Doanh nghiệp lại lo áp lực từ giá xăng dầu

Nguyên Nga
Nguyên Nga
03/01/2023 06:01 GMT+7

Thuế Bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu đã tăng trở lại ngay từ 0 giờ ngày đầu năm mới 2023 khiến không ít doanh nghiệp sản xuất, vận tải lo lắng chi phí kinh doanh trước Tết Nguyên đán tăng mạnh.

Thuế Bảo vệ môi trường trở lại “hơi sớm”

Theo Nghị quyết 30/2022 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua cuối năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 1.1.2023, thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) đối với các mặt hàng xăng dầu đã tăng trở lại, từ 1.000 lên 2.000 đồng/lít đối với xăng RON95, dầu diesel từ 500 lên 1.000 đồng, dầu mazut từ 300 lên 1.000 đồng/lít/kg và dầu hỏa từ 300 lên 600 đồng/lít. Đáng lưu ý, chiều nay (3.1), theo dự báo, giá xăng dầu trong nước có thể được điều chỉnh tăng tiếp theo đà tăng giá thế giới, tạo nên cú bồi kép cho nền kinh tế ngay những ngày đầu năm.

Giá xăng dầu tăng tạo áp lực cho doanh nghiệp ngay ngày đầu năm

Đào Ngọc Thạch

Quyết định tăng thuế BVMT ngay trước Tết Nguyên đán 3 tuần thực sự khiến không ít doanh nghiệp (DN) khó khăn. Chủ nhà xe Hưng Phát (TP.HCM), chuyên vận tải hành khách, hàng hóa tuyến TP.HCM đi các tỉnh Tây nguyên, bày tỏ lo lắng: “Còn không mấy ngày nữa đã là tết, giá xăng dầu “bồi” cho thuế BVMT thế này quả thật là ngoài sự tính toán của chúng tôi. Bảng giá cước vận tải và cước chở hành khách đã được công ty lên từ tháng trước, những tính toán cộng trừ theo giá xăng dầu tăng giảm trong quý 1/2023 chắc chắn không tính đến khoản thuế BMVT này. Trong kế hoạch của DN, chúng tôi hiểu rằng 2 quý đầu năm sẽ tiếp tục khó khăn, các dự báo về giá xăng dầu cũng cho thấy có chiều hướng tăng, nên chủ yếu là kìm giá thế nào để không bị mất khách. Ngành vận tải nay cạnh tranh rất nhiều vì nhu cầu khách đi lại trước tết không còn cao như mọi năm. Nhưng việc tăng mạnh giá xăng dầu do phải cộng thêm thuế BVMT ngay ngày đầu năm 2023 và cũng ngay lúc cao điểm Tết Nguyên đán đã khiến DN khá bất ngờ…”.

Cho rằng DN vận tải đường bộ chưa kịp phục hồi sau dịch Covid-19 lại tiếp tục hứng chịu giá xăng tăng, ông Nguyễn Châu Giang, chủ DN vận tải tại Nha Trang (Khánh Hòa), cho biết thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng dầu được đưa trở lại mức như trước tháng 7.2022 là hơi sớm so với tình hình “sức khỏe” của nền kinh tế hiện nay, đặc biệt là sức khỏe của DN vận tải chưa được phục hồi.

Chỉ đạo khẩn về nguồn cung xăng dầu

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa có công điện khẩn gửi Tập đoàn dầu khí VN (PVN) và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Theo đó, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) dừng tạm thời phân xưởng để khắc phục sự cố kỹ thuật, khiến sản lượng xăng dầu trong 10 ngày đầu tháng 1.2023 của nhà máy có thể bị giảm khoảng

20 - 25% so kế hoạch. Từ đó, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu PVN chỉ đạo 2 thương nhân đầu mối sản xuất là Công ty CP hóa dầu Bình Sơn và Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn tăng công suất ở mức tối đa, sử dụng nguồn hàng dự trữ và nguồn hàng khác (nếu có) để bù đắp lượng thiếu hụt cho các khách hàng.

PVN chỉ đạo Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn khẩn trương khắc phục sự cố của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, ổn định hoạt động sản xuất để cung ứng xăng dầu cho khách hàng, thị trường. Ngoài ra, Bộ yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động tìm kiếm nguồn cung, tăng cường nhập khẩu để bù đắp lượng xăng dầu thiếu hụt từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường giai đoạn trước, trong và sau Tết Âm lịch 2023 và đến hết quý 1/2023. Các DN đầu mối thực hiện đúng tiến độ, tổng nguồn xăng dầu đã được Bộ Công thương phân giao năm 2023. Đặc biệt, Bộ yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện, không để xảy ra tình trạng gián đoạn, thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục gánh chịu áp lực. Thực tế, các lần điều chỉnh cước vận tải chưa bao giờ theo kịp giá xăng dầu tăng. Bên cạnh đó, có nhiều tuyến đường khai thác không hiệu quả, khách đi giảm, du lịch chưa quay trở lại như trước dịch… nên nhiều thời điểm càng chạy càng lỗ vì quá nhiều chi phí phát sinh như chi phí bãi đậu xe hằng tháng, chi phí bán bớt xe lớn, cắt giảm chuyển sang kinh doanh vận tải bằng xe nhỏ để tiết kiệm nhiên liệu... Trong những ngày cận Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng, chi phí các DN vận tải cũng tăng mạnh, nhưng làm sao tăng giá cước vào thời điểm này?”, ông Giang than.

