Ấm áp những nụ cười Giao Thạnh

Thúy Hằng
Thúy Hằng
06/10/2019 10:35 GMT+7

Nụ cười của cụ bà sống đơn thân trong gian nhà lá; của em thơ khi nhận gạo, mì; của các bà, các chị được cắt tóc miễn phí... ở xã Giao Thạnh, H. Thạnh Phú , Bến Tre đều đọng lại trong chúng tôi những cảm xúc khó tả.

Ngày 4.10, Công đoàn Báo Thanh Niên đã tổ chức chương trình từ thiện tại xã Giao Thạnh, H.Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Chương trình nằm trong kế hoạch hoạt động của Công đoàn Báo Thanh Niên.
Xuất phát từ sớm, trưa 4.10, đoàn trao quà từ thiện của Công đoàn Báo Thanh Niên đã có mặt ở UBND xã Giao Thạnh cùng vận chuyển gạo, đồ tiêu dùng mang tặng bà con. Rất đông bà con đã đứng chờ háo hức từ sớm. Nghe đến tên mình được bước lên nhận tiền, gạo và quà, nhiều cụ bà run run xúc động. Đoàn còn chia nhau chở hàng hóa lên xe máy, di chuyển vào tận các ấp, đến tận nơi thăm hỏi 5 hộ nghèo nhất xã, là người tàn tật, già yếu neo đơn, không có khả năng di chuyển.

Đoàn Báo Thanh Niên đến thăm hỏi và trao quà cho bà con

Ảnh: Ngọc Dương

“Nói lớn lên con”

Xã Giao Thạnh đặc thù là một xã sát biển, nhiều hộ nghèo. Trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều gia đìnhhoàn cảnh khó khăn đã không ngừng nỗ lực để thoát nghèo trong những năm qua. Chúng tôi luôn hy vọng với sự quan tâm của các cấp, ngành, các đơn vị, mạnh thường quân, bà con sẽ được chia sẻ, đồng hành để có một cuộc sống tốt đẹp hơn

Ông Huỳnh Văn Thép, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Giao Thạnh

Trong gian nhà lợp lá liêu xiêu giữa cánh đồng, nền nhà chỉ được đổ cát, cụ Phạm Thị Sen, 89 tuổi, ngồi trên chiếc võng giữa nhà, đôi chân trần đặt trên một viên gạch vỡ. Nhận tiền mặt và quà bánh của đoàn, cụ nói lớn: “Bà tên Sen, sang năm là 90 tuổi rồi. Con nói lớn lên con, bà lãng tai rồi, không nghe được...”. Cả hai vợ chồng cụ Sen đều tham gia kháng chiến chống Mỹ, không có con cái, chỉ có một người con nuôi đang đi mưu sinh ở xứ người. Chồng cụ Sen lại mới qua đời, nên trong căn nhà mái lá đơn sơ, chỉ còn mình cụ, thi thoảng bà con lại chạy sang thăm hỏi. Tiễn chúng tôi, cụ Sen cười, còn nắm tay rất chặt “cảm ơn các con nhiều nghen”.
Chúng tôi nhói lòng khi bước vào gian nhà gạch cũ kỹ, còn chưa trát vữa nằm sâu trong một ngõ chợ của cụ bà Huỳnh Thị Lan,
84 tuổi, bị liệt chân. Chồng mất, có một cô con gái nhưng không mấy minh mẫn đang mưu sinh với nghề bán vé số, cụ Lan nương tựa vào cô cháu gái tên Đỗ Trà My, 16 tuổi, nhưng 3 năm qua chưa học xong lớp 8 bởi hoàn cảnh khó khăn, học ít bữa lại đi bán vé số cùng mẹ. Cách đó không xa, trong gian nhà lá khác ở xã Giao Thạnh, chúng tôi thăm cụ Lê Thị Tống, 92 tuổi, không chồng không con, nằm liệt trên giường 2 năm nay, mọi sinh hoạt nhờ vào người cháu dâu. Tuổi cao sức yếu, nhưng cụ Tống vẫn nói chuyện rất minh mẫn, cụ cười móm mém cảm ơn chúng tôi mãi vì đã ghé tận nơi đây thăm cụ…
Ấm áp những nụ cười Giao Thạnh

