Đổi mới cách học môn sử

24/04/2022 07:06 GMT+7

Bắt nguồn từ lo ngại học sinh ít chọn môn sử trong 5/9 môn thuộc chương trình giáo dục phổ thông 2018 (ngoài các môn bắt buộc) ở cấp THPT, nhiều tranh luận diễn ra quanh vấn đề: Môn lịch sử có bị 'xóa sổ'?.

Các chuyên gia giáo dục chỉ ra rằng ngành nghề liên quan đến lịch sử có ít trong xã hội. Một thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy có khoảng 9 - 10% thí sinh dự thi ĐH khối C trong tổng số nguyện vọng xét tuyển ĐH theo nhiều tổ hợp khác nhau. Trong đó, các ngành sư phạm lịch sử, khoa học lịch sử có rất ít học sinh (HS) lựa chọn. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng chương trình và sách giáo khoa lịch sử đã có nhiều cải tiến song vẫn còn khá nặng về sự kiện và số liệu. Đề thi tốt nghiệp THPT môn sử vẫn còn thiên về sự kiện, chi tiết đòi hỏi HS phải nhớ nhiều, trong khi HS rất ngại học thuộc lòng. Kết quả thi tốt nghiệp THPT cho thấy lịch sử luôn là môn có điểm thi thấp nhất trong các môn thi.

Việc học và kiểm tra môn lịch sử ở các trường phổ thông rất đa dạng như cho học sinh làm bài thu hoạch, trải nghiệm thực tế, thực hiện các dự án về lịch sử...

CLB LQĐ

Làm cho môn sử “dễ nhớ, khó quên”

Những vấn đề nêu trên bị một số ý kiến có phần gay gắt cho rằng, vậy nên chăng “xóa sổ” môn lịch sử? Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở cấp THPT, ngoài các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh lựa chọn 5 trong 9 môn gồm: lý, hóa, sinh, sử, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật, công nghệ, tin học, nghệ thuật. Nhiều giáo viên tỏ ra lo lắng trước viễn cảnh ít HS chọn môn sử. Tuy không loại trừ khả năng có thể xảy ra tình huống này, nhưng không thể nói “xóa sổ” môn lịch sử. Bạn đọc (BĐ) Thuyet Pham chia sẻ: “Tôi học sử từ nhỏ đến lớn, ra làm thầy giáo, nay về hưu, tôi vẫn còn thấy thiếu hiểu biết quá nhiều những điều thông thường nhất về lịch sử nước ta và thế giới. Cha ông ta đã làm gì để dựng nước và giữ nước? Để cổ vũ cho tinh thần yêu nước chống giặc thì có cần học sử không?...”.

BĐ N.Phong cho rằng: “Môn lịch sử có bị “xóa sổ”? Không có chuyện đó đâu! Không ai dám quyết một cái “ngược hướng” thế này cả. Có chăng là nên thu gọn chương trình, loại hẳn những sự kiện nhỏ, kéo theo; chỉ đưa vào chương trình những nét chính của sự kiện lớn mang tính bước ngoặt của lịch sử. Cấp học phổ thông thì không cần chuyên sâu, chi tiết của từng sự kiện để đơn giản chương trình học và dễ nhớ, khó quên”.

“Học sử là phải học cả đời”

Đồng ý kiến với BĐ N.Phong, BĐ Phuc Truong Quang nêu: “Ngành giáo dục nên chuyển sang giáo trình dạy bằng hình ảnh, video để HS vừa học vừa giải trí như xem phim…”.

Còn theo BĐ Vo Chau: “Dân ta phải học sử ta… Học sử là phải học cả đời người chứ không phải học đến lớp 9. Nếu không biết sử, quên sử thì khi gặp những thông tin sai lệch trên mạng xã hội hiện nay và tương lai, làm sao có cơ sở để lý luận, phân tích và nhận thức được bản chất vấn đề? Không những chúng ta phải học, mà con cháu cũng phải học để các thế hệ sau này biết rằng ông cha ta đã đổ máu như thế nào để bảo vệ đất nước; nung nấu ý chí tự lực, tự cường vươn lên bảo vệ và xây dựng đất nước hùng mạnh…”.

Cho HS đi bảo tàng và truyền đạt để HS háo hức học hoặc cho các em xem nhiều tư liệu hình ảnh hơn là dạy đọc viết.

Nhu Quynh

Học lịch sử để biết ông cha ta đã bất khuất chống giặc như thế nào; học để biết lúc đó cha mẹ cơ cực thế nào để có như bây giờ.

Dieu Nguyen

BĐ Tran Minh Hoang cho biết: “Một câu “cửa miệng” dạo gần đây khi nói về vấn đề học sử là: “…Nếu mà không biết, thì tra Google”. Nhưng cần phải hiểu rằng, phụ thuộc vào máy móc, thiết bị di động không phải lúc nào, hoàn cảnh nào cũng có lợi. Rất nhiều thứ được dán nhãn “kiến thức” trên internet thực ra là những thông tin thiếu kiểm chứng, không rõ nguồn gốc và độc hại. Internet và đặc biệt là mạng xã hội là “thượng vàng, hạ cám”; thông tin tốt cũng có mà xấu cũng không ít. Do vậy, không chỉ học sử mà cần hiểu biết căn bản về các môn học khác để có thể tự mình nhận ra được sự thật. Do vậy, vấn đề ở đây không phải tranh luận “Có nên “xóa sổ” môn lịch sử hay không mà là làm gì để môn lịch sử thu hút được HS? Cần phải công nhận rằng thời gian gần đây có nhiều nhóm bạn trẻ đã làm cho những kiến thức về lịch sử trở nên sinh động, hấp dẫn bằng cách khai thác sâu và trình bày kiến thức về lịch sử thông qua hình thức diễn hoạt 3D - đồ họa, công nghệ thực tế ảo, trò chơi có bối cảnh lịch sử… thu hút rất nhiều người. Ngành giáo dục, nếu đổi mới, áp dụng những điều hấp dẫn tương tự, có thể sẽ giúp nhiều HS thích học môn lịch sử hơn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.