Người đàn ông 40 năm bán báo dạo, gặp được người bạn đời trong mơ

21/06/2017 09:32 GMT+7

Hơn 40 năm chung thủy với nghề bán báo giấy mặc cho cái nghề này có nhiều thăng trầm, điều tuyệt vời nhất mà ông Nguyễn Kim Sơn có được chính là bà Thu, người bạn đời của mình.

9 giờ sáng, ông Sơn kết thúc một vòng hành trình rao báo dạo quanh thành phố, trở về bên sạp báo nằm ngay đầu ngõ 306 Nguyễn Thị Minh Khai, P.5, Q.3, TP.HCM với bà Dương Thị Thu, vợ của ông.
Video: 40 năm bán báo, gặp bạn đời tri kỷ 

Ông Nguyễn Kim Sơn năm nay 60 tuổi, đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề bán báo dạo ở Sài Gòn. Không chỉ bản thân gắn bó với nghề lâu dài, mà cả gia đình ông Sơn cũng có truyền thống bán báo dạo.


Mẹ ông Sơn từng dành cả tuổi thanh xuân để đi rao báo, đến năm 60 tuổi bà mới nghỉ, năm nay cụ đã ngoài 90 tuổi, Còn ông Sơn sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, cũng vào nghề từ năm 20 tuổi, ngoài ông còn có hai người chị và một em trai ruột đến nay vẫn duy trì sạp báo trong thành phố. Ảnh Lê Nam

Hàng chục năm qua, ông duy trì thói quen dậy từ 4 giờ 30 phút sáng để đến các tòa soạn báo trong thành phố nhập báo về cho vợ, còn một phần giữ lại để bắt đầu hành trình một ngày rong ruổi đưa thông tin nóng hổi đến tay bạn đọc.
"40 năm, công việc có nhiều thăng trầm, tôi cũng chứng kiến sự đổi thay của báo giấy. Thời kỳ đầu, khi mới vào nghề, mặc dù chất lượng in chưa được tốt như bây giờ, số lượng đầu báo cũng không phong phú nhưng cứ báo ra lò là người mua tới tấp bởi thông tin nóng hổi đều chỉ có trên mặt báo. Những ngày ấy đúng là rất nhiều niềm vui", ông Sơn nhớ lại. Ảnh Lê Nam

Công việc cứ xoay vần theo từng nhịp bánh xe của ông, cho đến một ngày ông gặp bà Thu, người bạn đời hiện tại. Bà Thu tên đầy đủ là Dương Thị Thu, tuổi kém ông cả một giáp. Bà Thu quê gốc ở Hà Tây (Hà Nội), theo gia đình vào miền nam mưu sinh cách đây gần 25 năm. 

tin liên quan

Sạp báo vỉa hè là nét văn hóa đô thị
“Lấy lại” vỉa hè cho người đi bộ là một chủ trương đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng trong vòng xoáy của “chiến dịch”, các sạp báo vỉa hè cũng lao đao.
Sau khi gặp ông Sơn, bà Thu theo ông đi bán báo. "Điểm nào ở chú Sơn để lại cho cô ấn tượng?", chúng tôi hỏi bà Thu. "Ông Sơn hiền lành, vui vẻ, được khoản tâm lý", không phải kiệm lời, nhưng tính nhỏ nhẹ nên bà Thu chỉ nói vài câu như vậy rồi lại nhìn ông cười.
Ông Sơn có nụ cười hiền lành, chất phác. Ảnh Lê Nam
Sạp báo của hai vợ chồng ở đầu ngõ 306 Nguyễn Thị Minh Khai, P.5, Q.3, TP.HCM Ảnh Lê Nam
Thói quen cập nhật tin tức hàng ngày qua mỗi tờ báo mới của ông Sơn duy trì hơn 40 năm qua. Ảnh Lê Nam
Mỗi sáng ông Sơn ghé thăm sạp báo của vợ một lần, sau đó đi bán báo quanh thành phố rồi mới trở về ăn cơm trưa cùng vợ. Ảnh Lê Nam

