Đọc sách, phải bắt đầu từ nhà trường

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
08/03/2019 11:48 GMT+7

Thanh Niên số ra ngày 18.2 có bài 'Khi đọc sách là bài tập về nhà'. Bài viết đưa ra con số thống kê của Bộ VH-TT-DL, cho hay, mỗi năm trung bình một người Việt chỉ đọc…0,8 cuốn sách.

Một tỷ lệ cực thấp so với thế giới. Vậy làm sao để nhiều người đọc sách?

Chỉ có lợi

Không phải bỗng dưng, ở Mỹ, nền giáo dục luôn luôn chú trọng 4 kỹ năng: nghe- nói- đọc- viết. Tất cả các bài tập liên quan đều chú trọng đến kỹ năng này thay vì học vẹt.
Không ai phủ nhận lợi ích của đọc sách như thúc đẩy trí não, cung cấp kiến thức, mở rộng vốn từ, rèn luyện trí nhớ, luyện kỹ năng phản biện, tăng khả năng tập trung, luyện kỹ năng nói và viết, có độ tĩnh tâm và được giải trí… Tuy nhiên, biết là lợi ích những vẫn… không đọc hoặc lười đọc.
Nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là do cuộc sống gấp gáp và bận bịu, tóm lại là “không có thời gian”. Đó là nguyên nhân hoàn toàn ngụy biện vì những người nêu ra lý do đó họ đều có thể dán mắt vào màn hình tivi, máy tính, điện thoại ngày dăm bảy tiếng. Họ có thể chém gió trên Facebook, like “dạo”, phản biện từng status… Chỉ cần đọc cái tít hay vài câu đầu là… “chém”, đôi khi rất vô duyên và không ăn nhập.
Mạng xã hội mang lại cho loài người nhiều kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là sự kết nối và lan tỏa thông tin. Tuy thế, mặt tiêu cực của nó, trước hết là thói quen ỷ lại. Nhiều điều, thay vì nhớ và biến thành kiến thức của mình, thì chúng ta “không cần nhớ” mà nếu cần thì đã có “ông” Google. Khi đã hình thành thói quen đó, chúng ta sẽ không thể bổ sung vào kiến thức bản thân mà trở thành người phụ thuộc vào công cụ.
Nếu nói cuộc sống bận bịu thì người phương Tây có vẻ bận hơn ta, ngay cả đi học cũng đi nhanh hơn. Nhưng khi ngồi máy bay hay tàu điện, họ đều cầm trên tay một cuốn sách in hoặc điện tử, chăm chú đọc trên suốt chặng đường thay vì dành thời gian selfie (chụp ảnh tự sướng) như ta.
Cô Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng ĐH Đông Á, trong nhiều kỳ họp HĐND TP.Đà Nẵng với tư cách đại biểu đã nhiều lần kêu gọi xây dựng văn hóa đọc. Cô gửi nhiều bản kiến nghị, trong đó có cả giải pháp, để xây dựng văn hóa đọc cho lãnh đạo. Trong khuôn viên của trường, có rất nhiều tiểu cảnh nói về việc đọc, không chỉ xây dựng thư viện, cô còn làm cả cà phê sách… Tiếc là qua nhiều năm, sức lan tỏa vẫn chưa được là bao.

Tạo thói quen cho học sinh

Trong bài viết trên Thanh Niên (đã dẫn ở trên), tác giả kể câu chuyện ở trường Roscoe Wilson (bang Texas - Mỹ) có một cách làm rất hay: Đọc sách cũng là bài tập về nhà. Học sinh phải trả lời trên mạng 10 câu hỏi có liên quan đến 4 cuốn sách do thầy, cô chỉ định. Học sinh nào trả lời đúng 7/10 câu cho một cuốn sẽ được vinh danh trên bảng thông báo của trường. Vì thế, học sinh không chỉ đọc mà còn ghi chép cẩn thận để trả lời câu hỏi. Ngoài ra, các trường còn tổ chức thi đọc sách, thi sáng tác… Từ đó các em hình thành thói quen đi đâu cũng cầm theo sách để đọc.
Đây là cách làm rất hay mà hệ thống giáo dục VN cần phải học tập. Không chỉ phát động, vận động mà hình thành chủ trương ngay từ Bộ GD-ĐT. Hoàn toàn không khó, tôi tin là làm được.
Tại Đà Nẵng, định kỳ địa phương tổ chức hội chợ sách ngay bên bờ sông Hàn; TP.HCM và vài tỉnh, thành khác cũng đã có đường sách… Tuy nhiên, nó chỉ hấp dẫn với những người đã mê sách, còn để hình thành thói quen lại là một câu chuyện khác. Phải đưa vào giáo dục phổ thông, từ khi các em còn nhỏ.
Thầy Nguyễn Quang Hòe, thầy giáo dạy văn từ thời chúng tôi còn học cấp 3 hệ 10 năm, sau làm quản lý ở trường chuyên Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình), đưa ra một nhận xét: Nhà nào có tủ sách, bố mẹ ham đọc sách, con cái có thói quen đọc sách thì gia đình đó giữ được nền nếp và con cái không thể phạm tội. Ấy là thầy nói chung vậy, chứ cái gì cũng có trường hợp cá biệt; nhưng thực sự người có thói quen đọc sách vẫn thể hiện phong thái, cách ứng xử, cách diễn đạt vấn đề khác hẳn.
Sách chỉ có lợi, vậy thì đọc sách có gì phải sợ?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.