Theo Báo cáo của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, từ 195 công ty niêm yết năm 2006 đến nay đã tăng lên 1.607 công ty trên cả 3 sàn. Tính đến giữa tháng 12.2019, dù chỉ số VN-Index giảm so với 2018 nhưng quy mô vốn hóa thị trường vẫn tăng đều, tương đương 74,2% GDP (dựa trên số GDP dự báo 6,8% năm 2019 của World Bank).
Với tốc độ tăng trưởng trung bình vốn hóa khoảng 24,3%/năm, cao hơn so với GDP thì dự kiến tới năm 2022, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đạt 100% GDP một cách bền vững.
Giá trị giao dịch trên thị trường cũng tăng rất mạnh. Từ những giai đoạn đầu giá trị giao dịch trung bình hàng ngày từ vài trăm triệu đồng thì nay đã tăng lên con số hàng ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên trong năm 2019, giá trị giao dịch trung bình đã sụt giảm, đạt khoảng 3.950 tỉ đồng, giảm rất nhiều so với mức 5.260 tỉ đồng của năm 2018. Thậm chí thấp hơn giá trị giao dịch trung bình của năm 2017.
Tốc độ tăng trưởng vốn trên thị trường chứng khoán tăng đều trong các năm qua và đây sẽ là kênh huy động vốn trung dài hạn ngày càng quan trọng đối với các doanh nghiệp. Cụ thể, lượng vốn đổ vào thị trường chứng khoán thông qua phát hành cổ phiếu và giá trị đến từ các đợt IPO (giai đoạn 2016-2018) cũng như từ kênh trái phiếu tăng lên đáng kể. Riêng trong năm 2019, các doanh nghiệp trên sàn phát hành hơn 100.000 tỉ đồng trái phiếu để huy động vốn.
Liên quan đến việc thoái vốn nhà nước, cả năm 2019 có 11 doanh nghiệp cổ phần hóa và 54 doanh nghiệp nhà nước thoái vốn thành công. Lũy kế từ 2011-2019, cả nước có 538 doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa và 466 doanh nghiệp nhà nước thoái vốn thành công với tốc độ ngày càng chậm lại.
Như vậy, quy mô thị trường chứng khoán vẫn tăng trưởng đều qua các năm mặc dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Theo Yuanta Việt Nam, đây vẫn sẽ là kênh huy động vốn dài hạn quan trọng dành cho các doanh nghiệp, đặc biệt khi thị trường trái phiếu đang manh mún phát triển và được sự quan tâm hỗ trợ từ Chính phủ.
Bình luận (0)