Sống trong căn phòng trọ và cũng là cửa tiệm hớt tóc rộng gần 30 mét vuông, chị Lê Thi Kim Trâm (31 tuổi, ngụ Q.2) phải thức thật sớm để nấu ăn cho các con kịp đến trường. Sau đó, chị lại mở cửa tiệm đón khách như cách mà chị vẫn làm suốt 13 năm nay. Điều đặc biệt là những công việc trên đều được chị Trâm làm chu đáo chỉ bằng… một cánh tay.
Chị Trâm kể mình sinh ra trong một gia đình có 5 anh chị em ở Khánh Hòa. Năm 1997, khi mới 15 tuổi chị vào TP.HCM làm nhiều nghề như phụ hồ, thu mua phế liệu, cào hạt điều, giữ trẻ… để có tiền đi học. Sau khi tốt nghiệp THPT, chị lấy chồng rồi chọn nghề hớt tóc để mưu sinh.
2 lần tự tử không thành
Năm 2016, một biến cố đã thay đổi cả cuộc đời của chị. Trong lúc chở một người em đi công việc ở Đồng Nai, chị bị tai nạn giao thông.
“Trên đường đi về, dù tôi chạy xe rất cẩn thận nhưng vì trời mưa, đường xấu nên hai chị em tôi bị ngã xe. Vì sự việc xảy ra bất ngờ nên chiếc xe ben phía sau không kịp phản ứng, tôi bị bánh xe ben cán nát phần tay bên trái, bánh xe cà lên phần mặt khiến mặt tôi bị rách hết da. May mắn là em tôi không sao”, chị bàng hoàng nhớ lại.
Trên đường đi cấp cứu, chị Trâm nghĩ rằng mình sẽ không thể sống được nữa, trước mắt chỉ toàn một màu đen. “Lúc đó, tôi muốn gửi những lời trăn trối cuối cùng đến chồng và các con nhưng lưỡi tôi cứng đơ không thể nói được”, chị kể.
Sau khi qua cơn nguy kịch, chị vẫn không biết mình mất đi một cánh tay. Đến khi bác sĩ thông báo, chị mới bàng hoàng. “Tôi buồn và hụt hẫng đến mức muốn chết đi. Nghề của tôi là nghề hớt tóc, nghề cần đôi bàn tay. Ấy vậy mà cuộc đời lại cướp mất nó. Sau này làm sao tôi cắt được cho khách? Làm sao tôi nuôi được con? Hay tôi chuyển nghề bán vé số để kiếm tiền?”, hàng vạn câu hỏi hiện lên trong tâm trí chị Trâm lúc đó.
Chị Trâm có cuộc sống bình thường với cơ thể lành lặn trước khi tai nạn xảy ra.
|
|
Trong lúc khó khăn nhất, chị Trâm bị bỏ lại. Chị kể chồng mình "quyết định ly hôn tôi trong lúc tôi cần anh nhất. Nghĩa vợ chồng đậm sâu 15 năm qua không thể khiến tôi giữ anh lại bên mình. Trái tim tôi vụn vỡ ra khiến tôi thấy mình như mất tất cả nhưng tôi quyết định “giải thoát” cho anh và một mình nuôi con”, chị Trâm khóc.
Hơn 1 tháng sau, sức khỏe của chị dần được hồi phục, nhưng không đêm nào là chị ngủ được. Chị kể: “Đêm nào tôi cũng khóc, khóc đến cạn nước mắt. Có những đêm bã vai nơi cánh tay bị mất của tôi đau nhức dữ dội đến mức sống không bằng chết. Đến 2 lần, đợi các con đi ngủ tôi định cầm thanh sắt đưa vào ổ điện trong nhà để tự tử. Nhưng chính các con đã phát hiện và ngăn tôi lại”, chị rưng rưng.
Lúc đó, chị mới nhận ra mình thương con đến nhường nào. Nếu chị chết, các con sẽ mồ côi mẹ mà với chị, đó là nỗi đau đớn nhất của một đứa trẻ. “Tôi tự nhủ ông trời đã không cho mình chết dưới bánh xe ben 15 tấn thì tại sao mình lại chết vì những lý do không đáng. Từ đó, tôi quyết định sống lại một cuộc đời mới lạc quan và vui vẻ, vì bản thân và vì các con”, chị bộc bạch.
|
‘Mẹ mình chỉ một tay, nhưng mẹ thương mình lắm’
Chị Trâm cho biết, lúc biết chị bị tai nạn, con gái của chị học lớp 6 còn con trai thì học mẫu giáo. “Các con đều rất lo cho tôi. Con gái tôi hôm nào đến lớp cũng khóc sưng cả mắt nên tôi thương cháu lắm, càng tự nhủ mình phải mạnh mẽ vì con”, chị xúc động.
Có những ngày chị đưa con trai đến trường đi học, các bạn của con thấy chị nên hay chọc và không chơi với em.
“Lúc đó em học lớp 2, các bạn hay bảo “Lêu lêu, mẹ Nghiêm chỉ có một tay” rồi không cho chơi cùng. Lúc đó em buồn lắm nhưng không dám nói với mẹ. Mỗi lần mẹ đưa đến trường, em đều bảo mẹ đứng bên ngoài chứ đừng vào. Em không muốn mẹ nghe được những lời trêu chọc từ bạn bè, biết được mẹ sẽ buồn lắm”, Nguyễn Lê Nghiêm (9 tuổi, con trai chị Trâm) tâm sự.
