Gương sáng biên cương: Khắc tinh của tội phạm ở 'rốn' vượt biên

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
10/06/2021 08:15 GMT+7

Ròng rã suốt 2 năm ở biên giới Việt - Trung, đại úy Lê Thanh Công cùng đồng đội ngày đêm lội sông, băng rừng lập “lá chắn thép” phòng dịch Covid-19 , bắt giữ gần 3.000 đối tượng vượt biên.

Sông biên giới Ka Long, đoạn qua mốc 1364 (2) + 300 (thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn, TP.Móng Cái, Quảng Ninh) được mệnh danh là cái “rốn” về hoạt động nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam ở vùng biên giới Quảng Ninh.

Hai năm ăn lán, ngủ rừng

Hơn 2 năm qua, tại mốc biên giới này đã có hàng ngàn đối tượng bị lực lượng tuần tra của Đồn biên phòng Bắc Sơn (Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh) bắt giữ. Có được chiến công ấy là một chuỗi thời gian không kể ngày đêm mà đại úy Lê Thanh Công, Đội trưởng Đội kiểm soát hành chính (Đồn biên phòng Bắc Sơn), cùng đồng đội ăn lán ngủ rừng, dầm mưa dãi nắng để bám chốt canh phòng, bảo vệ biên giới quốc gia.
Dưới cái nắng như đổ lửa của một trưa tháng 5, đón chúng tôi ở Trạm kiểm soát hành chính (Đồn biên phòng Bắc Sơn), đại úy Lê Thanh Công cho biết: “Những ngày gần đây dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành nên anh em chiến sĩ phải tung quân dọc 22 cây số đường biên để đi tuần. Lượng người có nhu cầu xuất nhập cảnh gia tăng nhưng anh em ở đây chưa để lọt đối tượng nào”.
Mở cuốn sổ công tác đang cầm trên tay, đại úy Công thông tin nhanh, từ đầu năm 2020 đến nay, Trạm kiểm soát hành chính của Đồn biên phòng Bắc Sơn đã phát hiện 600 vụ vượt biên trái phép, bắt giữ gần 3.000 đối tượng; 31 vụ vận chuyển hàng lậu, bắt giữ 24 đối tượng và 11 phương tiện vận chuyển với tổng giá trị gần 1 tỉ đồng.
Khi nghe con số trên, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên xen lẫn cảm phục những cán bộ, chiến sĩ quả cảm nơi đây.
Dẫn chúng tôi cùng đi tuần tra, khi đến chốt U Bò, đại úy Công giải thích sở dĩ có tên gọi như vậy vì chốt này nằm trên một đỉnh đồi nhô lên giống cái u trên lưng con bò. “Chốt U Bò rộng chừng 10 m2, nằm trơ trọi giữa trời, lộng gió vì không bóng cây che chắn, còn một bên lại là vực sâu. Tuy địa hình hiểm trở nhưng lại có tầm quan sát rộng, đứng tại đây chúng tôi có thể quan sát dễ dàng sang phía bờ sông biên giới, khá thuận lợi trong việc phát hiện người vượt biên trái phép”, đại úy Công cho biết thêm.
Ngồi kế bên, trung tá Nguyễn Mạnh Thắng, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Bắc Sơn, cho biết U Bò là 1 trong 8 chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19 được lập từ tháng 3.2020 của đơn vị. Đây được ví như “sở chỉ huy” thu nhỏ của đơn vị trong suốt chiến dịch kéo dài 2 năm qua. Chúng tôi nhìn quanh, thấy “sở chỉ huy thu nhỏ” của các chiến sĩ chỉ có bộ bàn ghế nhựa, chiếc giường sắt, cùng một vài vật dụng cá nhân.
Gương sáng biên cương: Khắc tinh của tội phạm ở 'rốn' vượt biên1

Đại úy Công (phải) cùng đồng đội tuần tra, bắt giữ đối tượng vượt biên

ẢNH: LÃ NGHĨA HIẾU

Ở chốt U Bò, mùa hè nắng bỏng rát, cộng thêm muỗi bay vo vo xung quanh; còn mùa đông lạnh giá, gió rét như cắt da, cắt thịt. Đợt rét hại đầu năm 2021 vừa rồi, nhiệt độ xuống 5 - 6 độ C khiến ai cũng tê cóng.
Trên đường đi tuần biên, đại úy Công trải lòng về nỗi vất vả thức đêm, ăn ngủ giữa rừng, làm bạn với muỗi, đương đầu với thời tiết khắc nghiệt là chuyện thường với người lính mang quân hàm xanh. “Vào mùa mưa thì muỗi, vắt nhiều vô kể. Trong khi đó, đặc thù tuần tra là phải ẩn nấp để trinh sát nên ai cũng phải mang theo tuýp thuốc chống côn trùng bên mình, nhưng cũng chỉ đỡ phần nào. Chưa kể rắn, rết ở rừng luôn rình rập “nhòm ngó” xung quanh”, đại úy Công hài hước kể.
Khắc nghiệt là thế, tuy nhiên đại úy Công cho biết các anh em chiến sĩ vẫn rất lạc quan và vui vẻ, vì họ luôn tâm niệm với nhau có gian lao thì người lính mới trưởng thành. Vì vậy, suốt 2 năm qua, ngày cũng như đêm, mỗi ca tuần tra kéo dài 6 giờ, trên tay các anh là chiếc đèn pin loang loáng quét qua màn đêm, những bước chân không mỏi phăm phăm xuyên rừng tiến về phía trước để không ngừng rà soát, lùng sục các đối tượng khả nghi.

