà máy của Viet Healthy, tạm thời làm những công việc của người nông dân thực thụ. Có những bạn sẽ được phân công thường trực tại các văn phòng để luân phiên giữ vững nhịp đập hoạt động của công ty - đón bắt tất cả cơ hội phục hồi có thể quay lại bất cứ lúc nào. Có những bạn sẽ được phân công tạm thời ở những công việc mới tại các công ty thành viên khác, và cũng có một số bạn phải tạm về quê chờ kết thúc dịch. Nhưng dù ở đâu, dù làm công việc gì, chúng ta sẽ luôn nghĩ về nhau và cố gắng vì nhau, vì TransViet, mái nhà chung của chúng ta”.

Lên kế hoạch bứt phá sau dịch

Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, cho hay DN này đã phải cho nghỉ ở nhà “ôn văn luyện võ” hơn 1.000 nhân viên (bao gồm nhân viên bán hàng, hướng dẫn viên cơ hữu…) hưởng lương cơ bản, không có lương năng suất vì không có việc để làm. Số còn lại gồm ban lãnh đạo, ban tiếp thị, bộ phận hành chính kế toán, ban công nghệ thông tin và bộ phận bán hàng online vẫn đang làm việc hết tốc lực, nhân cơ hội này tái cơ cấu hoạt động của công ty.
Thừa nhận giai đoạn khó khăn này, các DN du lịch không thể làm gì khác ngoài việc yên lặng khoanh tay, chân lại để ngủ đông, lấy chính mỡ mình nuôi mình như một chú gấu. Tuy nhiên, theo ông Kỳ, không phải không có khách là DN không có việc làm và chấp nhận buông xuôi, tranh thủ thời gian đi chơi, nghỉ ngơi.
“Có rất nhiều dự định mà thường ngày guồng quay công việc cuốn đi liên tục, khiến chúng tôi chưa thể triển khai. Đồng thời còn rất nhiều vấn đề nội bộ chưa có cơ hội giải quyết. Vietravel đang dồn sức cho rất nhiều kế hoạch để bung ra ngay sau khi thị trường ổn định trở lại. Trước mắt, tất cả đang dồn sức thiết lập bộ máy công ty hoàn toàn mới, mục tiêu sau 2 tháng nữa sẽ chuyển toàn bộ mọi hoạt động sang số hóa”, ông Kỳ nói.
Cũng úp mở một kế hoạch và sản phẩm hoàn toàn mới sắp ra mắt ngay trong mùa dịch Covid-19, ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty du lịch Việt, cho hay tình hình khó khăn, cán bộ công ty đang tập trung chuyển hướng sang nhiều lĩnh vực khác nhưng vẫn luôn sẵn sàng để vực dậy mảng du lịch ngay khi có cơ hội. “Việc nhân viên bán hàng và hướng dẫn viên phải nghỉ việc là không thể tránh khỏi, nhưng chắc chắn chúng tôi không chịu ngồi yên chờ chết. Chúng tôi vẫn có nhiều hướng đầu tư, vẫn làm việc tốt và xây dựng nền tảng để vực dậy thị trường sau dịch”, ông Long nói.
Sau thời gian nghỉ đông, gấu sẽ trở dậy hoạt động và đi săn. Sau khủng hoảng, mọi thứ xóa bàn làm lại, tất cả các DN đều trở về cùng vạch xuất phát. Lúc đó, ai chạy nhanh người đấy thắng. Mà muốn chạy nhanh, phải có sự chuẩn bị thật sự kỹ lưỡng. Chúng tôi đang làm như vậy.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.