Chủ nhân 'ATM khẩu trang' miễn phí cho người Sài Gòn: Sợ không làm thì bức bối

06/08/2020 18:47 GMT+7

Chủ nhân 'ATM gạo' Hoàng Tuấn Anh tiếp tục tạo 'ATM khẩu trang' để phát khẩu trang miễn phí giữa dịch Covid-19 . Mỗi người dân đến nhận là một câu chuyện tiết kiệm, mưu sinh để vượt qua giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh.

Máy "ATM khẩu trang" của anh Hoàng Tuấn Anh (35 tuổi, Giám đốc Công ty PHGLock) hoạt động và phát khẩu trang miễn phí vào thứ 5 hàng tuần từ 10 giờ - 16 giờ tại địa chỉ 204B Vườn Lài (Q.Tân Phú, TP.HCM). Đây cũng là địa chỉ quen thuộc của cây "ATM gạo" đầu tiên tại Việt Nam. 

'Đóng góp của mình là rất nhỏ'

Ngày 6.8, "ATM khẩu trang" đầu tiên đi vào hoạt động sau bao ngày ấp ủ của anh Tuấn Anh. Mặc dù chưa đến giờ phát nhưng một số người dân đã đến chờ sẵn để được nhận khẩu trang miễn phí.
Vì nguồn khẩu trang còn hạn chế, một phần khẩu trang được anh Tuấn Anh tự mua, một phần do mạnh thường quân tặng, hầu hết là khẩu trang vải để người dân có thể sử dụng lại nhiều lần. Bên cạnh khẩu trang vải, anh Tuấn Anh còn nhận được khẩu trang y tế nhưng anh không phát mà để dành tặng cho các bệnh viện hoặc gửi ra Đà Nẵng, nơi người dân cần sử dụng khẩu trang y tế hơn. 

Người dân vui mừng, liền đeo ngay sau khi nhận được khẩu trang

ẢNH: ĐỘC LẬP

Với những loại khẩu trang có thể giặt lại và sử dụng trong vòng 20 - 30 ngày sẽ được để một cái trong một bịch, loại mỏng hơn chỉ xài được khoảng 7 - 8 ngày sẽ được để 2 cái trong một bịch.
"Nước ta đang trong giai đoạn phục hồi mà lại bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19 lần nữa nên mình muốn tạo ra một cái gì đó để giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Số lượng khẩu trang được phát trong ngày đầu tiên là 10.000 cái và sẽ phát cho đến khi hết khẩu trang. Mỗi đợt phát sẽ cố gắng phát từ 10.000 - 20.000 cái", anh nói.

Người dân di chuyển đến trước máy phát khẩu trang, nhìn thẳng vào camera và máy tự động đưa khẩu trang ra

ẢNH: ĐỘC LẬP

Nhiều người tỏ ra vui mừng vì được phát khẩu trang miễn phí

ẢNH: ĐỘC LẬP

 
Chia sẻ với Thanh Niên, anh Tuấn Anh cho kể lại nhận được khá nhiều lời cảnh báo trước khi quyết định mở "ATM khẩu trang". Nhất là khi "ATM gạo" trước đây xảy ra một số lùm xùm về việc phát gạo. Nhưng anh thấy việc đúng nếu vì sợ mà không làm càng khiến anh bức bối hơn.
"Mong rằng mọi người cũng nên nhìn nhận "ATM khẩu trang" theo một lối nhìn thoáng hơn. Đóng góp của mình về tài chính rất là nhỏ nhưng mình mong muốn nó sẽ tạo được hiệu ứng tốt. Như là một lời kêu gọi để mọi người cùng vượt qua dịch, ai có bao nhiêu thì chung tay bao nhiêu", anh bộc bạch.

