Theo kết quả này, Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng PCI năm thứ 4 liên tiếp với số điểm đánh giá 75,09; tăng 2,69 điểm so với năm 2019. Với điểm số này, Quảng Ninh còn là địa phương duy nhất trong 63 tỉnh, TP vượt qua được mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây. Các vị trí tiếp theo thuộc về Đồng Tháp, Long An và Bình Dương nhờ những thay đổi tích cực trong các chỉ số thành phần. Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng tiếp tục giữ vị trí trong top 10 bảng xếp hạng PCI năm nay. Trong khi đó, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hà Giang là 3 tỉnh xếp cuối bảng.
Lý giải về thành công của Quảng Ninh khi 4 năm liên tiếp vô địch PCI, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết kết quả này tới từ những nỗ lực đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2020 trong hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, thông tin thêm, trong 5 năm trở lại đây, DN Việt Nam có xu hướng đánh giá tích cực hơn về sự năng động, tinh thần tiên phong và sự cầu thị của chính quyền. Cũng trong khoảng thời gian này, gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục giảm, một xu hướng nhất quán kể từ năm 2016.
Tuy vậy, điều tra PCI 2020 cho hay, vẫn còn gần 45% DN cho biết họ phải trả các chi phí không chính thức. 54% DN cho rằng hiện tượng nhũng nhiễu vẫn còn. 20% DN đánh giá cán bộ nhà nước trong xử lý công việc còn chưa hiệu quả, chưa thân thiện và cũng còn tới 3% DN phản ánh mỗi năm họ còn bị thanh, kiểm tra quá 5 lần. Đáng chú ý, cứ trong 4 DN thì có 1 DN cho rằng địa phương ưu ái các DN nhà nước, gây khó khăn cho DN tư nhân. Cứ trong 3 DN thì có gần 1 DN cho rằng chính quyền còn ưu ái cho DN FDI.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, niềm tin kinh doanh do tác động của đại dịch Covid-19 đã giảm mạnh tại thời điểm năm 2020. Chỉ có 41% DN cả tư nhân trong nước và FDI dự kiến sẽ mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới, giảm hơn 10 điểm phần trăm so với năm 2019. Điểm số PCI và PCI gốc năm 2020 cũng giảm nhẹ so với năm 2019 và các ngôi sao cải cách - các tỉnh dẫn đầu trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh đã ít có sự bứt phá hơn, cho thấy đà cải cách có phần chững lại, đòi hỏi phải có những nỗ lực hơn trong việc thúc đẩy cải cách một cách kiên trì, thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Bình luận (0)