Đời sống hiện đại làm thay đổi chế độ dinh dưỡng của người Việt

26/07/2022 08:00 GMT+7

Chất lượng cuộc sống nâng cao khiến khẩu phần ăn, chế độ dinh dưỡng của người Việt có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, quỹ thời gian eo hẹp cũng làm phát sinh các vấn đề như thói quen chuộng đồ ăn sẵn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thực trạng dinh dưỡng người VN

Bộ Y tế cho biết, tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi đang giảm dần. Từ năm 2010 đến năm 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi toàn quốc giảm từ 29,3% xuống 19,6%, chuyển từ mức cao sang mức trung bình theo phân loại của WHO về vấn đề sức khỏe cộng đồng và trên đà đạt được Mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu năm 2025 về giảm suy dinh dưỡng thấp còi. Tuy nhiên, tốc độ giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi hằng năm đang chậm lại, ở mức dưới 1%/năm kể từ năm 2015. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ học đường (5 - 19 tuổi) vẫn còn ở mức 14,8% . Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi gầy còm (cân nặng/chiều cao) cũng giảm từ 7,1% xuống còn 5,2 % (năm 2020).

Tỷ lệ thừa cân, béo phì (liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn và lối sống) đang gia tăng nhanh chóng ở mọi lứa tuổi cả ở thành thị và nông thôn. Kèm theo đó là hệ lụy gia tăng các rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng và mắc các bệnh không lây nhiễm ở người trưởng thành. Tỷ lệ người trưởng thành thừa cân, béo phì là 15,6 % theo điều tra STEPS (điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm) năm 2015 và tiếp tục gia tăng. Cũng theo điều tra này, tỷ lệ người trưởng thành có tăng huyết áp là 18,9% và mắc đái tháo đường là 4,1%, có rối loạn mỡ máu là 30,2 %.

Bên cạnh đó, hiện nay, tỷ lệ thiếu vitamin A, thiếu máu ở phụ nữ tuổi sinh đẻ và trẻ dưới 5 tuổi đã có nhiều cải thiện nhưng chưa đạt được mục tiêu đặt ra về cải thiện tình trạng vi chất bà mẹ và trẻ em của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2017-2020.

Công nhân trong giờ ăn trưa

Ngọc Hân

Khẩu phần ăn của người dân

Theo Bộ Y tế, khẩu phần của người dân đã có những cải thiện tích cực về năng lượng trung bình trong khẩu phần, đạt 2.023 Kcal/ngày, tăng nhẹ so với mức năng lượng 1.925 Kcal/ngày năm 2010.

Cơ cấu năng lượng từ protein 15,8%, lipid 20,2% và glucid 64,0% (so với tổng năng lượng ăn vào), cơ cấu này được coi là cân đối theo khuyến nghị cho người VN. Mức ăn rau quả của người dân bình quân đầu người đã tăng, tuy nhiên, mức tiêu thụ rau quả ở người trưởng thành mới chỉ đạt khoảng 66,4-77,4 % so với nhu cầu khuyến nghị của VN. Trong khi đó, mức tiêu thụ thịt tăng nhanh từ 84,0 gram/người/ngày (năm 2010) lên 136,4 gram/người/ngày (năm 2020). Khu vực thành phố tiêu thụ cao hơn ở mức 155,3 gram/người/ngày. Mức tiêu thụ gạo có xu hướng giảm. Học sinh ở thành phố có xu hướng gia tăng tiêu thụ nước ngọt và thực phẩm chế biến công nghiệp.

Theo Bộ Y tế, một trong những mối quan tâm hàng đầu trong giai đoạn mới là sự khác biệt lớn về tình hình dinh dưỡng giữa các vùng, miền, nhất là giữa thành thị, vùng đồng bằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo các số liệu từ hệ thống giám sát dinh dưỡng năm 2019, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất so với trung bình cả nước. Kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020 cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng miền núi là 38% vẫn còn ở mức rất cao về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Trên toàn quốc vẫn còn 7 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trên 30% thuộc mức rất cao về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng theo phân loại của WHO năm 2018.

Thói quen ăn uống của người bận rộn

Theo “Khảo sát thị trường về nhu cầu tiêu dùng ngành ẩm thực Việt Nam” của Kantar, hơn 60% người dân ở hai đô thị lớn của nước ta có thói quen ăn ở hàng quán. Tỷ lệ này lần lượt là 60% ở Hà Nội và 63% ở TP.HCM. Phần lớn nguyên nhân đến từ việc khó có thời gian tự chuẩn bị bữa ăn tại nhà.

Chị Thu Huyền (24 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ: “Công ty tôi chỉ được nghỉ trưa tầm 1 tiếng nên rất khó để về nhà nấu ăn. Tôi và các đồng nghiệp thường gọi cơm phần bên ngoài, hôm nào mải làm quên đặt cơm thì chỉ còn cách ra cửa hàng tiện lợi mua gì đó ăn cho qua bữa”. Đồng quan điểm, Tuấn Anh (22 tuổi, nhân viên ngân hàng) cho biết: “Buổi sáng mình thường có rất ít thời gian để ăn sáng. Hôm nào dậy trễ thì chỉ uống vội một hộp sữa, ăn mì gói hoặc pha một ly protein để có năng lượng cho một ngày hoạt động”.

Dưới áp lực của công việc và nhịp sống gấp gáp ở đô thị, việc duy trì được 3 bữa ăn mỗi ngày và xa hơn là nấu ăn tại nhà đang dần trở nên khó khăn với nhiều người. Đây là lúc “bài toán” về những bữa ăn nhanh gọn nhưng vẫn hợp vệ sinh và đầy đủ dinh dưỡng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chiến lược đảm bảo an toàn thực phẩm

Mặc dù các cơ quan quản lý Nhà nước từ T.Ư đến địa phương đã dùng nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), tuy nhiên, thực tế thực phẩm chưa sạch vẫn len lỏi vào bàn ăn, vẫn còn xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Đâu đó vẫn còn tình trạng kháng sinh tồn dư vượt ngưỡng, chất cấm vẫn có trong thịt, rau củ quả, thủy hải sản.

Ngày 4.1.2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 20 phê duyệt Chiến lược quốc gia về ATTP giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030. Theo đó, tỷ lệ cơ sở sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm quy mô tập trung áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng ATTP, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về ATTP ngày càng được chú trọng... Mục tiêu cải thiện rõ rệt tình trạng bảo đảm ATTP của các cơ sở kinh doanh thực phẩm cũng đặt lên hàng đầu. Theo chiến lược này, đến năm 2030, công tác ATTP được quản lý một cách chủ động, có hiệu quả dựa trên các bằng chứng và thực hiện kiểm soát theo chuỗi; 100% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người quản lý và người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP; 100% cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm đạt điều kiện ATTP…

Ảnh

Nhằm mang đến cái nhìn khách quan và đa chiều về tình trạng ATTP và dinh dưỡng trong giai đoạn hiện nay, Báo Thanh Niên cùng Công ty CP Acecook Việt Nam sẽ tổ chức buổi tọa đàm “Chọn thực phẩm an toàn và cân bằng dinh dưỡng cho người bận rộn” vào lúc 9g00 ngày 29.7.2022.

Chương trình có sự tham gia của các khách mời và chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng: PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM; TS Phan Thế Đồng, Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM; TS-BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam.

Buổi tọa đàm được phát sóng trực tiếp trên Thanh Niên Online, Fanpage, Youtube và Tiktok Báo Thanh Niên. Mời bạn đọc đón xem và gửi câu hỏi đến các chuyên gia của chương trình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.