Dốc sức đối phó hạn hán

20/03/2014 09:54 GMT+7

Mới đầu mùa nắng, song nhiều hồ chứa ở Quảng Nam đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nước , ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

 Hạn hán
Nhiều diện tích lúa tại Quảng Nam đang đứng trước nguy cơ mất mùa do mặn xâm nhập sớm  và khô hạn - Ảnh: Hoàng Sơn

Nước cạn kiệt, mặn xâm nhập sâu

 

 Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với các địa phương lên phương án chống hạn, tuyên truyền ý thức tiết kiệm nước trong nhân dân; đồng thời phối hợp với các nhà máy thủy điện trên địa bàn điều tiết, tiết kiệm nước để chống hạn.

Theo Sở NN-PTNT Quảng Nam tại cuộc họp bàn các biện pháp khẩn cấp đối phó với hạn hán vào ngày 18.3 thì tình hình suy giảm nguồn nước và nhiễm mặn đã đến mức nghiêm trọng. Theo dự báo lượng mưa phổ biến từ tháng 3-5 thấp, do đó không có khả năng cải thiện lượng nước bổ sung phục vụ sản xuất. Quảng Nam hiện có 73 hồ chứa nước phục vụ cho khoảng 21.450 ha/vụ, tuy nhiên do lượng nước đến hồ thấp và phải thường xuyên mở nước lớn để phục vụ sản xuất nên làm suy giảm nhanh mực nước tại các hồ chứa. Đến nay đa số các hồ chứa đều có mực nước thấp hơn mực nước cùng kỳ năm 2012. Ngoài ra, hầu hết các đập dâng ở khu vực miền núi có nguy cơ suy giảm dòng chảy cơ bản dẫn đến không đảm bảo nguồn nước tưới vào vụ hè thu. Trong khi đó, mặn trên các sông Vu Gia, Thu Bồn, Vĩnh Điện… diễn ra sớm, nồng độ cao và xâm nhập sâu vào nội địa từ đầu tháng 1, có lúc nồng độ mặn đến 6,2/1.000 (trong khi nồng độ cho phép là <0,8/1.000) khiến trạm bơm phải dừng hoạt động. Nếu tình trạng khô hạn kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến 11.000ha cây trồng vụ hè thu. Bên cạnh đó, để đảm bảo nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp vùng hạ du, từ đầu tháng 12.2013, Sở NN-PTNT Quảng Nam đã họp với các nhà máy thủy điện A Vương, Đăk Mi 4, Sông Tranh 2 và thống nhất vận hành phù hợp với nhu cầu.

Khẩn cấp chống hạn

Nhận định thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, nắng kéo dài dẫn đến khô hạn, từ cuối tháng 2, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành chỉ thị tăng cường chống hạn, yêu cầu các địa phương và ban, ngành đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo đơn vị quản lý vận hành trạm bơm có nguồn nước thường bị nhiễm mặn phải thường xuyên quan trắc độ mặn để thực hiện vận hành máy. Tuyệt đối không được vận hành bơm nước có nồng độ mặn vượt quá mức cho phép (từ >0.8/1.000) vào đồng ruộng. Sở NN-PTNT Quảng Nam cũng đã triển khai các biện pháp phi công trình chống hạn như: vận động người dân nạo vét kênh mương, tưới tiết kiệm… và các biện pháp công trình: lắp đặt, tăng cường trạm bơm; nạo vét, khai thông dòng chảy trên các sông Vu Gia, Thu Bồn, Vĩnh Điện… Ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng NN-PTNT H.Điện Bàn cho biết, để phòng chống hạn, ngành nông nghiệp đã khẩn trương đắp đập trên sông Vĩnh Điện với mức đầu tư 1,5 tỉ đồng để ngăn mặn. Dự kiến hôm nay (20.3) sẽ hợp long con đập này. Còn theo ông Phan Đức Tính, Phó chủ tịch UBND H.Đại Lộc, để ứng phó với hạn hán, việc cần làm ngay là nạo vét sông Vu Gia đoạn từ ngã 3 sông Quảng Huế đến cầu Ái Nghĩa. Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam đề nghị các hồ chứa, các địa phương quản lí chặt nguồn nước, tiết kiệm thiết thực. Theo ông Quang, từ nay đến lũ tiểu mãn (khoảng giữa tháng 5) các thủy điện phải giữ nước để khi không có lũ tiểu mãn thì có nước dùng, khi nào hạ du cần thì thủy điện phải xả nước. Ngoài ra, để kịp thời ứng phó khi hạn hán nghiêm trọng xảy ra, ông Quang còn yêu cầu các địa phương chuẩn bị trước máy bơm để đến tháng 7-8, trong trường hợp hồ chứa không có nước là có sử dụng ngay.

Hoàng Sơn

>> Hạn hán, xâm nhập mặn làm thiệt hại 5.928 ha lúa
>> Điêu đứng vì hạn hán
>> Giúp dân vùng hạn hán
>> Đà Nẵng lo hạn hán và nhiễm mặn
>> Hạn hán giữa mùa mưa 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.