Doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng thương hiệu Việt

Lê Hiệp
Lê Hiệp
03/08/2019 07:08 GMT+7

Theo Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, doanh nghiệp, người sản xuất phải xây dựng thương hiệu Việt, làm ra hàng hóa chất lượng cao, giá hạ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, các doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng thương hiệu hàng Việt, phấn đấu hàng hóa VN có chất lượng cao, giá thành hạ, tính cạnh tranh lớn để chinh phục được người tiêu dùng Việt.
Sáng 2.8, Ban Chỉ đạo T.Ư cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” (gọi tắt cuộc vận động) tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động.

Hàng Việt chiếm đa số tại siêu thị

Trình bày báo cáo tổng kết 10 năm, Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Trương Thị Ngọc Ánh cho hay, 10 năm triển khai thực hiện cuộc vận động đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỷ lệ từ 90% trở lên. Theo báo cáo năm 2018 của các doanh nghiệp (DN) phân phối, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị nước ngoài chiếm từ 60% đến 96%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Bên cạnh đó, theo bà Ánh, người tiêu dùng đã có ý thức hơn trong ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Kết quả điều tra xã hội học của Viện Dư luận xã hội năm 2019 cho thấy, 67% người được hỏi khẳng định họ sẽ ưu tiên dùng hàng VN khi mua hàng, tăng hơn so với các năm trước (2010 là 59% và 2014 là 63%).
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết đã chỉ đạo Bộ Công thương tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương, DN, hiệp hội để hoàn thiện dự thảo chiến lược theo hướng gắn chặt với cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN”. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cho rằng, cuộc vận động cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do việc hội nhập quốc tế, xu hướng bảo hộ thương mại, bảo hộ sản xuất nội địa của các nước lớn...; trong khi VN có 97% DN là vừa và nhỏ, khả năng thích ứng không cao. Bên cạnh đó, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tình trạng cạnh tranh không đúng luật, lách luật, trốn thuế... vẫn còn xảy ra, đặc biệt là tình trạng gian lận nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, tình trạng đưa hàng giả, hàng nhái về nông thôn...

Cốt lõi là thúc đẩy sản xuất trong nước

Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá cao những kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện cuộc vận động. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai cuộc vận động còn nhiều khó khăn.
Công tác quản lý nhà nước của cơ quan chức năng còn thiếu chặt chẽ; việc kiểm tra, kiểm soát thị trường chưa thường xuyên. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn diễn ra ở nhiều nơi. Theo ông Vượng, đây là vấn đề nhức nhối, đánh vào uy tín và sản xuất của hàng Việt và có trách nhiệm của chính quyền, cấp ủy và các ngành quản lý ở cơ sở. “Tất cả mọi việc diễn ra tại cơ sở. Hàng (giả - PV) người ta sản xuất mấy năm liền tại địa bàn dân cư như thế mà không biết được là làm sao?”, ông Vượng nói và đề nghị cấp ủy các cấp cần quan tâm vấn đề này.
Thường trực Ban Bí thư cũng cho rằng, cuộc vận động cần phải được triển khai mạnh mẽ, sáng tạo, thiết thực hơn và cốt lõi là chiếm lĩnh thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước chứ không phải chỉ làm phong trào bình thường. Theo đó, DN, người sản xuất phải xây dựng thương hiệu, làm ra hàng hóa chất lượng cao, giá hạ. Các cơ quan chức năng phải hỗ trợ DN, người sản xuất, kết nối cung - cầu; hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu sản phẩm và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tăng cơ hội để người tiêu dùng tiếp cận hàng VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.