Đội đặc nhiệm 'chống'... ăn xin

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
18/10/2019 08:12 GMT+7

Bất kể sớm khuya hay mưa nắng, chỉ cần nhận được thông tin, họ sẽ lập tức lên đường. Tổ 550 không khác gì đội đặc nhiệm ngăn chặn người lang thang ăn xin, góp phần làm nên thương hiệu “5 không” của Đà Nẵng.


Mật phục “cái bang”

Cuộc nói chuyện của chúng tôi với anh Võ Nguyên Hùng thi thoảng lại gián đoạn bởi những cuộc gọi về đường dây nóng báo tin. Anh Hùng là người phụ trách Tổ xử lý thông tin người lang thang ăn xin (Tổ 550) thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.Đà Nẵng. Anh nhanh chóng điều phối anh em, người cầm tập giấy, người khởi động xe… lên đường. Không khí khẩn trương chẳng khác gì lực lượng “trực chiến”. Họ nhanh chóng báo tin cho các lực lượng khác ở địa bàn phối hợp, mặt khác di chuyển tới hiện trường để xử lý. “Nhiều năm trong nghề “gom” người ăn xin, anh em đã quen với tác phong… gọi đâu có đó”, anh mở đầu câu chuyện.

Những trường hợp lang thang xin ăn biến tướng được đội đặc nhiệm ghi hình lại để “đấu tranh”

Ảnh: S.X
Không như một số địa phương khác, người ăn xin tại Đà Nẵng thường không dám công khai bởi những quy định cụ thể trong chương trình “5 không”, trong đó không có người tâm thần, lang thang xin ăn. Một khi xuống đường làm “cái bang”, có lẽ họ sợ chạm mặt nhất chính là đội đặc nhiệm 550. Với chức năng được TP giao, lực lượng có thẩm quyền “gom” người ăn xin về Trung tâm bảo trợ xã hội TP để quản lý và đưa ra các biện pháp để tránh tái diễn. Anh Lê Mạnh Thiên, thành viên Tổ 550, cho hay có đến 9/10 người ăn xin khi bị xử lý đều cho rằng mình không đi xin và đưa ra 1.001 lý do để né tránh. Nhưng họ không biết rằng, một khi xử lý, đội đặc nhiệm đã nắm chắc chứng cứ trong tay.
“Hầu như những người ăn xin đều thuộc dạng biến tướng. Dạng này có nhiều chiêu trò để đối phó”, anh Thiên kể. Nhiều trường hợp khi phát hiện ăn xin trá hình đã chống chế rằng họ đang… bán kẹo, tăm bông. “Chỉ đến khi chúng tôi đưa ra những thước phim nhờ mật phục mà có, trong đó quay cảnh họ bán đồ nhưng xin thêm tiền thì họ mới chấp hành”, anh Thiên tiếp lời. Với những người khuyết tật bán hàng rong “kết hợp” ăn xin, Tổ 550 vừa xử lý người trực tiếp xin tiền vừa dày công theo dõi để tìm cho được kẻ chăn dắt. “Có lần chúng tôi xử lý một trường hợp ăn xin tại chợ Hàn thì kẻ chăn dắt “có tật giật mình” tháo chạy, bỏ luôn người đi xin lại hiện trường. Nhưng người này không ngờ chúng tôi đã đón lõng vì đã theo dõi trong 2 ngày liền”, anh Hùng góp chuyện.
Khó khăn nhất có lẽ là xử lý nhà sư giả danh khất thực. Mỗi năm, đội xử lý vài trường hợp như thế và lần nào cũng phải phối hợp với rất nhiều ngành. Anh Nguyễn Phú Minh Trí, thành viên Tổ 550 tại Q.Hải Châu, kể cách đây không lâu, khi đang “tuần tra” thì phát hiện 2 phụ nữ mặc áo nhà chùa đang trên đường khất thực. Anh liền rút máy ra quay, cùng lúc báo tin cho các ngành liên quan. Khi được mời về làm việc, 2 phụ nữ thú nhận vì muốn có tiền tiêu xài nên khoác lên bộ đồ tu hành để đi xin. Ngày 24.6, qua theo dõi, tổ đã xử lý 2 phụ nữ giả danh nhà tu hành xin được hơn 4 triệu đồng chỉ trong vài giờ. Trong đó người tên N.T.P đã vi phạm lần 2...
Đội đặc nhiệm “chống”... ăn xin