“Vũ khí tối tân” của người lính

Năm nay tuy mới bước sang tuổi 33, nhưng đại úy Lê Thanh Công (quê TP.Uông Bí, Quảng Ninh) đã có 15 năm công tác tại 8 đơn vị của lực lượng biên phòng, trong đó có 5 đồn biên giới. Ở cương vị nào, anh cũng được biết đến như một “khắc tinh” của tội phạm trên tuyến biên giới Việt - Trung, đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt là tội phạm buôn lậu, vượt biên trái phép.
Chia sẻ về kinh nghiệm chiến đấu, đại úy Công cho rằng thành công có được không chỉ của riêng cá nhân, mà còn là mồ hôi, công sức của đồng đội. Đặc biệt là trong thành quả ấy còn có cả sự góp sức, giúp đỡ lớn lao của quần chúng nhân dân.
Nói về việc xây dựng thế trận lòng dân, đại úy Công chia sẻ đây chính là thứ “vũ khí” vô cùng hiệu quả. Bởi núi rừng rộng lớn, địa hình hiểm trở không phải lúc nào các chiến sĩ biên phòng cũng có thể kiểm soát tuyệt đối được đường biên.
“Tội phạm vượt biên thường lợi dụng khoảng thời gian 3 - 5 giờ sáng. Lúc này các chiến sĩ đi tuần, thức đêm mệt mỏi nên các đối tượng lợi dụng sơ hở để đưa người, hàng hóa qua sông biên giới Ka Long. Nếu không xây dựng được nhân dân làm tai mắt của mình, thì không thể quản lý nổi hàng chục cây số đường biên giới là sông sâu, núi thẳm như vậy”, đại úy Công nói.
Kể về một lần bắt giữ 4 đối tượng xuất nhập cảnh gần đây nhất, đại úy Công cho biết anh nhận tin báo từ quần chúng nhân dân tại xã Bắc Sơn là ở địa bàn có những người đã trở thành “nội gián”, tiếp tay cho đường dây đưa người nước ngoài vượt biên vào Việt Nam. Vậy nên, anh đã nhanh chóng lập kế hoạch, cùng đồng đội tóm gọn các đối tượng khi vừa mới bước chân sang lãnh thổ Việt Nam.

Gác việc riêng vì “mệnh lệnh từ trái tim”

Trước khi chia tay, đại úy Công khoe tháng 8 này gia đình anh chuẩn bị đón thiên thần nhỏ thứ 2. Đã 2 cái tết anh Công không được ở bên người thân. Từ đầu năm 2021 đến nay, dù vợ đang mang bầu nhưng vì nhiệm vụ anh chỉ có thể động viên bà xã qua điện thoại.
“Dịch bệnh đang phức tạp và còn kéo dài, chúng tôi dặn lòng không được chủ quan, buông lỏng quản lý đường biên. Nhất là ở tuyến đầu thì nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây nhiễm là rất lớn nên anh em dặn nhau phải bảo vệ sức khỏe cho chính mình. Có như thế mới bảo vệ được an toàn cho hậu phương”, đại úy Công nói, rồi vội vác súng lên vai, hông đeo bi đông, tay cầm ống nhòm tiếp tục ca đi tuần tra biên giới.
Khi bóng chiều vừa đổ xuống, chúng tôi rời Đồn biên phòng Bắc Sơn cũng là lúc các tổ trinh sát biên phòng ca đêm lại căng mình miệt mài canh giữ biên giới. Trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 này, không chỉ địa đầu Quảng Ninh, mà dọc chiều dài Tổ quốc, hàng nghìn chốt chặn đã được dựng lên với biết bao cán bộ, chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm ăn lán, ngủ rừng, bất chấp sương rừng, gió núi như đại úy Lê Thanh Công, họ đang nghe theo “mệnh lệnh từ trái tim” để đem lại sự bình yên cho cộng đồng.
Nhiều lần được tuyên dương
Nhờ thành tích đạt được, đại úy Lê Thanh Công là gương mặt quen thuộc với nhiều lần được tuyên dương. Năm 2020, đại úy Công nhận được 2 bằng khen của Ban Chấp hành T.Ư Đoàn và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng về thành tích trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Theo Đồn biên phòng Bắc Sơn, đơn vị vừa đề xuất với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ninh cho đại úy Lê Thanh Công tiếp tục nhận bằng khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng về thành tích trong công tác phòng chống dịch Covid-19 năm 2021.
Ngày 7.6 vừa qua, đại úy Lê Thanh Công được phong hàm thiếu tá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.