Ngày 28.7, tại TP.HCM, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) và Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) tổ chức Hội thảo để tiếp tục lấy ý kiến cho dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì (gọi tắt là Fs), để xác định mức đóng góp hỗ trợ tái chế thực hiện trách nhiệm mở rộng của các nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR). Quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2024.
Theo ý kiến đóng góp của các hiệp hội, dự thảo ngày 26.7.2023 đã có điều chỉnh giảm một số điểm so với dự thảo ngày 27.4.2023. Nhưng một số định mức chi phí tái chế Fs trong dự thảo vẫn cao hơn cả mức Fs trung bình của 14 nước Tây Âu là các nước rất phát triển và có chi phí đắt đỏ, như Fs dự thảo của nhôm cao gấp 1,26 lần, của thủy tinh cao hơn 2,12 lần.
Dự thảo mới tính toán, chỉ riêng 3 loại bao bì chính là giấy, nhựa và kim loại, các doanh nghiệp sẽ phải đóng phí tái chế ước tính là 6.127 tỉ mỗi năm, chưa kể phí tái chế cho nhiều loại bao bì, sản phẩm thải bỏ khác. Đây là một khoản chi phí rất lớn, sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và đẩy giá sản phẩm tăng cao, đặc biệt là trong tình trạng kinh tế khó khăn như hiện nay.
Giá sản phẩm cao cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Với mức Fs đề xuất cho chai nhựa cứng PET, giá thành mỗi chai nước 500 ml bị tăng lên 61 đồng, tương đương mức tăng giá 1,62%. Đó là còn chưa kể đến bao bì các tông, thùng đựng, phương tiện vận chuyển… đều phải đóng góp phí tái chế, khiến mức tăng giá có thể phải tăng gấp đôi mức nêu trên.
Nguyên nhân chính của dự thảo Fs cao bất hợp lý là chưa tính đúng, tính đủ khi chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn. Thực tế, có nhiều loại bao bì có giá trị tái chế cao hơn chi phí tái chế như kim loại, giấy carton, nhựa cứng…
Đại diện các hiệp hội ngành hàng kiến nghị, cần xây dựng cách tính phí khoa học và sát thực tế hơn. Cụ thể thay đổi cách nộp đóng góp tái chế từ nộp tạm ứng vào đầu năm 2024 sang nộp theo quyết toán số lượng thực tế khi kết thúc năm 2024 (tức nộp vào tháng 4.2025) để doanh nghiệp vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm tái chế mà tháo gỡ được khó khăn về vốn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, được thực hiện trách nhiệm hỗn hợp với từng loại bao bì: tự tái chế cộng với nộp tiền cho phần còn thiếu. Trong hai năm đầu (2024 và 2025) thực hiện theo thông lệ quốc tế là chưa xử phạt.
Bình luận (0)