Muôn kiểu tiết kiệm khẩu trang 

Dịch Covid-19 quay trở lại khiến khẩu trang rơi vào điệp khúc tăng giá, cháy hàng. Để đối mặt với vấn đề trên, mỗi người có cách khác nhau để tiết kiệm chi tiêu nhất có thể.
Ông Nguyễn Văn Thông (84 tuổi) hiện đang là một tài xế xe ôm công nghệ cho biết thu nhập của ông giảm đáng kể khi dịch Covid-19 quay trở lại. Hiện tại có ngày ông chỉ chạy được vài chục nghìn có khi được 100.000 - 200.000 đồng trong khi thu nhập trước dịch có lúc gấp đôi.
Chỉ vào chiếc khẩu trang đã cũ, vải xơ vì qua nhiều lần giặt, ông tâm sự vì không đủ tiền để mua khẩu trang y tế nên chỉ xài khẩu trang vải để giặt hàng ngày và có thể sử dụng lâu. 
"Khẩu trang này tôi xài từ tháng 4 đến nay. Hơi cũ nhưng vẫn còn xài được vì mua loại khẩu trang dày. Khẩu trang lấy ở ATM tôi mang về cho vợ ở nhà. Vợ tôi 79 tuổi nhưng yếu hơn tôi nên chỉ ở nhà. Tôi chạy được ngày nào nhiều thì hai vợ chồng ăn ngon một xíu, ngày nào chạy ít thì ăn ít lại", ông kể.  

Anh Hoàng Tuấn Anh chia sẻ khẩu trang sẽ được một lực hút bên dưới máy kéo xuống nên các loại bao ni lông bọc khẩu trang nếu mỏng quá sẽ khiến cho khẩu trang bị tụt xuống. Vì vậy anh dán thêm miếng giấy ở bên ngoài để tạo độ cứng

ẢNH: ĐỘC LẬP

Phía khu phố cũng cử người đến hỗ trợ hoạt động phát khẩu trang miễn phí

ẢNH: ĐỘC LẬP

 
Chị Đặng Thị Sánh (48 tuổi) cũng bất ngờ vì giá khẩu trang tăng chóng mặt. Sau đợt dịch đầu tiên tình hình ổn định hơn, chị mua khẩu trang y tế với giá 50.000 - 55.000 đồng/hộp đã sử dụng hết. Đợt dịch này chị hỏi khẩu trang giá 150.000 đồng/hộp nên chỉ mua một hộp.
"Nhà có 3 người, hai vợ chồng xài khẩu trang vải giặt qua ngày để tiết kiệm. Hộp khẩu trang y tế ở nhà để dành cho thằng con trai học đại học năm nhất đi học vì bạn bè nó toàn xài khẩu trang y tế", chị bày tỏ.

Tại điểm phát khẩu trang có đánh dấu sẵn vị trí đứng giãn cách

ẢNH: LÊ HỒNG HẠNH

'Chỉ lấy một lần để nhường cho người khác'

Điểm "ATM khẩu trang" này chỉ hoạt động mỗi tuần một ngày. Những ngày còn lại anh Tuấn Anh sẽ cho các quận khác trong TP.HCM mượn máy để phát khẩu trang, một phần vì anh không muốn những người lao động khó khăn phải đi xa để nhận khẩu trang.
"ATM khẩu trang" cũng gọn nhẹ vì khối lượng khẩu trang nhẹ hơn nhiều so với gạo. Có mặt tại "ATM khẩu trang" khá sớm, chị Đào Thị Ngọc Hoa (ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ: "Nhanh lắm, vào chưa đầy 5 phút là có khẩu trang rồi. Tôi ghé nhà cháu ở gần đây chơi, thấy trên mạng đưa tin nên ghé đây lấy khẩu trang luôn. Cảm thấy ấm lòng vì hành động này tuy nhỏ nhưng góp phần nào giúp đỡ người lao động". 

Người dân rửa tay sát khuẩn trước khi vào nhận khẩu trang

ẢNH: ĐỘC LẬP

Tại 'ATM khẩu trang', mỗi người chỉ nhận tối đa một bịch khẩu trang

ẢNH: LÊ HỒNG HẠNH

Nhớ lại ATM gạo trước đây, ông Du Dũng Hiếu (46 tuổi) bày tỏ vì thu nhập giảm nhưng vẫn phải trả tiền phòng trọ và các chi phí sinh hoạt khác nên số gạo nhận được từ "ATM gạo" trước đây giúp anh tiết kiệm được một khoản tiền để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Nhưng thay vì quay trở lại để nhận gạo nhiều lần như đợt dịch trước, anh cho biết nhận khẩu trang rồi sẽ không quay lại lấy thêm nếu khẩu trang vẫn còn xài được. "Mình lấy một phần thôi. Mình lấy nhiều thì người khác mất phần", anh nói. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.