Lá lành đùm lá rách: Chàng trai Cơ Tu với trái tim 'lỗi' nhịp

An Dy
An Dy
12/10/2019 08:12 GMT+7

Đó là tình cảnh của chàng trai Cơ Tu Arất Bhơnh (24 tuổi), ngụ ở vùng biên giới Việt - Lào thuộc xã Lăng, H.Tây Giang, Quảng Nam.

Th.S-BS Nguyễn Minh Hải, Trưởng khoa Ngoại tim mạch (Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng), cho biết bệnh nhân Arất Bhơnh được tiếp nhận trong tình trạng suy tim nặng, dẫn đến phù toàn thân, đồng thời suy đa tạng. Theo chẩn đoán, bệnh nhân bị hở van tim bẩm sinh nhưng do điều kiện sống trên núi, không được phát hiện và để quá lâu nên tim bị tổn thương nặng.
“Hiện tại, cả van 2 lá, van 3 lá và van động mạch đều hư hỏng hoàn toàn. Quả tim đập như “lỗi” nhịp vậy, có 4 van tim thì hiện tại hỏng hết 3 van, dẫn đến tình trạng suy tim rất nặng”, bác sĩ Hải cho biết.
Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản:
Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển VN - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ anh Arất Bhơnh; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến gia đình Arất Bhơnh trong thời gian sớm nhất.
Hiện bệnh nhân đang được điều trị cầm chừng bằng thuốc nhưng chỉ là giải pháp tạm thời. Đối với tình trạng như thế này, phẫu thuật là điều bắt buộc. Tuy nhiên, các bác sĩ không chỉ lo chi phí phẫu thuật quá lớn đối với Bhơnh (khả năng lên đến gần 60 triệu đồng) mà còn phải lựa chọn giải pháp phù hợp với điều kiện sinh sống của bệnh nhân ở khu vực giáp biên giới.
Theo các bác sĩ, có một phương pháp mổ thay van cơ học với mức chi phí khoảng 35 triệu đồng sau khi trừ BHYT, nhưng lại không phù hợp với điều kiện đi lại khó khăn của Arất Bhơnh, vì người bệnh phải được theo dõi uống thuốc chống đông máu hằng ngày và khám định kỳ hằng tháng.
“Chúng tôi cân nhắc giải pháp khả dĩ, đó là sử dụng van sinh học. Với ca phẫu thuật này, sau khi trừ BHYT của đồng bào dân tộc thiểu số, số tiền bệnh nhân phải thanh toán cũng hơn 55 triệu đồng. Với loại van này, bệnh nhân không cần dùng thuốc chống đông, nhưng tuổi thọ van chỉ khoảng 10 năm ở người trẻ. Sau đó van sẽ thoái hóa, hỏng và sẽ phải đặt lại”, bác sĩ Hải nói.
“Chúng tôi lên lịch mổ sớm nhất có thể cho bệnh nhân. Trước mắt sẽ mở tim và sửa các van trong khả năng cho phép. Xác định sửa không được thì mới phải thay các van để hạn chế thấp nhất chi phí điều trị”, bác sĩ Hải cho biết.

“Một trăm nghìn đồng cũng không có”

Tại bệnh viện, cứ đến bữa, Bloong Thị Nố (vợ Arất Bhơnh) lại chen chân xếp hàng nhận cơm cháo từ thiện cho chồng. Chồng ăn còn dư mới đến phiên vợ ăn. “Có nhiều bữa chậm chân, không nhận được thức ăn, vợ chồng Arất Bhơnh lại được các bệnh nhân cùng phòng hay các anh chị điều dưỡng trong khoa “tiếp tế” để đảm bảo dinh dưỡng”, chị Nguyễn Thị Tân, điều dưỡng trung tâm tim mạch, kể.
Gặp chúng tôi, Bloong Thị Nố ứa nước mắt vừa thương chồng vật vã với cơn đau, lại xót xa khi phải bỏ lại 2 đứa con nhỏ (đứa 3 tuổi, đứa 1 tuổi) tận miền biên giới. “Khi vợ chồng đi viện, hai cháu được đưa về ông bà ngoại chăm. Nhưng ông bà gần 70 tuổi, vất vả khốn khó trăm bề, không biết tình cảnh giờ ra sao. Ông bà nội cũng mất lâu rồi”, Bloong Thị Nố nghẹn ngào nói bằng vốn liếng tiếng Kinh ít ỏi.
Giữa những ngày khốn khó, vợ chồng Arất Bhơnh nhận được sự đùm bọc, chăm sóc tận tình của tập thể các y bác sĩ Trung tâm tim mạch (Bệnh viện Đà Nẵng). Vừa tìm cách cứu Arất Bhơnh, các bác sĩ vừa tích cực vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay giúp anh được phẫu thuật sớm. Thế nhưng, mỗi khi tỉnh lại, Arất Bhơnh lại một mực đòi về và nói: “Một trăm ngàn cũng không có, không biết lấy đâu ra, nói gì đến mấy chục triệu”…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.