Duyên nợ từ những buổi diễn văn nghệ
Ông Hoàng Thọ (sinh năm 1966, ở TP.Bến Tre) nối nghiệp quán đá đậu của người anh sau khi đi nghĩa vụ trở về. Thời điểm cuối những năm 80, ngoài việc bán đá đậu thì ông còn là một thợ sơn, sửa xe. Nhưng vì đam mê âm nhạc và biết chơi đàn từ khi còn rất nhỏ nên khi bạn bè đi chơi nhạc tại các tụ điểm thì ông thường đi cùng. Trong một lần hội diễn tại trường Cao đẳng Bến Tre, ông Thọ gặp được người bạn đời của mình.
|
Từ tiếng đàn guitar của ông, bà Kim Oanh (sinh năm 1966, ở H.Ba Tri, Bến Tre) đã đem lòng cảm mến với một người đàn ông tài hoa và lãng tử. "Tôi vốn là người rất yêu âm nhạc nên khi thấy anh Hoàng Thọ ôm đàn guitar với ngón đàn rất truyền cảm đã làm cho tôi có cảm tình từ khoảnh khắc đó", bà Kim Oanh chia sẻ.
Trong cuộc thi văn nghệ giữa bảy huyện thị ở nhà văn hóa thị xã Bến Tre năm 1989, bà Kim Oanh cũng tham gia. Đêm đó, ông Thọ đến xem và chờ trước cổng để đưa bà Oanh về nhà. Trên đường đi, ông đã lấy hết can đảm nói lời yêu thương và được bà thuận ý.
|
Làm công tác tổ chức, phát thanh viên cho trường Cao đẳng Bến Tre nhưng vì tình yêu, bà Oanh đành gác lại công việc để về sống cùng ông Thọ khi hai người kết hôn năm 1992. "Thời đó anh Hoàng Thọ làm thợ sơn rất đắc khách. Lương của tôi thì chỉ 250.000 đồng/tháng. Anh có mẹ già đang bệnh nên nói với tôi sắp xếp công việc về phụ anh chăm sóc. Sau này mọi chuyện ổn thỏa rồi quay lại tiếp tục công việc", bà Kim Oanh nói.
Vợ chồng ông bà bắt đầu nối nghiệp của người anh với món đá đậu, món ăn quen thuộc của người miền Tây.
|
Ngoài biết chơi guitar, ông Hoàng Thọ còn biết chơi cả organ và trống. Để có thêm thu nhập nuôi sống cho gia đình trong những ngày đầu khó khăn, ông không ngại đi về các vùng nông thôn để chơi nhạc cho các đám cưới và sự kiện.
Vì đam mê ca hát nên khi về làm dâu, bà Oanh vẫn hay... trốn mẹ chồng để cùng chồng đi hát bolero ở các tụ điểm sinh hoạt văn hóa hàng đêm. "Nhiều đêm về bị má la rầy, tôi khóc rồi giả bộ giận hờn nên riết rồi má quen. Từ đó, má và cả gia đình đã ủng hộ vì biết niềm đam mê của tôi quá lớn", bà bồi hồi kể lại.
Từ năm 2004, đôi vợ chồng bắt đầu sinh hoạt ở khu phố văn hóa nên được thỏa niềm đam mê. Ngoài ra, bất kỳ phong trào nào của phường, của khu phố hai ông bà điều góp vui để nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết.
Món đá đậu gia truyền trong ký ức nhiều thế hệ
Hằng ngày, bà Kim Oanh dậy thật sớm để tất bật chuẩn bị nấu các loại nguyên liệu cho món đá đậu gia truyền. Còn ông thì phụ đi chợ để mua các loại nguyên liệu cũng như đi giao hàng khi có khách đặt.
"Cái khó nhất để làm nên một ly đá đậu ngon là phải nấu các loại đậu cho thật mềm, mịn. Phải chọn nguồn nguyên liệu chất lượng để hạt không bị sượng khi nấu. Mỗi loại đậu đều có thời gian nấu khác nhau nên rất cực", bà Kim Oanh nói.
Ngoài 5 loại đậu như đậu trắng, đậu ngự thì trong ly còn có cả bánh lọt, rau câu, nước cốt dừa. Khi thực khách gọi món, chủ chỉ cần bỏ các loại nguyên liệu vào ly cùng ít đá bào và rưới nước cốt dừa cũng như thêm đường cát trắng.
|
Quán phục vụ từ 9 giờ đến 20 giờ mỗi ngày. Mùa dịch Covid-19, quán ưu tiên bán cho thực khách mang về. Bên cạnh đó, nhiều thế hệ khách hàng có dịp đi ngang điều ghé quán thưởng thức một ly đá đậu và nhắc chuyện ngày xưa cùng ông bà.
"Nhiều lúc chúng tôi cũng lung lay khi có người đến xin thuê mặt bằng với giá khá cao. Nhưng nghĩ lại tôi và Kim Oanh vẫn còn sức khỏe nên cứ tiếp tục công việc để giữ lại món đá đậu của anh tôi. Sau thời gian rảnh rỗi thì cùng nhau ca hát để thỏa niềm yêu thích của hai vợ chồng", ông Thọ chia sẻ.
Từ những thăng trầm từ trong quá khứ đôi vợ chồng giờ rất hạnh phúc với những gì đã lựa chọn. Đứa con gái mà ông bà nuôi nấng suốt bao năm ròng cũng vừa tốt nghiệp cử nhân, thật sự đúng là quả ngọt dành tặng cho hai người.
Bình luận (0)