Dang dở ước mơ vì dịch Covid-19: Du học sinh đi làm quán bar, phụ bếp kiếm cơm

20/09/2020 12:06 GMT+7

Học xong trúng đợt dịch Covid-19 bùng phát, P.H ( du học sinh ngành thiết kế nội thất) được Đại sứ quán hỗ trợ về nước, nhưng chưa tìm được việc đúng chuyên ngành. H. đang phải làm phục vụ quán bar để kiếm cơm qua ngày.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, hàng ngàn du học sinh, lao động người Việt tại Nhật Bản được Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật hỗ trợ về nước. Trong số đó có cả những người là lao động bất hợp pháp sống lay lắt những ngày thất nghiệp.
Sau một thời gian về Việt Nam, có người đã tìm được công việc mới ổn định, nhưng có người vẫn chật vật tìm cách xoay xở qua ngày.

Du học sinh không tìm được việc

P.H (ở TP.HCM) là du học sinh ngành thiết kế nội thất của trường Osaka Design Collect. Vừa qua, H. học xong chương trình nhưng không về nước được vì mọi chuyến bay quốc tế đều bị hủy.
Lại gần đến giỗ đầu của mẹ, H. đã gửi email đến Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và được hỗ trợ chuyến bay về nước vào tháng 4.2020. Sau 14 ngày cách ly tập trung và 14 ngày cách ly tại nhà lo xong giỗ mẹ, H. nộp đơn khắp nơi để tìm công việc liên quan đến ngành học và vận dụng được vốn tiếng Nhật của mình.

H. manbg theo nhiều ước mơ khi sang Nhật học thiết kế nội thất

Ảnh: NVCC

H kể: “Trước khi đi du học, em có tìm hiểu ngành học này mà biết tiếng Nhật thì sẽ tìm được việc ở các công ty của Nhật đặt tại Việt Nam với mức thu nhập khởi đầu là trên 20 triệu nên đi học với tâm lý rất thoải mái. Nào ngờ về Việt Nam trúng thời điểm dịch, không công ty nào tuyển, nơi có thì yêu cầu kinh nghiệm. Em đành phải xin đi phục vụ quán bar và phụ bếp để có tiền sinh hoạt qua ngày”.
H. đã tìm đến khu phố Nhật ở đường Lê Thánh Tôn và xin được công việc phụ bếp. Thời gian buổi tối, H. không muốn bỏ trống nên xin làm phục vụ cho một quán bar gần đó. Nhưng vừa xin được việc thì quán bar đóng cửa đến gần đây mới mở lại khiến thu nhập của chàng du học sinh có đôi phần khó khăn.

Thời gian đầu chưa có chuyến bay, nhiều người đã đến tận Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka để cầu cứu

Ảnh: NVCC

Dành trọn thời gian cho công việc từ 9 giờ sáng đến 2 giờ sáng hôm sau, ngày nào H. cũng về nhà khi đường phố chỉ còn lác đác vài bóng xe qua lại. Vậy nhưng thu nhập từ cả hai công việc cũng chỉ đủ ăn uống, xăng xe.
“Nhà em ở TP.HCM nên em không tốn tiền nhà trọ mà tiền kiếm được chỉ lo chi tiêu hằng ngày. Làm ở bar và phụ bếp em vẫn vận dụng được vốn tiếng Nhật của mình, nhưng thu nhập so với làm đúng ngành thiết kế nội thất quả thật không thấm tháp vào đâu”, H. tâm sự.
Vì vậy, mỗi khi rảnh H. vẫn thường rảo quanh các trang web để tìm kiếm thông tin tuyển dụng đúng chuyên ngành và tranh thủ đi nộp hồ sơ vào các buổi sáng trước giờ làm.
“Em chưa từng nghĩ mình sẽ làm công việc này, nhưng vì dịch mọi thứ không thể đều thành có thể. Tạm gác lại ước mơ của mình, em nghĩ có được việc làm ở thời điểm này, ít ra em vẫn còn may mắn hơn nhiều người đang kẹt bên Nhật vẫn chưa về nước được”, chàng du học sinh bộc bạch.

Nghỉ xả hơi 3 tháng

Đoàn Thị Sương (22 tuổi, ngụ Thừa Thiên - Huế) cũng là người lao động được Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản hỗ trợ về nước trên những chuyến bay đầu tiên của mùa dịch.
Chị từng viết đơn gửi đến Đại sứ quán để “cầu cứu” vì cả tháng trời phải xách va li đi ở nhờ. Trước đó, tháng 2.2017, chị Sương sang Nhật theo diện thực tập sinh nhưng bỏ ra ngoài làm.
Tâm sự với PV, chị Sương cho biết, đi đến Nhật là ước mơ từ ngày còn học cấp 2 của chị vì chị thích ngắm hoa anh đào và tuyết như trên các bộ phim truyền hình thường xem. Năm 19 tuổi, chị đi Nhật chỉ với suy nghĩ này và tự hứa với bản thân làm được bao nhiêu sẽ gửi về cho ba mẹ hết để phụ cùng gia đình.

Sương về nước và làm công việc tư vấn xuất khẩu lao động

Ảnh: NVCC

Dù không bị áp lực về tiền bạc, nhưng với suy nghĩ còn trẻ, chưa có chồng con nên chị Sương cố gắng tiết kiệm. Mỗi tháng, thu nhập của chị Sương còn 25 triệu khi đã trừ bảo hiểm và các loại phí.
Chị Sương chỉ tiêu xài trong giới hạn đúng 4 triệu, bao gồm cả tiền nhà trọ, ăn uống. Còn lại toàn bộ gửi về gia đình. “Em biết tiếng Nhật và luôn cố gắng hết mình trong công việc nên đi đâu cũng được người Nhật thương. Nhiều lần chủ và cả đồng nghiệp người Nhật mời ăn trưa hoặc nấu sẵn đồ ăn ở nhà mang theo để cho em ăn cùng nên em không tốn quá nhiều tiền cho khoản ăn uống”, chị Sương chia sẻ.
Vì thế, cuối tháng 4 vừa qua, sau khi được về nước trên chuyến bay do Đại sứ quán hỗ trợ, chị Sương chỉ ở nhà và nghỉ xả hơi sau chuỗi ngày cày cuốc ở xứ sở hoa anh đào.
Chị Sương tâm sự: “Em ở nhà phần vì nghĩ đang dịch có tìm việc cũng không được, phần thì nghĩ tranh thủ dành thời gian bên gia đình. Cần chi tiêu gì thì lại xin tiền ba mẹ. Sau 3 tháng, em mới bắt đầu đi tìm việc ở một công ty tư vấn xuất khẩu lao động”.

Những ngày làm việc tại Nhật, Sương đã cố gắng chi tiêu trong khoảng 4 triệu, còn lại gửi toàn bộ về gia đình

Ảnh: NVCC

Vốn là người lanh lẹ, lại từng đi Nhật, chị Sương trúng tuyển ngay khi phỏng vấn và bắt đầu công việc không lâu sau đó. Công ty mới cách nhà chừng 20 cây số, thu nhập cũng chưa bằng một nửa so với khi đi xuất khẩu lao động nhưng chị Sương vẫn cảm thấy hài lòng.
“Điều hạnh phúc nhất của em là em được hướng dẫn cho những người chuẩn bị đi xuất khẩu lao động đến Nhật những điểm khác nhau giữa văn hóa, nghi lễ, lối sống của Nhật và Việt Nam để khi đến Nhật họ không bị sốc. Nhìn sự hào hứng của họ giống hệt như em ngày xưa, em hiểu họ đang có những ước mơ như thế nào”, chị Sương trải lòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.