Khó “gồng” nổi nữa
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, nói áp lực từ việc giá xăng tăng liên tục đã khiến các doanh nghiệp (DN) taxi TP khó có thể “gồng mình tiếp tục chống đỡ” nữa. Giá nhiên liệu chiếm khoảng 25 - 30% chi phí của DN, hiện giá xăng tăng cao, chiếm đến 30 - 40% tổng chi phí, trong khi giá cước taxi chưa được điều chỉnh. “Các công ty trong ngành vận tải đang cầm cự, đứng trước nguy cơ buộc phải tăng giá cước nếu Chính phủ không sớm có chính sách điều chỉnh các loại thuế, phí để kìm hãm giá nhiên liệu trong tuần này”, ông Hỷ khẳng định. Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty quốc tế Delta, cho biết đợt tăng giá vừa rồi khiến giá nhiên liệu đầu vào của ngành vận tải tiếp tục tăng mạnh, khoảng 13,8% so cuối năm 2021. Thế nên, nếu giá nhiên liệu không được tính toán để giảm kỳ tới, chắc giá cước vận tải tăng khoảng 5 - 8%, tùy loại xe.
Hiện chưa chứng kiến sự tăng giá ồ ạt là do các đơn vị còn nguồn dự trữ hoặc đang tận dụng mọi nguồn lực để cố kìm hãm. Chỉ thời gian ngắn nữa thôi, DN không thể ghìm nổi thì hàng hóa ắt sẽ phải chấp nhận lên mức giá trị thật.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Group
Vận tải đường bộ khó, đường biển, đường sông cũng khốn đốn không kém. Vận hành rất nhiều tuyến tàu cao tốc đường thủy nội địa, ven biển và các tuyến bờ ra đảo, ông Trần Song Hải, Tổng giám đốc Greenlines DP, than thở đà tăng của giá xăng dầu đang kéo doanh thu của các DN tàu biển giảm thê thảm. Thông thường, giá dầu chiếm khoảng 40% trên giá vé, đây là mức an toàn. Tuy nhiên, với tuyến tàu đường thủy, hiện nay con số này đã lên tới 50%, mức nguy hiểm. “Trong khi đó, ngành du lịch vừa chớm trở mình sau 2 năm ngủ đông, lượng hành khách tuy đã tăng trở lại nhưng vẫn còn sụt giảm rất lớn so với giai đoạn trước dịch. Khách chủ yếu đi tập trung vào những ngày lễ, tết, cuối tuần. Trước đây khách đạt khoảng 30 - 40% vào dịp cuối tuần, nay giảm chỉ còn từ 15 - 20%”, ông Hải nói.
Petrolimex đang chiếm gần 50% thị phần xăng dầu trong nước |
Chí Nhân |
Khách ít, chi phí cao, tàu càng chạy càng lỗ. Song ông Trần Song Hải thừa nhận DN tiến thoái lưỡng nan, không thể tăng giá vé vì tất cả chi phí xã hội hiện đều tăng, chỉ có thu nhập của người dân là giảm. Nếu tăng giá vé thì sẽ càng kéo giảm nhu cầu đi lại, du lịch của người dân. Thế nên, không chỉ không tăng giá, Greenlines DP thậm chí đang phải xây dựng các chương trình khuyến mãi, giảm giá vé những khung giờ thuận lợi để kích cầu, chấp nhận lấy số lượng bù cho doanh số. “Tính toán trên bình diện chung là vậy nhưng bản thân sức khỏe các DN cũng đã yếu lắm rồi, khó có thể gồng mình chịu lỗ được lâu. Nếu Chính phủ không thể nhanh chóng đưa ra các biện pháp kiểm soát giá xăng dầu thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới quá trình phục hồi kinh tế, gây hệ lụy không nhỏ cho đời sống người dân”, ông Hải lo ngại.
Ngành hàng không cũng không đứng ngoài những hệ lụy tiêu cực từ đà tăng của giá nhiên liệu. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Group (chủ sở hữu Hãng bay Vietravel Airlines), thông tin hàng không mấy ngày nay “xính vính” vì giá xăng dầu tăng dựng đứng. Du lịch đã mở cửa trở lại, không bay không được, nhưng hễ máy bay cất cánh là xác định lỗ. Các đường bay cơ bản chỉ tính chi phí giá dầu ở mức 73 USD/thùng, trong khi thực tế đã lên tới 100 USD/thùng. “Giá dầu nhích lên 1 USD thì trung bình trong 1 ngày, 1 hãng hàng không có thể “bốc hơi” 6 tỉ đồng”, ông Kỳ dẫn chứng và cảnh báo: “Giá dầu lên, toàn bộ vận chuyển tăng theo, chi phí ăn uống, xã hội… tất cả mọi thứ đều đắt lên sẽ hạn chế rất lớn nhu cầu đi lại, di chuyển, ăn chơi của người dân. Giá thành các dịch vụ hệ sinh thái ngành du lịch đã bắt đầu nhấp nhổm theo. Hiện chưa chứng kiến sự tăng giá ồ ạt là do các đơn vị còn nguồn dự trữ hoặc đang tận dụng mọi nguồn lực để cố kìm hãm. Chỉ thời gian ngắn nữa thôi, DN không thể ghìm nổi thì hàng hóa ắt sẽ phải chấp nhận lên mức giá trị thật”, ông Kỳ dự báo.
