Ông Phan Quốc Việt tại buổi họp báo năm 2020 |
T.H |
Như Thanh Niên đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an vừa khởi tố vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương (CDC Hải Dương) và các đơn vị, địa phương liên quan.
C03 cũng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, để điều tra về hành vi "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Covid-19 sáng 20.12: Cả nước 1.540.478 ca nhiễm | Hà Nội thành điểm nóng nhất của dịch bệnh |
Kết quả điều tra cho thấy, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỉ đồng. Ông Phan Quốc Việt thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn. Bước đầu, C03 làm rõ ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương đa nhận gần 30 tỉ đồng lót tay từ ông Phan Quốc Việt.
Theo tìm hiểu, Công ty Việt Á (VietACorp) được thành lập năm 2007, có trụ sở chính tại TP.HCM, với vốn ít ỏi chỉ 80 triệu đồng, được góp từ 5 thành viên. Công ty chuyên về lĩnh vực sinh học phân tử và tự giới thiệu có đội ngũ cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm hơn 10 năm về lĩnh vực sinh học phân tử. Đây cũng là nhóm đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công và đưa vào thương mại từ rất sớm các kit sử dụng kỹ thuật Realtime PCR (là một kỹ thuật thí nghiệm sinh học phân tử dựa trên phản ứng chuỗi polymerase) và lai phân tử.
Trước năm 2017, việc kinh doanh của công ty không mấy sáng sủa, doanh thu vài chục tỉ đồng và thường báo lỗ. Tuy nhiên, cuối năm 2017, Việt Á Corp bỗng tăng vốn điều lệ từ 200 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng. Mệnh giá mỗi cổ phần của công ty là 1 triệu đồng với 1.000 cổ phần, 100% đều là cổ phần phổ thông. Sau khi tăng vốn, công ty có doanh thu lên tới 4.000 tỉ đồng và tuyên bố có trên 3.000 khách hàng, 1.500 dự án…
Công ty CP Công nghệ Việt Á tăng vốn lên 1.000 tỉ đồng năm 2017 |
Vietacorp |
Việc tăng vốn thần tốc của Công ty Việt Á gắn với sự kiện rất đáng chú ý sau đó. Tháng 4.2020, công ty được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành kit xét nghiệm Covid-19 đầu tiên do Việt Nam sản xuất. Theo chia sẻ của ông Phan Quốc Việt khi đó, năng lực sản xuất của công ty khoảng 10.000 bộ kít/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên 3 lần (khoảng 30.000 kít/ngày). Giá mỗi bộ từ 400.000 - 600.000 đồng/test, thấp hơn thế giới nhiều lần.
Ngoài kit test, Công ty Việt Á cũng trúng nhiều gói thầu tại các bệnh viện lớn trên cả nước. Công ty đã tham gia 105 gói thầu, trong đó trúng 74 gói, trượt 8 gói, 23 chưa có kết quả và có quan hệ với 64 bên mời thầu. Đã từng đấu với 42 nhà thầu trong 31 gói thầu, thắng 19 gói, thua 5 gói, 7 chưa có kết quả. Đã từng liên danh với 21 nhà thầu trong 26 gói thầu, thắng thầu 24 gói, thua 0 gói, 2 chưa có kết quả.
Một số gói thầu đã trúng bao gồm: gói thầu cung ứng hóa chất năm 2016 - 2017 (cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư y tế) cho Bệnh viện Quân y 175; gói thầu cung cấp hóa chất dung dịch khử khuẩn, dụng cụ xét nghiệm và sinh phẩm xét nghiệm năm 2018 - 2019 cho Bệnh viện Da liễu T.Ư.
Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, công ty này đã trúng gói thầu cung cấp hóa chất sinh phẩm xét nghiệm chuyên khoa và dung dịch khử khuẩn (gồm 609 danh mục) theo Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu số 5269/QĐ-BYT ngày 30.8.2018 của Bộ Y tế. Gần đây, Công ty Việt Á còn trúng gói thầu cung cấp hóa chất vật tư tiêu hao theo máy và vật tư tiêu hao phục vụ hoạt động xét nghiệm (gồm 3.296 danh mục) tại Bệnh viện Bạch Mai.
Kết quả kinh doanh của Công ty CP Công nhệ Việt Á |
Vietacorp |
“Không tăng giá lên để cắt cổ dân mình”
Theo ông Phan Quốc Việt (41 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) chia sẻ, ông là một người con ngành y, may mắn đi vào chuyên ngành khá "hot", chính là sinh học phân tử trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Và may mắn hơn, doanh nghiệp của ông được Học viện Quân Y lựa chọn đối tác hơn chục năm qua.
Trước khi sản xuất thành công bộ kit thử nghiệm virus SARS-CoV-2, công ty Việt Á cũng được Bộ Y tế cấp phép sản xuất 15 bộ kit thử trong đó có nhiều tác nhân gây bệnh thông dụng như: lao, viêm gan A, viêm gan B, tay - chân - miệng, HPV… Đáng nói, so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại, sản phẩm của Việt Á đều có giá rẻ hơn từ 4 - 10 lần.
Công ty trang bị trên 15 máy Real-time PCR thế hệ mới nhất, 1 số máy công ty đang hỗ trợ cho khách hàng là các bệnh viện lớn: Bệnh viện Đa Khoa T.Ư Cần Thơ, Bệnh viện T.Ư Huế...
Tại cuộc họp báo ngày 5.3.2020 do Bộ KHCN tổ chức công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm (bộ kit) Real-time RT-PCR đầu tiên “made in VietNam”, ông Việt từng dẫn chứng, 1 test kit nước ngoài thường phải có giá thành gấp 10 lần, rẻ cũng phải gấp từ 3 tới 4 lần mặc dù chất lượng tương đương. Chính vì vậy, ông không "cổ súy" cho việc một số doanh nghiệp lợi dụng tinh thần "người Việt dùng hàng Việt" để đẩy giá sản phẩm lên cao.
“Tôi không thích câu “người Việt dùng hàng Việt” bởi lâu nay một số doanh nghiệp Việt vẫn lợi dụng nó để nâng giá sản phẩm. Tại sao chúng ta không quan niệm người Việt dùng hàng tốt, giá tốt. Hàng sản xuất trong nước hoàn toàn có lợi thế so với hàng nhập khẩu, ít nhất về chi phí vận chuyển. Anh sản xuất trong nước trước hết phải phục vụ người dân trong nước, tại sao lại tăng giá tới mức cắt cổ? Chất xám cần để phục vụ cộng đồng”, vị giám đốc này nói.
Bình luận (0)