Đội “đặc nhiệm” làm việc với 2 phụ nữ giả danh tu sĩ đi khất thực

Ảnh: S.X

Hiểm nguy chực chờ

Khó xử lý người nước ngoài xin tiền

Theo phản ánh của Tổ 550, thời gian gần đây trên địa bàn TP.Đà Nẵng xuất hiện người nước ngoài đến xin tiền với hình thức đi bán đồ lưu niệm. Họ thường nhờ người dân ghi bằng tiếng Việt rồi tìm đến các quán xá, khu chợ... để vừa bán hàng vừa xin tiền. “Xử lý tình trạng này là cả một vấn đề. Ngay người nước ngoài bị tâm thần lang thang cũng rất phức tạp. Sở sẽ tham mưu UBND TP có điều chỉnh nhằm xử lý tốt hơn”, bà Phan Thị Thúy Linh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng, nói.
Đà Nẵng không chỉ xử lý những người ăn xin để xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị, mà còn lo “gom” những người tâm thần, người lang thang… Đội đặc nhiệm 550 được trang bị xe chuyên dụng, đường dây nóng, máy quay phim và găng tay, mũ nón… Nhưng nhiều khi, đồ bảo hộ cũng không thể bảo vệ được khi các anh đối diện với người tâm thần đang lên cơn.
Chỉ chúng tôi xem vết cắn vẫn còn hằn trên người, anh Võ Nguyên Hùng cho biết đó là dấu răng của người phụ nữ tên N. (trú tại Q.Ngũ Hành Sơn) gây ra khi anh cố gắng tiếp cận để đưa vào bệnh viện. “Hôm đó, chúng tôi nhận được cuộc gọi báo N. quậy phá, lấy ly thủy tinh vỡ đe dọa người khác. Biết không thể xử lý nhanh nên Tổ 550 đã dẫn dụ N. từ đường Điện Biên Phủ vào con hẻm cụt trên đường Nguyễn Chí Thanh rồi tìm cách đưa N. lên xe”, anh Hùng nhớ lại.
Bị người tâm thần xô xát, cấu xé, với anh em đặc nhiệm 550 là chuyện “cơm bữa”. Có lần anh Thiên đang chăm chú ghi hồ sơ, xung quanh là lực lượng công an bảo vệ, thế mà một phụ nữ tâm thần vẫn thoát ra được và bất thần “xáng” anh một bạt tai như trời giáng. Nhiều trường hợp chửi rủa cán bộ vẫn chưa thỏa mãn còn lao vào xô xát, nhổ nước bọt… Gần 10 năm trong đội đặc nhiệm, anh Thiên chứng kiến không biết bao nhiêu tình huống nguy hiểm xảy ra với đồng nghiệp. Chuyện bà N., bà S., bà Tr. vào bệnh viện một thời gian rồi về lại và gây rối trở nên quen thuộc. Cứ thế, đội đặc nhiệm lại phải vào cuộc xử lý.
“Ngoài những bệnh nhân tâm thần hung hãn, công việc chúng tôi cũng thường tiếp xúc với những đối tượng mắc các bệnh xã hội. Mới đây, chúng tôi tiếp nhận và xử lý 2 phụ nữ đến từ địa phương khác đang ngủ gầm cầu. Khi được chăm sóc sức khỏe, các bác sĩ cho biết họ bị nhiễm HIV”, anh Thiên kể. Dù chủ động bảo vệ mình, nhưng các anh thú thật là khó lường hết bất trắc. Nhưng không thể bỏ mặc. Nhiều trường hợp không nhà cửa, đi lang thang rồi nằm vạ vật và nồng nặc mùi rượu, nếu Tổ 550 không tiếp cận hỗ trợ có khi họ đã bỏ mạng dọc đường…

“Giúp họ có một mái ấm là vui rồi…”

Khoảng 400 cuộc gọi nối máy đến đội đặc nhiệm 550 tính từ đầu năm đến nay. Sau khi “lọc” tin hoang báo, đội xử lý gần 140 trường hợp. Một khối lượng công việc quá tải với nhân lực vỏn vẹn 6 người, lại kiêm nhiệm. Có nhiều hôm các anh không ngủ để xử lý vụ việc phụ, sáng ra lại đến cơ quan làm công việc chính. “Công việc chúng tôi đang làm cũng nhạy cảm vì động đến lòng trắc ẩn của nhiều người. Người không hiểu lại hỏi: “Họ đã nghèo khổ vậy rồi, các anh gom họ làm gì?”. Lắm lúc cũng rơi vào tình cảnh khó xử. Nhưng “thương hiệu 5 không” đã làm nên Đà Nẵng như hôm nay, có khó xử chúng tôi cũng phải làm đến nơi đến chốn vì TP không người ăn xin”, anh Trí chia sẻ.
Bà Phan Thị Thúy Linh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.Đà Nẵng, nhìn nhận những đóng góp thầm lặng của đội đặc nhiệm 550 để góp phần làm nên thành công của chương trình “5 không” nhiều năm qua. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, việc hỗ trợ cho Tổ 550 lại… tạm dừng, hiện Sở đang xin chủ trương để trình HĐND TP thông qua nghị quyết nhằm hỗ trợ cho tổ. “Theo quy định phải xin ý kiến đến 3 bộ do vướng luật Ngân sách. Tuy nhiên, Sở sẽ nghiên cứu cách hỗ trợ. Tổ 550 là một trong những điểm nhấn của TP, cần phải duy trì để tiếp tục thực hiện tốt hơn chủ trương “5 không”. Chúng tôi sẽ “rà” lại quy chế để tổ phối hợp với các địa phương, các ngành xử lý tốt hơn”, bà Linh nói.
***
Với những thành viên “đặc nhiệm”, họ chỉ có một mục tiêu lớn phía trước. Anh Lê Mạnh Thiên quan niệm rằng, “gom” người ăn xin, lang thang vào Trung tâm bảo trợ xã hội TP là giúp những con người vốn bất hạnh trong cuộc sống có được quãng đời còn lại an yên hơn. “Nhiều năm trong tổ, tôi chứng kiến không biết bao cảnh đời. Nhìn họ mà ứa nước mắt. Trừ những trường hợp có người thân nhận về, còn lại chúng tôi đều vận động họ ở lại để được chăm sóc. Công việc dù gặp nhiều khó khăn, bất trắc nhưng giúp họ có một mái ấm là vui rồi!”, anh tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.