Ngày 17.12, Chi cục kiểm lâm Lâm Đồng, cho biết đã nhận được báo cáo của Hạt kiểm lâm TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) về việc người dân báo tin 2 cá thể báo mẹ và báo con xuất hiện tại rẫy cà phê của bà Trần Thị Huệ (thôn Nao Srê, xã Lộc Nga, TP.Bảo Lộc). Hạt kiểm lâm đã làm việc với hộ bà Huệ và những người có liên quan nhưng chưa xác định được 2 cá thể này thuộc loài báo nào.
Ngay lập tức, Chi cục kiểm Lâm Lâm Đồng đã gửi văn bản đến Hạt kiểm lâm TP.Bảo Lộc yêu cầu khẩn trương phối hợp với UBND các xã trên địa bàn tổ chức thông báo cho các hộ dân sinh sống và sản xuất nương rẫy gần rừng thông tin về 2 cá thể báo này để người dân cảnh giác và chủ động bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản; thực hiện giải pháp xua đuổi nếu 2 cá thể báo xuất hiện trong vườn, rẫy của các hộ dân. Đồng thời, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã và biết các quy định của pháp luật về việc xử lý trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm xâm hại hoặc đe dọa tính mạng, tài sản của con người.
Theo bà Hoàng Công Hoài Nam, Trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục kiểm lâm Lâm Đồng, qua trao đổi và làm việc với Hạt kiểm lâm TP.Bảo Lộc và xem dấu vết tại hiện trường, nhiều khả năng đây là báo hoa mai - loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB được ưu tiên bảo vệ.
“Qua theo dõi mấy năm nay, có khả năng 2 cá thể báo này cùng đàn với 3 cá thể báo hoa mai đã xuất hiện tại địa bàn xã Đạ Oai, H.Đạ Huoai (Lâm Đồng), quanh khu vực đèo Bảo Lộc vào tháng 12.2012. Thời điểm đó, tại đây còn lưu lại nhiều dấu vết chân thú; dấu chân gồm một đệm chân và 4 ngón, một số dấu chân còn có vết móng vuốt và có kích thước khác nhau", bà Hoài Nam cho biết.
"Chi cục kiểm lâm đã tìm hiểu thông tin từ các người dân đã nhìn thấy 3 cá thể thú này (2 cá thể lớn cao khoảng 80cm và 1 cá thể nhỏ cao khoảng 30cm, có lông nền màu vàng với các vằn (đốm) màu đen, đầu giống loài mèo; trong đó có 1 cá thể đang bị thương ở chân) và in hình ảnh nhận dạng có liên quan đến các loài thú họ mèo (gồm: mèo rừng, báo gấm, báo hoa mai, báo lửa và hổ). Các hộ dân xác nhận 3 cá thể thú nói trên có hình dạng giống loài báo hoa mai (Panthera pardus)”, bà Hoài Nam chia sẻ.
Trước đó, Báo Thanh Niên thông tin, vào tháng 9.2013, tại khu vực gần sân bay Liên Khương (H.Đức Trọng) xuất hiện 2 con báo hoa mai bắt ngan, gà và chó của người dân nhưng thời gian sau đó thì không thấy xuất hiện.
Chi cục kiểm lâm Lâm Đồng đã yêu cầu Hạt kiểm lâm TP.Bảo Lộc tiếp tục cử cán bộ theo dõi để xác định chính xác loài động vật rừng nói trên và thập các thông tin để làm rõ quy luật hoạt động của các cá thể thú này và báo cáo về Chi cục để có phương án xử lý phù hợp.
Tính từ 2009 đến nay, trên địa bàn Lâm Đồng đã ít nhất có 4 lần loài thú họ mèo này xuất hiện. Vì vậy, rất cần có những điều tra chuyên sâu để có nhận định chính xác, liệu việc xuất hiện loài thú này ở các địa điểm khác nhau như vậy thì có cùng 1 nhóm (đàn) hay nhiều đàn vẫn còn tồn tại trên địa bàn tỉnh này.
Để thực hiện được điều này cũng cần có thêm thiết bị hỗ trợ như bẫy ảnh để lắp đặt chụp tự động trong rừng mà Chi cục kiểm lâm Lâm Đồng không có. Được biết, năm 2012, Chi cục kiểm lâm Lâm Đồng đã báo cáo đơn vị cấp trên, hỗ trợ điều tra, khảo sát để xác định rõ tên loài, số lượng và lập phương án bảo vệ loài thú quý hiếm này đồng thời góp phần giảm thiểu các mối đe dọa do thú rừng gây ra đối với con người, vật nuôi của nhân dân, nhưng đến nay vẫn chưa có trả lời.
Bình luận (0)