Độc đáo hồ Cây Đuốc không bao giờ cạn ở miền Tây

20/03/2017 13:32 GMT+7

Từ “mạch nước lộ thiên” tiếp giáp chân núi Cấm (ấp Ba Xoài, xã An Cư, H.Tịnh Biên, An Giang), Chương trình nước sinh hoạt nông thôn An Giang đầu tư nạo vét, xây dựng thành hồ Cây Đuốc với trữ lượng 2.200 m 3 (mùa mưa) và 1.000 m 3 (mùa khô).

Đặc biệt, nguồn nước hồ chưa bao giờ cạn và đường ống dẫn thiết kế theo dạng tự chảy.

tin liên quan

Đề xuất nạo vét bùn, bổ sung nước giếng khoan vào hồ Gươm
Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội vừa đề xuất phương án cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm), với mục tiêu nạo vét và xử lý, duy trì chất lượng nước hồ thông qua việc sử dụng chế phẩm Redoxy 3C cũng như bổ cập nước hồ sau nạo vét bằng giếng khoan.
Thiên nhiên ban tặng
Toàn vùng Bảy Núi có nhiều đập, hồ chứa nước nhân tạo, với quy mô khối lượng khác nhau. Đối với hồ Cây Đuốc thuộc loại vừa, tích mạch nước ngầm từ đáy dâng lên và lưu lượng dao động quanh năm, không phải đợi mùa mưa. Đồng bào Khmer và người Kinh thường bảo sự kỳ diệu trong thiên nhiên là ở chỗ đó. “Khoảng năm 1980, bà con đã phát hiện ra mạch nước lộ thiên này. Nước tinh khiết như nước khoáng vậy”, ông Nguyễn Văn Hùng (cư dân Ba Xoài) kể. Ban đầu chỉ là cái vũng, nước chảy tràn lan trên đất ruộng, người dân thường dùng tắm giặt và chăn nuôi trong mùa khô.
Nghe đồn, nhiều người tìm đến nếm, thấy giống nước khoáng, sau đó rủ nhau xài thử. Đến mùa khô, người dân khu vực Ba Xoài cũng đổ về đây lấy nước xài. Đến những năm 1990, hồ Ô Tứk Sa được khởi công xây dựng, ngành chuyên môn cũng triển khai thi công và nâng cấp “mạch nước lộ thiên” thành hồ Cây Đuốc. Bấy giờ, nhiều vùng lân cận đánh xe bò đến hồ Cây Đuốc chở nước về xài.

“Do mạch nước tự dâng, múc xài nhiều đến cỡ nào cũng không cạn, chỉ lưng trong giây lát rồi lại đầy. Nhờ vậy, đồng bào trong vùng mới sống được”

Thượng tọa Chau Kim Sêng

Với kinh nghiệm cư dân miền núi, các nguồn nước suối tự nhiên, giếng đào thủ công, giếng ống xây, giếng bơm tay… đều có màu ngà ngà hoặc đục xanh, còn gọi “nước hến luộc” mới xài được. Đằng này, nước mạch dâng lên từ đáy hồ Cây Đuốc trong veo, uống được, đó là điều kỳ diệu và hiếm có.
Nguồn nước bổ sung trong mùa khô
Nằm ở độ cao khoảng 15 m so với hương lộ 11, hồ Cây Đuốc luôn được chính quyền địa phương quan tâm xây dựng hệ thống hàng rào và xây kè lòng hồ, đảm bảo nguồn nước luôn hợp vệ sinh và hệ thống đường ống tự chảy hoạt động tốt, nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt đồng bào Khmer và người Kinh trong khu vực. Ông Chau Sươne (ấp Pô Thi) nói: “Hồ có rào chắn đàng hoàng, trâu bò thả lan không được lại gần. Ai cũng muốn giữ gìn nguồn nước để phục vụ sinh hoạt, ăn uống, ”.
Những năm 2005, từ Chương trình 134 và 135 của Chính phủ, Chương trình dân tộc tỉnh An Giang đã đầu tư xây dựng Trạm cấp nước An Cư (phục vụ cả Sóc Tức, xã Lê Trì, H.Tri Tôn). Nguồn chính lấy từ kênh 3.2, còn hồ Cây Đuốc dự phòng khi thiếu hụt. Thượng tọa Chau Kim Sêng, sãi cả chùa Thnok, kể từ khi biết hồ Cây Đuốc đến nay chưa bao giờ hồ bị cạn. Lúc còn khó khăn, nhà chùa cũng xài nguồn nước này. “Do mạch nước tự dâng, múc xài nhiều đến cỡ nào cũng không cạn, chỉ lưng trong giây lát rồi lại đầy. Nhờ vậy, đồng bào trong vùng mới sống được”, thượng tọa Chau Kim Sêng giải thích.
Theo ngành chuyên môn, biên độ dao động giữa mùa mưa và mùa nắng chênh lệch khoảng 50% dung tích, cho thấy trữ lượng nguồn nước ổn định và khá dồi dào so với các hồ chứa khác. Do cấu tạo thiên nhiên về địa tầng và nguồn nước mạch, đồng bào Khmer và bà con người Kinh ở đây thường gọi hồ Cây Đuốc có hiện tượng “nước lớn - nước ròng”. Khai thác lợi thế thiên nhiên, công tác quản lý và bảo vệ hồ Cây Đuốc luôn được chính quyền H.Tịnh Biên chăm lo. Hệ thống đường dẫn của hồ được mở rộng, thiết kế với dạng tự chảy nhờ chênh lệch độ cao. Nhờ đó, nhiều năm qua, người dân An Cư và khu vực lân cận chỉ cần mở van là có nước xài, không còn phải đi gánh vất vả.
Mùa khô 2016 - 2017, Công ty CP Điện nước An Giang xác định hồ Cây Đuốc là nguồn bổ sung cho Trạm cấp nước An Cư. Nếu nguồn nước chính không đủ cung cấp thì đây sẽ là nguồn phụ hòa mạng đường ống và điều tiết, phục vụ kịp thời sinh hoạt của người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.