Nào là ban hành chương trình giáo dục; biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa mới; nào tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nào ban hành danh mục thiết bị tương ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới... cái gì cũng có văn bản mới, hướng dẫn mới, kinh phí mới…
Dư luận “nín thở” đón từng thông tin để biết con em họ sẽ được học theo nội dung mới, phương pháp mới ra sao… Qua cách truyền thông của những người làm chương trình và tác giả viết sách giáo khoa và cả cơ quan làm chính sách GD-ĐT, rất nhiều người nghĩ đổi mới lần này như một cuộc cải cách về giáo dục, học sinh sẽ được học những cái trước đây chưa từng được học, theo những cách chưa từng có ở nền giáo dục VN.
Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy. Đến nhiều cơ sở giáo dục mới thấy những mô hình mà lâu nay ngành GD-ĐT triển khai thực ra mục tiêu, tính chất không có gì khác biệt đáng kể so với mục tiêu lần đổi mới này đang hướng đến. Chỉ có điều, hết dự án, hết chương trình và quan trọng là hết nhiệm kỳ quản lý… những mô hình ấy vốn được đánh giá rất tốt, rất ưu việt… “bỗng dưng” nảy sinh rất nhiều bất cập; thậm chí bị phản đối cũng rầm rộ không kém gì việc ca tụng lúc triển khai. Điển hình là mô hình trường học mới, vài năm gần đây những thông tin kiểu như “phụ huynh kéo đến trường phản đối” hay tỉnh A, tỉnh B đang từ chỗ gần 100% trường thực hiện thì quyết định dừng lại hoàn toàn. Cùng thời điểm đó, ngành GD-ĐT công bố chương trình giáo dục phổ thông mới khiến dư luận xã hội thực sự hoang mang thở dài: “Lại một lứa học sinh bị làm chuột bạch và thí nghiệm bất thành”.
Nhưng bản chất câu chuyện không phải như vậy, cuối tháng 10 vừa qua, phóng viên Thanh Niên có dịp đến một loạt trường học ở các huyện khó khăn của một số tỉnh Tây nguyên mới thấy nếu kiên trì và không phủ nhận những cái mới khi hết dự án, hết tiền, hết nhiệm kỳ thì các thầy cô ấy, nhà trường ấy và cả địa phương ấy hoàn toàn có thể tự tin đón nhận lần "thay sách" này mà không phải hoang mang với hàng loạt câu hỏi đổi mới thế nào. Thầy Văn Đức Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, H.Bảo Lâm, Lâm Đồng, nói: Nhà trường thực hiện mô hình trường học mới cách đây 5 năm, phụ huynh và học sinh nghe tin sắp tới “lại” thay đổi, họ rất lo lắng. “Sau khi nghiên cứu chương trình và qua vài đợt tập huấn tôi thấy về bản chất, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sắp tới là… y chang mô hình trường học mới đã làm nhiều năm qua. Do vậy, chúng tôi phải thường xuyên tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh nắm rõ, không phân vân”, thầy Phương nói.
Còn một vị Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Bảo Lâm thì cho rằng tâm lý ngại thay đổi của giáo viên cũng là nguyên nhân khiến mô hình dạy học mới ở một số nơi thất bại hoặc phải dừng giữa chừng.
Những hoang mang của giáo viên và phụ huynh, học sinh đang thực hiện các mô hình mới khi liên tục nhận chỉ đạo tiếp tục thay đổi là có thật. Họ cũng như xã hội có quyền mong muốn ngành GD-ĐT khi quyết định đưa vào thực hiện những mô hình giáo dục mới và nhận thấy đổi mới ấy là tích cực thì cần kiên trì và đồng hành với cơ sở giáo dục trong thực hiện.
Đổi mới giáo dục đòi hỏi một quá trình lâu dài chứ không thể theo “tuổi thọ” của một dự án hoặc nhiệm kỳ bộ trưởng hay lãnh đạo địa phương.
Bình luận (0)