Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa đã khiến kiến trúc của Pleiku Roh cũng như nhiều ngôi làng của các cư dân bản địa ở Gia Lai và khu vực Tây nguyên bị ảnh hưởng khá mạnh. Ít dần đi những mái nhà rông, căn nhà sàn nhưng từ sâu thẳm, những cộng đồng làng như Pleiku Roh vẫn luôn chất chứa những mạch nguồn mạnh mẽ, là một điển hình về bảo tồn văn hóa truyền thống bản địa.
Một góc làng Pleiku Roh |
Ngôi làng cổ xưa
Theo sử liệu, Pleiku Roh là một trong những làng thuộc cộng đồng bản địa Jrai cổ xưa nhất của đô thị Pleiku, cùng với những làng như: Kring Dêr, Blo, Ngo, Ốp. Nhiều người già ở đây nói rằng tổ tiên của họ không biết tự bao giờ đã chọn vùng đất Pleiku làm nơi quần cư, sinh sống. Hơn trăm năm trước, Pleiku Roh chỉ có vài chục hộ quần cư. Ngày ấy, những con đường chạy quanh làng rất nhỏ. Cây rừng um tùm. Người bản địa mưu sinh bằng chăn nuôi, trồng trọt. Tuy không phải là một cộng đồng dân cư trù phú nhưng họ sống yên bình, vui vầy.
Cư dân Pleiku Roh quật cường, chống chọi với bệnh tật, muông thú cho đến cái lạnh thấu xương. Bà Rơ Châm Vớt (72 tuổi) cho biết: “Ngày trước đường chưa to thế này đâu. Đường nhỏ thôi. Sau này người ta mới làm đường to để xe to chạy được. Giờ Pleiku khác rồi chớ ngày xưa lạnh lắm. Chưa tối đã có sương, hơi lạnh xộc vào người. Buổi sáng thì rất lạnh. Nhà ai cũng phải có một bếp lửa ấm, âm ỉ suốt ngày đêm để chống cái lạnh. Mưa nữa. Đến mùa mưa là mưa suốt mấy tháng liền”.
Bước qua những năm tháng đầy gian khó, Pleiku Roh hôm nay hòa vào không khí nhộn nhịp nơi phố thị nhưng vẫn chất chứa, thẳm sâu nhiều giá trị văn hóa bản địa, thấm đẫm nhân văn, hồn cốt của người Jrai.
Người làng Pleiku Roh đem những sản vật của nhà làm được ra chợ bán |
Nhộn nhịp làng giữa phố
Buổi sáng tinh sương, chúng tôi có mặt ở chợ Bà Định, khu chợ nhỏ tự phát tồn tại nhiều năm nay gần làng Pleiku Roh. Ở đây, nhiều sản vật các làng được người dân bản địa mang ra buôn bán, trao đổi. Một hình ảnh không còn xa lạ với người dân phố núi: Đó là cảnh nhiều phụ nữ bản địa lưng mang gùi, mang theo mớ rau, mớ cá sông suối đi dọc chợ tìm người mua. Hay những thứ củ quả, cây trái, con gà…, là của nhà đem ra bán. Đấy cũng là một nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người dân ở đây. Thấy chúng tôi, một người bản địa chìa ra mớ sả tươi nhìn ngon mắt mời: “3.000 đồng một bó, mua đi…”.
Đi vào làng, chúng tôi bắt gặp bà Puih Hmer (63 tuổi) đang mang gùi đi ngược ra chợ Bà Định. Trong gùi là mớ tép và ít cá. Bà nói: “Mấy thứ này là do con trai đi đơm lúc khuya mới về. Đem ra chợ bán cũng được gần trăm ngàn. Mình hay đi bán lắm, ra là có người mua liền à”.
Gần đó, anh Puih Líu đang xếp những bó xà lách tươi ngon để đem ra trước cửa nhà bán cho khách. “Chỉ 5.000 đồng một bó thôi, rẻ lắm. Mà rau sạch nữa, trồng trong vườn nhà đó. Mình sử dụng thuốc sâu là tự hại mình và hại cả mọi người. Mình làm thành xâu rồi để vợ đang nuôi con nhỏ 8 tháng tuổi bán kiếm tiền, ngày cũng được hơn 100.000 đồng. Còn mình đi làm thêm việc khác kiếm tiền”, anh Líu kể.