Kiểm soát giá hàng hóa
Một DN đầu mối xăng dầu phía nam tính toán giá xăng kỳ tới tiếp tục tăng từ 800 đồng/lít thì DN mới có lãi. Nếu so với giữa tháng 12.2021, tức cách đây chưa tới 3 tháng, xăng các loại đã cao hơn 3.500 đồng/lít. Giải pháp giảm thuế, phí để giảm giá xăng dầu khó có thể áp dụng ngay lập tức vì nhiều lý do.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) phân tích: Trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ và Quốc hội đã tính đến gói giảm thuế và đã chốt giảm thuế giá trị gia tăng 2% ở một số mặt hàng, trong đó không có xăng dầu vì mặt hàng này nhà nước không khuyến khích tiêu dùng, ảnh hưởng tới môi trường. Thế nên, công cụ giảm thuế môi trường đang được trông đợi, nhưng khoản thuế này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết. Nay muốn đề xuất giảm, phải đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp để lấy ý kiến lại, mất hàng tháng trời mới xong, không phải câu chuyện của 10 ngày sau mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu trong nước. Trong ngắn hạn vẫn trông chờ vào công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu tiếp tục chi để bình ổn. Song hiện tại 14/35 DN đầu mối đang âm quỹ này. Như vậy, cân đối điều chỉnh giá xăng dầu tại kỳ tới là “bài toán hóc búa” cho ngành tài chính và công thương.
“Với DN ngành vận tải, trong bối cảnh cần thắt lưng buộc bụng này, nên liên kết với nhau để gom khách, gom hàng vận chuyển đầy xe tuyến đường dài tránh lãng phí nhiên liệu”, ông Thịnh nêu quan điểm và cho rằng tình trạng bất ổn giá dầu thế giới vẫn diễn ra trong thời điểm nhất định, đà tăng của giá sẽ chững lại khi các nước lớn can thiệp và bổ sung nguồn cung vào thị trường.
Để bảo đảm nguồn cung trong nước, Bộ trưởng Bộ Công thương mới đây đã ký quyết định giao cho 10 công ty đầu mối nhập khẩu thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu các loại trong quý 2/2022. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới đang tăng vọt do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine. Trong chỉ đạo, Bộ Công thương cũng yêu cầu các DN chứng minh được có hoạt động xuất nhập khẩu bằng hóa đơn, chứng từ và phải có báo cáo về Bộ trước ngày 20 hằng tháng. “Tôi cho rằng chúng ta không nên quá kỳ vọng giá xăng dầu giảm trong bối cảnh giá thế giới tăng. Hiện tại, quan trọng nhất là kiểm soát việc tăng giá hàng hóa để không bị ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân. Theo Hiệp hội Xăng dầu thế giới, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu thế giới tăng khoảng 25%, trong nước đang tăng bằng nửa mức tăng của thế giới, khoảng 12,7%. Về lâu dài, chính sách khuyến khích đối với DN ít sử dụng xăng dầu là cần thiết. Không phải tự nhiên mà thế giới ủng hộ xe hơi, xe buýt chạy bằng điện, bởi nó giúp giảm thải ra môi trường rất lớn”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, nếu thị trường có sự cạnh tranh thực sự thì nhà nước không cần can thiệp mà để thị trường quyết định. Tuy nhiên, thị trường xăng dầu trong nước đang có một DN được xác định thống lĩnh thị trường vì thị phần họ đang nắm giữ. Thị trường bán lẻ xăng dầu hiện nay có 38 DN cùng tham gia cung cấp nhưng riêng Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex) chiếm 47% thị phần. Chỉ riêng 3 DN là Petrolimex, Tổng công ty dầu VN (PV Oil), Công ty TNHH một thành viên dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) chiếm gần 70% thị phần. Theo luật Cạnh tranh, DN chiếm thị phần từ 30% trở lên hoặc 3 DN chiếm tổng thị phần từ 65% trở lên được coi là thống lĩnh hoặc độc quyền và nhà nước cần định giá trần để điều tiết thị trường.
Bình luận (0)