Trong lĩnh vực sản xuất gạch men xây dựng, bà Lê Thùy My, Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ vận tải Nhân Quốc (Biên Hòa, Đồng Nai), thông tin công ty cũng chuyên sản xuất và kinh doanh hàng vật liệu xây dựng. Hiện chi phí đầu vào sản xuất gạch đã tăng hơn 40%, trong đó chi phí xăng dầu chiếm khoảng 35% giá thành, tăng gấp đôi so với năm đầu bùng phát dịch bệnh Covid-19, than đốt lò nung cũng chiếm tới 40% lại rất khó mua nguyên liệu khiến DN khó chồng khó.

“Áp lực giá xăng dầu, giá than “ăn” vào giá vốn rất lớn, sản lượng sản xuất gạch men của công ty giảm khoảng 20%, nhưng hàng bán ra trong năm qua giảm gần 50% khiến nguồn vốn của DN bị “chết” trong hàng tồn kho rất lớn. Trong khi đó, tiền hàng nợ cuối năm hầu hết không trả đúng hẹn do các chủ công trình cũng gặp khó khăn. Chúng tôi vẫn sản xuất cầm chừng”, bà My nói.

Giảm lãi suất mới là giải pháp căn cơ ?

Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN vừa và nhỏ (thuộc HUBA), cũng cho rằng việc tăng thuế BVMT lúc này là hơi sớm so với thực tế của nền kinh tế.

Ý KIẾN

Giá như giãn thêm 1 - 2 quý

Trong thực tế, DN sản xuất sử dụng nhiều nhiên liệu vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tăng thuế BVMT đánh vào giá xăng dầu lúc này là hơi sớm. Giá như Chính phủ có thể giãn thêm 1 - 2 quý nữa sẽ bớt áp lực hơn cho chúng tôi cũng như cộng đồng DN nói chung.

Bà Lê Thùy My

Giải pháp nên mang tính bền vững hơn

Kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 dự báo khó khăn thì Chính phủ sẽ tìm giải pháp khác mang tính căn cơ và dài hơn chứ không phải tiếp tục giảm thuế. Giải pháp nên duy trì và mang tính bền vững hơn là giảm lãi suất cho vay đối với DN tiềm năng, chính sách hỗ trợ để DN tìm thị trường mới, tái cơ cấu DN, khai thác đầu tư công quyết liệt hơn…

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng

Ông nói: “Các dự báo đều cho rằng, điểm rơi khó khăn của DN đến cuối quý 2/2023 chứ không phải quý 1. Năm qua, các chính sách hỗ trợ thuế đối với nền kinh tế đã phát huy hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, quý cuối năm 2022, tình hình kinh tế thế giới biến động, đơn hàng bị cắt giảm nhiều, suy thoái kinh tế cũng được đặt ra. Thế nên, đây là thời điểm DN lâm vào cảnh khó khăn hơn. Nhiều DN gia công xuất khẩu bị mất đơn hàng cho biết, 3 tháng đầu năm chật vật để sản xuất là điều đáng lo ngại. Do đó, việc tăng thuế BVMT đối với xăng dầu tại thời điểm này có vẻ hơi sớm, cho dù mức tăng không cao”.

Đồng quan điểm, chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh (Đại học Kinh tế TP.HCM) bổ sung, ngân sách quốc gia cần những nguồn thu để phát triển. Việc áp dụng tăng thuế BVMT ngay trước Tết Nguyên đán dễ gây tác động đến xã hội không cần thiết. “Có vẻ các nhà làm chính sách hơi sốt ruột khi tăng thu lúc này. Bởi trong dịp trước tết cần kích cầu cứ không phải tăng giá bán”, ông Chinh nhận định.

Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Trường đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), nêu ý kiến: Đây là cam kết từ đầu của Quốc hội. Rằng Nghị quyết 20/2022 quy định việc giảm thuế BVMT chỉ đến ngày 31.12.2022 là hết. Tức là muốn giảm tiếp, Quốc hội phải có những giải trình lại từ đầu. Trong bối cảnh hiện nay, tuy nền kinh tế còn khó khăn, nhưng Quốc hội cũng rất khó thuyết phục khi từ tháng 7.2022 đến nay, giá xăng dầu đã giảm mạnh, đặc biệt, lạm phát cũng chỉ 3,5%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra từ đầu. Nên việc cho duy trì hay giữ mức giảm thuế BVMT ngang với thời điểm giá xăng dầu tăng mạnh như tháng 6.2022 (có lúc lên 30.000 đồng/lít) là điều rất khó. Bên cạnh đó, công cụ thuế là giúp nền kinh tế tăng nguồn thu để phục vụ cho phát triển. Sau 3 năm đại dịch, thu ngân sách cũng cần có để tái thiết, tiếp tục phục hồi kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.