Doanh nghiệp Việt kiện 'người khổng lồ'

Mai Phương
Mai Phương
17/12/2022 06:38 GMT+7

Công ty CP sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) cho biết đang tiến hành các thủ tục để khởi kiện Amazon (Mỹ) do vi phạm cam kết hai bên đã thỏa thuận.

Theo công bố của Gilimex, Amazon Robotics LLC (Amazon) là một trong những khách hàng của công ty từ năm 2014. Trong quá trình hợp tác, Amazon đã vi phạm cam kết mà hai bên đã thỏa thuận. Việc vi phạm này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Do đó, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của công ty theo đúng nội dung hai bên đã thỏa thuận, Gilimex đang tiến hành các thủ tục pháp lý có liên quan để khởi kiện Amazon tại địa điểm đặt trụ sở của Amazon.

Trước đó, hãng tin Bloomberg đã có bài viết về việc “gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon (Mỹ) đang phải đối mặt với vụ kiện trị giá 280 triệu USD từ một nhà sản xuất của VN là Công ty Gilimex. Đơn kiện được Gilimex đệ trình ngày 12.12 tại tòa án bang New York (Mỹ). Gilimex cáo buộc Amazon đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng khiến nhà sản xuất này gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô. Cụ thể, Gilimex cho biết họ là đối tác chính của Amazon từ năm 2014 - 2022, và đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất để xây dựng kho bằng thép và vải dùng để chứa hàng hóa của Amazon.

Một kho hàng của Amazon tại Mỹ

Reuters

Những kho chứa này được vận chuyển bởi robot, giúp tăng tốc độ hoàn thành các đơn đặt hàng trực tuyến để công nhân không phải đi bộ quanh nhà kho rộng lớn. Công ty cũng đã tuyển dụng hơn 7.000 nhân viên tại nhiều nhà máy để sản xuất hơn 1 triệu đơn vị lưu trữ hằng năm. Việc sản xuất cho Amazon đã tăng gấp 20 lần trong suốt 8 năm qua. Theo Bloomberg dẫn đơn khiếu nại dài 32 trang, mối quan hệ đối tác của hai bên được xây dựng dựa trên “sự tin tưởng”. Trong đó, Gilimex dựa vào tính chính xác của các dự báo của Amazon để đầu tư thỏa đáng nhằm đáp ứng nhu cầu.

Gilimex cho biết họ đã có một thỏa thuận lâu dài với Amazon về tính minh bạch về nhu cầu dự kiến để có thể mua nguyên liệu, điều chỉnh công suất nhà máy và sắp xếp nhân viên nhằm đáp ứng sự tăng trưởng của Amazon - vốn đã tăng vọt trong thời kỳ đại dịch khi nhiều người mắc kẹt tại nhà và chủ yếu mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, vào tháng 4 và 5 vừa qua, Amazon đã “ngay lập tức thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến” trong thời gian còn lại của năm 2022 và 2023 xuống chỉ còn một phần nhỏ so với các dự báo trước đó.

Theo hồ sơ vụ kiện, Amazon là khách hàng lớn nhất của Gilimex với các đơn đặt hàng trị giá 146,6 triệu USD vào năm 2021 (tương đương hơn 3.370 tỉ đồng vào cuối năm 2021). Gilimex đã từ chối các khách hàng lớn khác bao gồm IKEA và Columbia Sportswear để đáp ứng nhu cầu của Amazon. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu của Amazon trong thời kỳ đại dịch, Gilimex phải di dời các cơ sở sản xuất và đóng gói để tiếp tục sản xuất.

“Vì vậy, trong khi Amazon đạt được mức tăng doanh thu chưa từng có trong thời kỳ đại dịch phần lớn là do sự bùng nổ về lượng đặt hàng trực tuyến của người tiêu dùng thì ban lãnh đạo và người lao động của Gilimex đã mạo hiểm hằng ngày để lập kỷ lục đó theo đúng nghĩa đen”, đơn khiếu nại viết.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

Việc bán hàng trực tiếp cho các hãng ngoại của nhiều doanh nghiệp (DN) Việt liên tục tăng, nhất là trong các ngành dệt may, da giày hay đồ gỗ... Chỉ riêng bán trực tiếp qua sàn thương mại điện tử Amazon cũng tăng trưởng cao.

