Lợi dụng người dân có nhu cầu về quê ăn tết sớm trong lúc dịch ở Quảng Ninh bùng phát, nhiều đối tượng đã lập "bến cóc" ngay trước Trạm thu phí cầu Bạch Đằng, thuộc cao tốc Hạ Long - Hải Phòng. Đáng chú ý, người dân phải trả tiền vé cao gấp 2-3 lần để được lên xe vì không còn sự lựa chọn khác.
“Những người không có tiền ngồi la liệt bên vệ đường”
Sáng 4.2, ghi nhận của Thanh Niên, tại chốt phòng dịch Covid-19 ở Trạm thu phí cầu Bạch Đằng, hàng nghìn người dân chen lấn để khai báo y tế rời Quảng Ninh. Do số lượng người đăng ký đông nên lực lượng chức năng dù nhắc nhở giữ khoảng cách tối thiểu 2 m cũng không xuể. Trong khi đó, bàn khai báo lúc nào cũng quá tải, người dân phải ngồi bệt xuống đất hay tìm bất cứ chỗ nào kê được giấy để viết.
|
Đáng chú ý, ngay khi ai khai báo y tế, đo thân nhiệt xong là cả một đội quân "cò" xe khách, taxi “dù” nhao đến mời chào lên xe về quê. Theo tìm hiểu của phóng viên,xe 5 chỗ có giá 600.000 đồng/người từ cầu Bạch Đằng - Hà Nội; 400.000 đồng/người đi Thái Bình và một số tỉnh, thành ở gần.
Chị Lê Thị Thu (35 tuổi, trú tại Q.Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trong lúc dịch bùng phát, một số nơi đã cấm phương tiện vận tải công cộng đến Quảng Ninh. Chính vì vậy, người dân đành đổ về cầu Bạch Đằng để đi xe dù5 chỗ về quê.
“Đành rằng việc có xe về quê là tốt trong thời điểm dịch bùng phát như hiện nay, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác là phải chấp nhận giá “cắt cổ” để lên xe về quê. Mong chính quyền địa phương sớm dẹp nạn này”, chị Thu nói.
Ngồi thẫn thờ bên vệ đường, anh Nguyễn Quang Dũng (H.Đan Phượng, Hà Nội) nói: “Đường về quê còn xa lắm, tôi là thợ xây ra Quảng Ninh làm ăn, trong túi không còn nhiều tiền, ra đây bắt xe thì họ hét giá 1 người đi xe limousine 9 chỗ là 600.000 đồng, cao gấp 3 ngày thường”.
Ngay khi phóng viên đang tác nghiệp tại hiện trường, một cán bộ y tế phải lại gần bày tỏ bức xúc: “Các anh phải phản ánh mạnh mẽ lên chứ để họ “chặt chém” như vậy thì khổ bà con quá. Tình trạng này diễn ra nhiều ngày nay rồi. Những người không có tiền đang ngồi la liệt bên vệ đường”.
Điều đáng nói, các đối tượng lập bến cóc, dừng đỗ xe ngay giữa đường nhưng không bị các lực lượng chức năng xử lý.
“Cha chung không ai khóc?”
Ghi nhận của phóng viên tại Trạm thu phí cầu Bạch Đằng, hướng lưu thông Hải Phòng - Quảng Ninh, đã được chính quyền tỉnh Quảng Ninh bố trí 5 ô tô loại 45 chỗ để đón người dân vào địa bàn. Việc bố trí người lên xe diễn ra khá trật tự, mỗi xe chở 1/2 số ghế theo quy định để đảm bảo phòng dịch.
Anh Lê Ngọc Thanh, quảnlý Công ty TNHH Phúc Xuyên- doanh nghiệp được giao đón người dân vào từ cầu Bạch Đằng vào nội thị Quảng Ninh, cho biết trung bình mỗi ngày đơn vị thực hiện 30-40 chuyến xe đón hơn 1.000 người; với mức giá chung là 50.000 đồng.
|
Từ khi tỉnh Quảng Ninh thực hiện xe trungchuyển đã dẹp bỏ được tình trạng xe dù chặt chém, cũng như người nhà đổ xô đến cầu Bạch Đằng đón người vào nội thị, thế nhưng hướng lưu thông Hạ Long - Hải Phòng thì hoàn toàn trái ngược. Taxi dù, xe khách tranh nhau xếp chỗ đỗ giữa cao tốc, gây mất an toàn giao thông. Còn các đối tượng "cò mồi" đeo bám hành khách, thi nhau hét giá trên trời.
Ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Quảng Ninh, cho biết việc quản lý phương tiện đi vào tỉnh Quảng Ninh thì dễ dàngnhưng với chiều ngược lại không thể bố trí xe trungchuyển vì mỗi người về một nơi.
Ngay sau khi phóng viên phản ánh với chính quyền địa phương, ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND TX.Quảng Yên, cho biết lực lực lượng chức năng đã quy định mỗi xe chỉ được dừng tối đa 10 phút. Ngay trong chiều nay, địa phương sẽ kiên quyết xử lý nghiêm bến cóc trên.
|
|
|
|
|
|
Bình luận (0)