Ông Sơn dí dỏm đáp lại: "Tôi thì già, còn bà ấy thì trẻ, nhiều khi cũng đỏng đảnh lắm, nên tôi phải cân đối hài hòa lại hai vợ chồng. Trước đây tôi đi bán báo có một mình à, thấy buồn nhiều và lẻ loi lắm. Từ khi có bà ấy thức dậy cùng, mỗi ngày đạp xe trên phố có mệt nhọc đến đâu thì chỉ cần nghĩ trở về bên sạp báo của vợ là tinh thần lại phơi phới lạ thường".

Là một trong những người cầm trên tay tờ báo đầu tiên trong ngày, ông Sơn không bỏ qua cơ hội cập nhật tin tức nóng hổi nhất. "Thói quen đó đã duy trì suốt bấy nhiêu năm qua, tôi vui vì cái nghề này không chỉ đem lại cơ hội được gặp gỡ với nhiều người, chu du trong thành phố mà nó còn đem lại kiến thức, thông tin hữu ích cho chính bản thân mình", ông Sơn nói. "Tờ báo giúp tôi tự tin hơn trong cuộc sống hối hả này, nhất là khi bản thân không có điều kiện được học tới nơi tới chốn", ông nói thêm.

tin liên quan

30 năm miệt mài bán báo
Có thể nói anh Nguyễn Ngọc Toàn, 50 tuổi, ở đường Bùi Đình Túy, P.12, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) là một người bán báo đặc biệt, từng gắn bó với Thanh Niên ngay từ những số báo đầu tiên.

Hai vợ chồng vừa bán báo, vừa bàn luận tin tức thời sự trong ngày. Ảnh Lê Nam
Phút nghỉ ngơi bên sạp báo của ông Sơn, bà Thu chăm sóc đến từng cử chỉ ân cần. Ảnh Lê Nam
Sau khi nghỉ chân uống ngụm nước mát lành, ông Sơn lại tiếp tục rong ruổi trên đường phố để rao báo. Ảnh Lê Nam


Còn bà Thu, người bạn tri kỷ, đồng nghiệp hơn 20 năm với ông Sơn, thì tâm niệm: "Đây là nghề lương thiện, chính đáng. Tiền tuy không nhiều, nhưng đủ cho hai vợ chồng sinh sống vui vẻ, hàng ngày được làm việc, lao động với nhau rồi vui vẻ trở về nhà. Với tôi như vậy là đủ".
Ông Sơn thường đến các tòa soạn báo từ 5 giờ sáng để nhập báo. Ảnh Lê Nam
Báo Thanh Niên là một trong những địa chỉ mà ông đã gắn bó hàng chục năm qua, đây cũng là tờ báo mà ông bán đắt hàng nhất. Ảnh Lê Nam
Ông Nguyễn Kim Sơn, 40 năm gắn bó với nghề bán báo thầm lặng. Ảnh Lê Nam

Nhịp sống đô thị hối hả ồn ào, nhưng sạp báo và chiếc giỏ xe chất đầy báo dạo của ông Sơn, bà Thu vẫn bình dị ở góc đường suốt hơn 20 năm qua. Không phải là người tạo ra tờ báo, nhưng những người như hai ông bà lại là nhịp cầu tận tụy kết nối tòa soạn với những độc giả thân thương. Ông Sơn, bà Thu với nụ cười thật đẹp, ngày ngày góp nhặt niềm vui cống hiến cho đời.

tin liên quan

Tờ báo tin cậy của lớp trẻ
10 năm công tác ở T.Ư Đoàn và Hội LHTN VN, giữa tôi và Báo Thanh Niên không chỉ là mối quan hệ trong công việc mà còn là tình cảm, là những kỷ niệm trong những năm tháng tuổi trẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.