Cuối năm 2021, Amazon Global Selling công bố đã có gần 7,2 triệu sản phẩm của các DN vừa và nhỏ VN được bán cho các khách hàng Amazon trên khắp thế giới (trung bình 14 sản phẩm mỗi phút) thông qua sàn thương mại điện tử này. Con số này tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng các DN vừa và nhỏ của VN vượt mốc doanh số 100.000 USD bán hàng qua các cửa hàng Amazon trên toàn thế giới, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước đó…

Đồ họa: Hoàng Lâm

Theo LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, việc khởi kiện là bình thường trong hoạt động của DN và đây là cách hành xử văn minh, chuẩn mực nhất. Thông thường, đi kiện xa nơi mình cư trú thì bản thân người đi kiện gặp bất lợi hơn về chi phí, đi lại. Đặc biệt khi ra nước ngoài thì rào cản về ngôn ngữ, pháp lý càng nhiều hơn. Khi đó, DN càng bị động và hoàn toàn phụ thuộc vào luật sư ở nước sở tại. Đó là chưa kể khi thắng kiện thì các thủ tục để thi hành án sau đó cũng khá phức tạp.

“Kinh tế VN ngày càng hội nhập nên giá trị hợp đồng của DN với đối tác nước ngoài cũng tăng vọt. Nhưng môi trường thay đổi nhanh thì dễ nảy sinh vấn đề tranh chấp hơn. Để hạn chế rủi ro về phía mình, trong các hợp đồng thương mại với đối tác ngoại, ngoài các điều khoản về số lượng, giá trị sản phẩm… thì DN phải quan tâm đến nội dung nếu có phát sinh tranh chấp thì xử lý như thế nào? Cơ quan xử lý là đơn vị nào, ở đâu? Khi không có thỏa thuận trong hợp đồng thì theo thông lệ quốc tế người khởi kiện sẽ nộp đơn lên tòa án tại nơi cư trú của đối tác như trường hợp Gilimex nộp đơn kiện tại địa điểm đặt trụ sở của Amazon ở Mỹ. DN phải hình dung trước câu chuyện nếu “cơm không lành canh không ngọt” trong quá trình hợp tác thì như thế nào để kiểm soát và lường được các rủi ro từ những thỏa thuận đó. Chẳng hạn trong đàm phám hợp đồng, nếu như thỏa thuận được đưa ra cơ quan giải quyết tranh chấp trong khu vực như Singapore thì DN ở VN cũng sẽ thuận lợi hơn thay vì đến tận Mỹ”, LS Trương Thanh Đức chia sẻ thêm.

Còn theo TS-LS Châu Huy Quang - thành viên Tòa trọng tài Quốc tế ICC tại VN, trường hợp các DN Việt chủ động khởi kiện đối tác nước ngoài hiện còn ít. Ví dụ năm 2019, Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (một DN thuộc Masan Group) đã đạt thỏa thuận giải quyết tranh chấp với Jacobs E&C Australia Pty Ltd (một công ty con tại Úc của Jacobs Group). Theo đó, Núi Pháo khởi kiện Jacobs E&C ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore từ tháng 9.2015. Qua nhiều phiên họp trong tố tụng trọng tài, kết quả hai bên đã đạt được thỏa thuận dàn xếp và Jacobs E&C đã chi trả 130 triệu USD cho Núi Pháo.

Còn đối với một vụ có quy mô tương tự như Gilimex khởi kiện Amazon, chi phí pháp lý (án phí và luật sư) có thể chiếm tới 30% số tiền yêu cầu - đây là một số tiền đáng kể. Vì vậy, ông cho rằng các DN Việt có thể chọn cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại thông qua phương thức trọng tài thương mại quốc tế sẽ mang lại nhiều biện pháp hữu ích hơn cho các bên, đặc biệt là phía VN, như quyền tự quyết nhiều vấn đề về tố tụng, có thể thỏa thuận nơi tổ chức các phiên họp, bảo mật về nội dung vụ kiện, thời gian giải quyết tranh chấp nhanh và không quá chú trọng nhiều các quy trình mang tính trang trọng, nghi thức như ở tòa án. Bên cạnh đó, trọng tài viên có kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực liên quan đến tranh chấp thì khả năng thực thi phán quyết cho phía Gilimex - nguyên đơn trong vụ kiện này sẽ lợi thế hơn.

Doanh thu bán hàng cho Amazon chiếm tỷ trọng lớn và việc dừng đột ngột khiến kết quả kinh doanh quý 3/2022 của Gilimex lao dốc. Cụ thể, doanh thu quý 3/2022 chỉ còn hơn 213 tỉ đồng, giảm đến 83% so với quý 2/2022 và giảm 66% so với cùng kỳ năm 2021. Hàng tồn kho của công ty tăng tới 70% so với đầu năm, lên gần 1.278 tỉ đồng. Tính đến ngày 30.9, Gilimex còn khoản phải thu với Công ty Amazon Robotics gần 15,5 tỉ đồng. Tuy nhiên nhờ chi phí lãi từ hoạt động đầu tư tài chính nên lợi nhuận quý 3/2022 vẫn cao hơn cùng kỳ năm trước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.