Doanh nghiệp nhỏ ‘yếu thế’ trong sản phẩm số so với các ông lớn thế giới

Mai Hà
Mai Hà
05/04/2021 16:42 GMT+7

Lãnh đạo VNPT cho rằng, các sản phẩm chuyển đổi số cho doanh nghiệp, người dân của doanh nghiệp Việt đang yếu thế hơn so với các nền tảng thống trị trên thế giới . Vì thế, các doanh nghiệp phải hợp lại cùng nhau để phát triển.

Chia sẻ tại hội nghị kết nối hợp tác trong chuyển đổi số giữa VNPT và Hội Tin học TP.HCM (HCA) sáng nay, 5.4, ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch HCA, dẫn ra câu chuyện nền tảng Grab đang thống trị nhiều lĩnh vực tại Việt Nam.
“Chỉ lấy đơn giản tiền phí thu từ tài xế, cứ hơn 500 cuốc xe Grab đã thu lợi nhuận 1 triệu đồng. Với Grabbike, chúng ta đã mất doanh thu từ thị trường vận chuyển cấp thấp. Grab đang là một thế lực, lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác ngoài tài xế. Nếu Grab tham gia vào cả lĩnh vực tài chính findtech sẽ là một nguy cơ”, ông Tuấn nói.
Cũng theo lãnh đạo HCA, có rất nhiều nền tảng (platform) nước ngoài đang hiện diện tại Việt Nam. “Một doanh nghiệp bất động sản đã thuê một doanh nghiệp Việt Nam phát triển sàn bất động sản, nhưng khi đưa lên app thì không được vì không đáp ứng được các tiêu chí bảo mật theo quy định. Doanh nghiệp viết phần mềm cũng đưa kỹ sư để xử lý, nhưng 3 tháng không hoàn thiện được. Tới khi chuyển sang thuê một nhà phát triển nước ngoài, chỉ vài ngày đã có một sản phẩm chạy rất mượt mà”, ông Tuấn dẫn chứng.
Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp trong nước sử dụng các platform nước ngoài, không chỉ lấy đi doanh thu của các nhà sản xuất trong nước, mà còn mất nguồn tài nguyên dữ liệu. Theo ông Tuấn, để khắc phục câu chuyện này, vấn đề của các doanh nghiệp Việt là phải phát triển giải pháp hệ sinh thái số Việt Nam, bắt tay giữa các doanh nghiệp lớn như VNPT, Viettel… và các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chia sẻ quan điểm này, theo ông Huỳnh Quang Liêm, quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), các doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam đang có thế mạnh góp phần cho sự chuyển đổi cho Chính phủ. Nhưng nếu nói đến chuyển đổi số cho doanh nghiệp, để người dân hưởng thụ những sản phẩm chuyển đổi số, thì doanh nghiệp Việt lại đang yếu thế hơn so với các nền tảng thống trị trên thế giới.
Lãnh đạo VNPT cũng bày tỏ mong muốn VNPT sẽ cung cấp những sản phẩm quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa SMEs đến cho các doanh nghiệp. Có 6 triệu hộ dân đang sử dụng sản phẩm của VNP, hơn 20 triệu khách hàng dùng thuê bao VNPT, hơn 3 triệu khách hàng xem tivi trên nền tảng media...
“Ngạn ngữ nói rằng muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Tôi nghĩ rằng muốn đi nhanh trong chuyển đổi số thì chúng ta cũng cần phải đi cùng nhau, tận dụng các thế mạnh, hợp tác với nhau để rút ngắn thời gian trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra với tốc độ rất cao. Doanh nghiệp Việt phải đóng góp cho xu hướng chuyển đổi số của Việt Nam”, ông Liêm nói.
Tại hội nghị, ông Ngô Diên Hy, Tổng giám đốc VNPT-IT, Tập đoàn VNPT, cũng trình bày khung kiến trúc công nghệ nền tảng, quy hoạch bộ giải pháp ứng dụng cho các chuyên ngành và cơ chế hợp tác đa dạng phù hợp với các tối tác là các đơn vị khởi nghiệp, các nhà cung cấp sản phẩm/dịch vụ, các nhà kinh doanh tích hợp và các nhà phát triển ứng dụng.
Sáng nay, 5.4, Hội Tin học TP.HCM và Tập đoàn VNPT đã ký kết Thoả thuận hợp tác về hợp tác đào tạo, tư vấn về chuyển đổi số; đồng tổ chức các sự kiện thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp và cùng cam kết thúc đẩy hợp tác giữa VNPT và các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố trong cung cấp sản phẩm/giải pháp chuyển đổi số doanh nghiệp, đặc biệt là bộ giải pháp dành cho khối khách hàng SME.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.