Dòng tin nhắn cuối cùng
Chúng tôi ghé thăm nhà chị Đặng Thị Thuận (40 tuổi, quê Tiền Giang) tại con hẻm nhỏ trên đường Vũ Tùng, Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Vừa dừng xe phía trước, tiếng chuông, tiếng mõ tụng kinh theo từng nhịp vọng ra từ trong nhà, nghe thật xót xa.
“Ba làm gì vậy? Ba khỏe chưa? Bác sĩ có cho ba uống thuốc gì không?...”, những tin nhắn được em Hạ Chí Trung (8 tuổi) nhắn cho ba là anh Hạ Chí Hùng (50 tuổi) khi anh đang nằm điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Tin nhắn được Trung gửi cho ba lúc 14 giờ 58 ngày 13.8, không ai ngờ rằng đó là dòng tin nhắn cuối cùng con trai hỏi thăm ba mà không bao giờ nhận được hồi đáp.
Trước dịch, chị Thuận làm công cho mấy sạp tạp hóa, 3 tháng nay thất nghiệp ở nhà trông con. Chị Thuận bây giờ vừa làm mẹ, vừa gánh trọng trách của một người cha để bảo bọc, vun vén cho tương lai của 2 đứa con là Hạ Chí Trung và Hạ Thị Bích Vân (18 tuổi). Trong căn nhà 1 trệt, 1 lầu có bề ngang rộng chừng 2,5 m, chiều dài chừng 10 m, là nơi trú ngụ của 10 thành viên trong gia đình 3 thế hệ. Vợ chồng, con cái chị Thuận sống cùng ba mẹ chồng và gia đình em dâu.
|
Ngày anh Hùng nhập viện, chị và 2 con dù rất lo lắng nhưng vẫn tin anh rồi sẽ bình an trở về. Tuy nhiên, chỉ sau 12 giờ, dịch Covid-19 quái ác đã cướp mất cơ hội sống của anh. Chị Thuận gạt nước mắt tâm sự, gần 1 giờ sáng ngày 13.8, anh Hùng ho ra máu. Thấy anh ho càng lúc càng nhiều, quá sốt ruột nên chị phải gọi ngay cho y tế xuống đưa đi bệnh viện. Do cả nhà ai cũng đang nhiễm Covid-19 nên không thể đưa anh đi. Hôm đó, anh Hùng đang ở ngày thứ 4 của bệnh. Ở nhà, chị Thuận chỉ biết cầu nguyện cho anh tai qua nạn khỏi.
“Khoảng 9 giờ ngày 13.8, tôi gọi điện thoại, qua màn hình thấy ảnh vẫn còn tươi tỉnh, bảo khỏe rồi, ở nhà đừng có lo gì hết. Vậy mà chiều hôm đó, Trung nhắn tin hỏi ba khỏe chưa thì ảnh không trả lời”, giọng chị Thuận run run: “Tới chừng 3 giờ chiều, công an xuống báo tin ảnh mới mất hồi 1 giờ chiều, tui lùng bùng lỗ tai, 2 chân đứng không vững. Tui không tin, liền kêu con lấy điện thoại gọi cho ba nhanh lên, nhưng chỉ nhận được tiếng tút tút một hồi dài”. Vậy là không hy vọng gì nữa, chị Thuận ôm 2 con nhỏ vào lòng khóc nấc!
Cách đây 3 tháng, hàng xóm quen với hình ảnh anh Hùng ngày ngày bám nghề chạy xe ôm công nghệ, mỗi buổi sáng trên đường đi làm, anh tranh thủ đưa Trung và Vân đến trường. Cũng vì vậy, 2 đứa nhỏ quấn quýt ba hơn. Chị Thuận kể hồi chưa có dịch, thu nhập của 2 vợ chồng chị hằng tháng tính ra cũng hơn 10 triệu. Ở chung với mẹ chồng và em dâu, mỗi tháng chị Thuận góp tiền điện, nước chừng 700.000 đồng. Mỗi tháng sau khi trừ ra các khoản chi tiêu sinh hoạt, tiền dành dụm cũng đủ trang trải việc học cho các con.