Đến một ngày, không thể chịu đựng được lời trêu chọc của các bạn Nghiêm quyết định “vùng lên”. Em bảo với các bạn rằng: “Mẹ mình mất một cánh tay, nhưng mẹ thương mình lắm. Mẹ mình hớt tóc cũng giỏi nữa, nếu các bạn như mẹ mình các bạn có làm được không”. Từ đó, Nghiêm kể cho các bạn nghe về vụ tai nạn giao thông của mẹ, rồi được bạn bè đồng cảm và yêu quý.
“Từ ngày tôi bị tai nạn, rồi một mình nuôi con, các cháu phải tự lập rất nhiều. Tôi không thể thường đưa cháu đến trường như lúc trước mà các cháu phải tự đi. Tuy vậy, tôi vẫn cố gắng hết sức vừa hoàn thành trách nhiệm của một người cha, vừa hoàn thành trách nhiệm của một người mẹ”, chị Trâm nói.
Chia sẻ về lý do vẫn “ở vậy nuôi con”, chị Trâm cười: “Với tôi bây giờ, điều quan trọng nhất vẫn là các con. Tôi không muốn mình lựa chọn sai để bản thân và các con phải khổ. Mẹ con tôi giờ đã hạnh phúc lắm rồi”.
Cảm ơn tai nạn ngày đó…
Tai nạn đã lấy đi của chị Trâm một cánh tay, một người chồng và một cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên, với chị tai nạn đã cho chị nhiều hơn những thứ chị đã mất.
“Tôi cảm ơn số phận đã lấy đi của tôi một cánh tay, để tôi thấy mình mạnh mẽ đến nhường nào. Nó cho tôi thấy được tình cảm của những người xung quanh trong những lúc khó khăn nhất, đặc biệt là tình cảm của các con, của những khách hàng vẫn yêu quý và tin tưởng vào tay nghề của mình. Tôi được sống cuộc đời thứ hai hạnh phúc hơn”, chị bộc bạch.
Niềm vui của chị là mỗi ngày được chăm sóc con cái, được mở cửa tiệm để đón khách. Chị kể đôi lúc bản thân cũng thấy mệt, những nghĩ đến các con là chị khỏe lại ngay. Chị lạc quan: “Mẹ kiếm tiền, con kiếm điểm, cuộc sống của tôi bây giờ nhiều người muốn mà không có nên tôi quý lắm”.
Ông Cao Hoàng Việt (57 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) cùng vợ đến hớt tóc ở cửa tiệm của chị Trâm. Ông cho biết bản thân ông rất khâm phục nghị lực của chị. “Phải nói chị Trâm hớt tóc không những nhanh, mà còn rất tỉ mỉ và chu đáo khiến tôi rất ưng ý. Tận mắt chứng kiến mà tôi còn rất khó tin. Phải nói sự lạc quan cũng như kỹ năng hớt tóc bằng một tay của Trâm là phi thường”.
Chị Trâm tự nhủ bản thân mình phải nỗ lực nhiều hơn nữa để kiếm tiền nuôi 2 con ăn học thành tài. “Các con là cả cuộc đời của tôi. Dù “một tay” nuôi con theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng nhưng chỉ cần các con thành công có cực khổ đến mấy tôi vẫn chịu được. Cảm ơn các con đã cho tôi động lực để sống đến ngày hôm nay”, chị Trâm vui vẻ.
“Nếu có một điều ước, em chỉ ước sao cho mẹ mình luôn khỏe mạnh và hạnh phúc. Sau này lớn lên em sẽ trở thành một kỹ sư chế tạo ô tô để làm ra những chiếc xe chở mẹ đi khắp thế giới”, em Nguyễn Lê Nghiêm cười nói.
|
Vết thương chưa kịp lành, tay vẫn còn đeo băng của bệnh viện nhưng chị bắt đầu làm việc trở lại. Chị cười kể lại lúc đó chị vẫn còn mặc cảm lắm, nên mỗi lần khách đến hớt tóc là chị quấn khăn kín mít.
“Nhiều khách quen thấy tôi thì giật mình, vì mới lần trước lại hớt tóc còn hai tay mà giờ đã mất hết một tay rồi. Dù vậy, vì thương tôi nên họ chấp nhận cho tôi hớt. Có những khách lạ vừa vào thấy tôi là họ bỏ đi ngay, chắc vì nghĩ tôi không thể làm gì chỉ với cánh tay này”, chị Trâm cười.
Những ngày đầu trở lại với công việc là những ngày khó khăn nhất cuộc đời của chị. Thay vì chỉ tốn 5 – 10 phút để hớt tóc như lúc trước, giờ chị lại mất gần 1 giờ đồng hồ. Không chỉ vậy, chỉ cũng gặp khó khăn khi thay quần áo hay làm các công việc trong nhà. Những lúc đó, chị phải nhờ con hay những người xung quanh giúp đỡ. Chị tự hào: “Khó nhất với tôi là lúc phải thay dao cạo cũng như lắp ráp các dụng cụ hớt tóc. Nhưng tôi quyết tâm làm bằng được thì thôi. Chưa đầy 1 năm, tôi không chỉ thuần thục các công việc mà đôi khi còn làm tốt hơn lúc còn đôi bàn tay”.
Bình luận (0)