Ngày chúng tôi đến Pleiku Roh, mọi người đang vui niềm vui được mùa. Người làng tận dụng các vỉa hè để trải bạt phơi lúa. Người làng Pleiku Roh vẫn giữ thói quen lâu nay, không bán lúa tươi mà đem về nhà phơi, cất giữ để dành xay ăn dần.
“Mùa này nhà mình được khoảng 30 bao lúa (50 kg/bao). Mùa trước ít hơn chút. Chừng đó lúa cho 2 người nhà, 3 đứa con với mấy đứa cháu cũng đủ. Giờ mọi người đi làm lúa, làm rẫy, làm công nhân rồi cả đi làm công bên ngoài nữa. Nhiều nhà còn đất rộng xây phòng trọ cho thuê, rồi làm nhiều việc khác nữa. Cuộc sống tốt rồi, không còn khó khăn như nhiều năm trước”, bà Rơ Châm Vớt nói.
Đội chiêng của làng Pleiku Roh tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số toàn tỉnh Gia Lai lần thứ nhất, tháng 4.2022 |
Làng văn hóa kiểu mẫu
Ngôi làng chỉ vài chục hộ quần cư cách đây hơn trăm năm, giờ đã bề thế, đông đúc với 374 hộ, 1.743 nhân khẩu, trong đó có 189 hộ người Jrai với hơn 900 khẩu, quần cư trên diện tích gần 27 ha. Do ở giữa phố thị sầm uất, bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa nên hiện nay Pleiku Roh toàn là nhà xây bằng bê tông, không còn ngôi nhà sàn nào hiện hữu. Nhiều người Kinh đã vào đây mua đất, chọn làm nơi định cư.
Chính sự giao thoa đó đã làm nên điều đặc biệt ở Pleiku Roh. Bởi sống giữa phố thị, đan xen nhiều nét văn hóa, nhưng họ vẫn lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người Jrai. Hai đội cồng chiêng ở làng được xem là đội chiêng “đinh” của TP.Pleiku trong những dịp lễ hội cồng chiêng. Nghệ nhân Siu Thưm (40 tuổi, ở Pleiku Roh) chia sẻ: “Được sự động viên của người già trong làng, tôi mở lớp dạy chơi cồng chiêng, thành lập đội cồng chiêng nhí. Cùng với 2 bộ cồng chiêng quý của làng, chúng tôi đã tham gia nhiều hội thi, liên hoan văn hóa. Mọi người rất thích, siêng luyện tập”.
Chợ Bà Định - nơi tiêu thụ nhiều sản vật của làng Pleiku Roh |
TRẦN HIẾU |
Cuộc sống hòa đồng, kinh tế phát triển nên Pleiku Roh được xem là làng văn hóa kiểu mẫu không chỉ của TP.Pleiku mà còn là của tỉnh Gia Lai. Nhiều du khách trong và ngoài nước đến phố núi đã rất ngạc nhiên, thích thú khi chứng kiến ngôi làng trong lòng phố thị. (còn tiếp)
Vươn lên thoát nghèo
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Trần Thị Danh, Phó chủ tịch UBND P.Yên Đỗ, cho biết Pleiku Roh là ngôi làng trong phố nhưng vẫn giữ được nhiều giá trị văn hóa bản địa đặc sắc như thói quen sinh hoạt cộng đồng, đoàn kết trong cộng đồng. Phong trào cồng chiêng ở làng Pleiku Roh được đánh giá là mạnh so với nhiều nơi khác của Gia Lai. An ninh trật tự cũng rất đảm bảo.
“Với gần 25 ha lúa nước 2 vụ, áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật nên nguồn lương thực ở Pleiku Roh luôn đảm bảo. Cộng với nhiều ngành nghề khác như trồng rau, xây nhà trọ cho thuê…, nhiều người dân Pleiku Roh có của ăn của để, vươn lên thoát nghèo, làm giàu”, bà Danh nói.
Bình luận (0)