Khi ba mất, Bích Vân là chị lớn nên lúc nào cũng tỏ ra mạnh mẽ, nhưng sâu thẳm trong lòng là nỗi đau đến tột cùng. Chí Trung hay òa khóc nức nở vì nhớ ba. Trước mất mát quá lớn, chị Thuận cố nén nỗi lòng và nước mắt để an ủi con thơ. “Sắp tới chị định làm việc gì?”. Chị Thuận thở dài, nhìn xa xăm: “Tiếp tục công việc cũ. Hoặc ai thuê gì làm đó”. Khi nỗi đau còn chưa vơi, chị Thuận nhận được tin con gái đậu đại học. Chị càng lo lắng hơn với chuỗi ngày dài ăn học phía trước của các con. Nghe những lời tâm sự của Bích Vân mà trào lên nỗi xót xa: “Ba mất, em buồn lắm. Giờ ngày ngày sống trong tình cảm và sự động viên của mẹ và cô chú. Mai mốt khi vào đại học, em sẽ đi làm thêm kiếm tiền trang trải phụ mẹ”.
|
“Mẹ ơi, mẹ đâu rồi”
Nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Phan Văn Trị, P.10 (Q.Gò Vấp, TP.HCM) là nhà Nguyễn Hoàng Phương Anh (9 tuổi), Nguyễn Hoàng Bảo Anh (4 tuổi) và Nguyễn Hoàng Anh (2 tuổi). Chỉ trong 12 ngày, 3 chị em Phương Anh mất cả ông bà nội và mẹ. Căn nhà 3 thế hệ chợt tắt tiếng cười. Những đứa con thơ nhớ mẹ cứ thổn thức: “Mẹ ơi, mẹ đâu rồi” khiến cả nhà lặng đi. Anh Nguyễn Quốc Hoàng, ba của 3 đứa bé, chưa thể nguôi ngoai nỗi đau này.
- Quý nhà hảo tâm có nhã ý chung tay cùng Chương trình bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 của Báo Thanh Niên, vui lòng gửi thông tin trao đổi về việc nhận bảo trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 về email: baotrotremocoi@thanhnien.vn hoặc liên hệ số điện thoại: 0933044866 (gặp nhà báo Trần Thanh Bình, Ban Công tác bạn đọc). Trên cơ sở khảo sát tìm hiểu và thiết lập hồ sơ từng em mồ côi do đại dịch Covid-19 có hoàn cảnh sống khó khăn, đôi bên sẽ cùng tham gia ký bản thỏa thuận bảo trợ và lên phương án giúp đỡ cụ thể cho từng hoàn cảnh với mức bảo trợ theo từng giai đoạn.
- Quý nhà hảo tâm có nhã ý tham gia việc bảo trợ các em theo hình thức trực tiếp có thể chuyển tiền mặt đến Phòng Tài vụ Báo Thanh Niên, 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM hoặc chuyển khoản theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Ủng hộ trẻ mồ côi do dịch Covid-19.
Báo Thanh Niên sẽ tính toán điều phối số tiền này cho chương trình một cách công tâm, hợp lý, hiệu quả nhất và sẽ cập nhật, công bố đầy đủ trên các ấn phẩm của Thanh Niên.
|
Đầu tháng 8, 6/14 thành viên trong gia đình chị Phương mắc Covid-19, trong đó ba mẹ và em dâu (vợ anh Hoàng) diễn biến nặng nên đi bệnh viện điều trị, các thành viên còn lại cách ly tại nhà. Trong khoảng thời gian ngắn, tai ương ập xuống gia đình: “Nhập viện mới mấy ngày thì 8.8 ba mất, 8 ngày sau má mất, đến 19.8 vợ cậu Hoàng cũng ra đi”, chị Phương nghẹn ngào.
Lúc mẹ mất, Phương Anh hiểu chuyện nên khóc sưng cả mắt. Còn Bảo Anh, Hoàng Anh thì còn quá nhỏ để có thể cảm nhận được nỗi đau. Nhưng vì đã lâu không thấy mẹ về, nhớ mẹ, bé Hoàng Anh cứ hỏi: “Mẹ con đâu rồi, mẹ con đâu...”. Nghe con thơ đòi mẹ mà anh Hoàng càng thêm xót xa, đứt ruột.
Trở về với tâm trạng ưu tư, tôi suy nghĩ mãi về những cảnh đời của các bé, đang cùng gia đình đối diện với muôn vàn khó khăn và chắc chắn thử thách sẽ còn rất dài trong hành trình cuộc đời của mình.
Bình luận (0)