Các bạn trẻ cắt tóc cho người dân ở xã Giao Thạnh

Ảnh: Thúy Hằng

Hạnh phúc với mái tóc mới

Chương trình từ thiện của Công đoàn Báo Thanh Niên tại xã Giao Thạnh, H.Thạnh Phú, Bến Tre đã trao cho 56 hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn trong xã tổng số tiền là 35.500.000 đồng (từ Quỹ Từ Tâm của Công đoàn Báo Thanh Niên) cùng 7 triệu đồng ủng hộ của các cá nhân (phóng viên Dạ Ly, Ban Văn nghệ; anh Nguyễn Thanh Phương, công tác tại Ngân hàng Nam Á Bank).
Chương trình xin gửi lời cảm ơn đến các đơn vị hỗ trợ, đồng hành: Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan, Công ty gạo hữu cơ VietSuisse, Công ty TNHH xe khách Minh Tâm (nhà xe Minh Tâm), Salon Amida Hair.

Đồng hành chúng tôi trong chuyến thiện nguyện lần này là nhóm các bạn trẻ của Salon Amida Hair (đường Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM), các bạn đã cắt tóc miễn phí cho bà con vùng quê. Phía trước hội trường UBND xã Giao Thạnh trong phút chốc đã có rất nhiều bà con chờ đợi để được sửa sang mái tóc mới, có người vài năm nay chưa biết cắt tóc là gì.
Chị Hbcan Ayũn, 23 tuổi, quê ở Đắk Lắk, theo chồng về Bến Tre 3 năm ngại ngùng nói với cô bé Đặng Thị Hồng Nga, thợ cắt tóc: “Gần 2 năm nay rồi chị không dám đi cắt tóc, tiếc 25.000 đồng...”. Chồng làm thuê mướn, chị chỉ ở nhà chăm chồng, nuôi 2 con dê, nên chi tiêu gì cũng phải tính toán từng chút một.
Ngồi kế là chị dâu của Hbcan Ayũn tên là Hai cũng già dặn hơn tuổi 30 của mình. Cười rạng rỡ khi mái tóc dài, khét nắng sau mấy phút gọn gàng hơn, chị cứ cảm ơn mãi. Bạn Lê Vĩnh Thái, 19 tuổi và Nguyễn Thị Quỳnh Phương, 23 tuổi, chia sẻ: “Hôm nay em rất vui vì đã giúp được nhiều cô bác có mái tóc ưng ý. Giá như thời gian ở đây lâu hơn, em sẽ cắt tóc được cho nhiều người hơn. Sau này khi nào có chương trình, các chị nhớ cho tụi em cùng tham gia nhe”.

Đi thật xa để yêu thương nhiều hơn

Nhà báo Lâm Hiếu Dũng, Ủy viên Ban Biên tập, Tổng thư ký tòa soạn, Chủ tịch Công đoàn Báo Thanh Niên cho biết bản thân rất xúc động khi gặp những mảnh đời còn nhiều cơ cực ở xã Giao Thạnh. Ông hy vọng, những phần tiền, món quà mà Công đoàn Báo Thanh Niên cũng như các mạnh thường quân trao hôm nay sẽ chia sẻ được phần nào với khó khăn của bà con.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Thép, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Giao Thạnh, cho biết: “Chúng tôi rất cảm kích tấm lòng của Công đoàn Báo Thanh Niên và các mạnh thường quân đã luôn hướng về cộng đồng. Xã Giao Thạnh đặc thù là một xã sát biển, nhiều hộ nghèo. Trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã không ngừng nỗ lực để thoát nghèo trong những năm qua. Chúng tôi luôn hy vọng với sự quan tâm của các cấp, ngành, các đơn vị, mạnh thường quân, bà con sẽ được chia sẻ, đồng hành để có một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Trên chuyến xe trở về TP.HCM, Lê Vĩnh Thái, 19 tuổi, người trẻ nhất trong chuyến đi của chúng tôi, nói với người bạn cắt tóc tên Phương: “Đi xa mới thấy quanh chúng ta còn nhiều người nghèo khó. Mình sẽ tiếp tục đến cắt tóc miễn phí cho bà con những vùng quê khác”.
Thái nói đúng, đi thật xa, để hiểu rằng yêu thương vẫn còn, mỗi người dù nhỏ bé đến đâu cũng có cách giúp cho cuộc đời đẹp hơn…
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.