Quản trị quốc gia nhìn từ việc cách ly F1

15/11/2021 14:57 GMT+7

Dịch bệnh Covid-19 đòi hỏi sự linh hoạt, thế nhưng sự linh hoạt này cần đảm bảo hai yếu tố để không vượt quyền, không lạm quyền.

Quản trị, quản trị doanh nghiệp và giờ là quản trị quốc gia, lần đầu tiên được đưa vào trong Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (và cùng đó cũng là lần đầu tiên Nghị quyết đưa vào nhiệm vụ “nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”).

Quản trị quốc gia đòi hỏi yêu cầu gì? Trước hết và căn bản đó là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với hệ thống pháp luật công khai, minh bạch, rõ ràng; tiếp theo là việc thực thi pháp luật trong cuộc sống; và cuối cùng là kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật để đảm bảo mục tiêu vì NHÂN DÂN.

Trung ương đã làm

Dịch bệnh Covid-19 đòi hỏi sự linh hoạt, thế nhưng sự linh hoạt này cần đảm bảo hai yếu tố để không vượt quyền, không lạm quyền, không ảnh hưởng tới quyền của NHÂN DÂN đã được Hiến pháp long trọng ghi nhận:

Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Ngay cả Chính phủ để linh hoạt và kịp thời ban hành văn bản chưa từng có tiền lệ và chưa từng được dư báo trong luật cũng phải được sự cho phép của Quốc hội (bằng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 268/NQ-UBTVQH ngày 06/8/2021 về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19).

Chính phủ đã ban hành kịp thời Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”

Còn địa phương

Nghị quyết 128/NQ-CP nêu căn cứ khoa học của Tổ chức y tế thế giới, các nhà khoa học và tham khảo các quốc gia để quy định về thích ứng an toàn – linh hoạt – kiểm soát, trong đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định biện pháp hành chính phù hợp nhưng không trái với quy định của trung ương, không ảnh hưởng tới đi lại và sinh hoạt của nhân dân. Nghị quyết cũng nêu rõ trường hợp các quy định, hướng dẫn của Trung ương không phù hợp, khả thi thì kịp thời báo cáo cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn. Một hướng dẫn rất theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đảm bảo sự thống nhất trên cả nước, không để các địa phương lãnh đạo theo kiểu “sau lũy tre làng”.

Bộ Y tế có công văn 5599/BYT-MT ngày 14/7/2021 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó nêu “Giảm thời gian cách ly y tế từ 21 ngày xuống 14 ngày cho các đối tượng F1”.

Ngay tiếp theo đó, Bộ Y tế có quyết định 3638/QĐ-BYT ngày 30/7/2021 về hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19, quy định rất rõ ràng: Lấy mẫu lần 2 vào ngày thứ 14 kể từ khi được cách ly.

+ Nếu kết quả xét nghiệm Real time RT-PCR ít nhất 2 lần đều âm tính với SARS-CoV-2 thì kết thúc việc cách ly tập trung và chuyển sang tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong 14 ngày tiếp theo, không tụ tập đông người, thực hiện nghiêm 5K.

Thành phố Hà Nội đã thực hiện rất tốt việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19, điều đó đã được thực tế chứng minh, nhưng với yêu cầu của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền công dân, quyền con người, đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất từ trung ương xuống địa phương thì đã đảm bảo chưa ? Câu hỏi này đặt ra từ một thông báo mà tại sao một việc quan trọng đến quyền công dân không phải bằng quyết định mà lại là công văn?

Công văn số 2309/UBND-KGVX ngày 4/9/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ vài dòng đơn giản: đồng ý thời gian cách ly y tế tập trung 21 ngày đối với người tiếp xúc gần ca bệnh Covid-19 (F1) và bàn giao với địa phương để cách ly tại nhà 14 ngày theo đề xuất của Sở Y tế.

Hàng ngàn người dân trong khu cách ly cần một câu trả lời lý do tại sao, căn cứ khoa học nào để kéo dài thời gian cách ly, ngược với hướng dẫn của Bộ Y tế, với quy định của Chính phủ.

Phải chăng cứ “đặc thù” là được làm khác ? Nên nhớ rằng vừa qua một số địa phương có cơ chế đặc thù cũng phải được trung ương đồng ý (Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ hai). Quản trị địa phương phải đặt trong tổng thể quản trị quốc gia.

* Bài viết thể hiện quan điểm, văn phong của một viên chức sống tại Hà Nội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.