Tình hình dịch Covid-19 tại Ấn Độ diễn biến phức tạp. Chính phủ nước này phong tỏa toàn quốc. Nguyễn Vĩnh Phú (22 tuổi) là một trong số những người Việt học tập tại bang Maharashtra (Ấn Độ) chưa thể về lại Việt Nam.
Thực phẩm khan hiếm
Vĩnh Phú đang theo học chương trình cử nhân Thương mại tại Đại học Pune. Như mọi năm, Phú sẽ về Việt Nam thăm nhà sau khi kết thúc học kỳ nhưng vì một số công việc nên dự tính ở lại đến tháng 7. Tuy nhiên, nhận thấy tình hình dịch bệnh phức tạp, Phú đã tìm cách về Việt Nam ngay khi thi xong nhưng lại đúng thời điểm Ấn Độ ban lệnh phong tỏa.
Chia sẻ về điều này, Vĩnh Phú cho biết: “Hiện tại, cảnh sát đứng canh gác ở các chốt rất nhiều. Mọi người đi đâu ra khỏi khu vực đang sinh sống khi qua chốt đều phải thông báo lí do chính đáng mới được đi"
|
|
"Các phương tiện công cộng hoặc các xe khách liên tỉnh, tàu hỏa và máy bay đều bị cấm hoạt động. Các siêu thị, nơi đông người bắt buộc mọi người phải đeo khẩu trang. Cảnh sát đều khoanh tròn vị trí đứng xếp hàng để đảm bảo mọi người đứng cách xa nhau 2m, không tụ tập đông người”, Phú kể.
Ngoài dịch bệnh, một vấn đề phát sinh do lệnh phong tỏa là khan hiếm thực phẩm. Vĩnh Phú cho biết thời gian đầu các tiệm bán gà, cá đều đóng cửa. Rau củ chỉ lèo tèo vài loại.
“Nếu tương lai lệnh phong tỏa kéo dài hơn nữa, số người nhiễm bệnh Covid-19 tăng lên nữa thì tôi khá lo. Vì hiện tại, giá thực phẩm như gà, cá, rau củ cũng tăng cao”, nam du học sinh chia sẻ.
|
|
|
Không chỉ Vĩnh Phú, một số du học sinh Việt Nam ở nhiều thành phố, bang khác cũng đang gặp khó khăn trong việc mua thực phẩm.
Bị kỳ thị, xa lánh
Chính quyền Ấn Độ đang rất gắt gao kiểm soát người dân ra đường hoặc tụ tập đông người. Cảnh sát được quyền đánh roi những người đi lang thang ngoài đường mà không có lý do chính đáng.
“Tôi chưa bị hoặc chứng kiến ở ngoài. Nhưng việc này là có thật. Bạn bè và người thân của tôi đều nói có xảy ra việc này. Đa số trong video tôi thấy là đánh đàn ông”, Vĩnh Phú nhấn mạnh.
|
|
|
Nhiều người Ấn Độ khó khăn trong việc tiếp cận thông tin. Chính vì điều này, một bộ phận nhỏ người Ấn Độ có thái độ kỳ thị, xa lánh người người châu Á nói chung.
Vĩnh Phú kể lại bản thân đã từng bị kì thị ngay trong trường học. “Có lần tôi đi vào trường Đại học Pune và đeo khẩu trang thì các thanh niên đang chơi cricket gọi to: ‘Hey! China, Corona! Corona’. Hoặc có lần tôi và bạn mình đi mua nước rửa tay khô thì bị một người đàn ông hỏi: "Tụi mày đến từ Trung Quốc hả?" với thái độ khinh miệt”, Phú thuật lại.
Có nhóm sinh viên Việt Nam đi siêu thị bị một số nhóm người Ấn lấy tay bịt miệng và mũi. Thậm chí, ở những bang khác, người Việt bị quát vì giống người Trung Quốc.
“Nhưng chỉ là một bộ phận nhỏ người Ấn Độ có thái độ đó, những người quen biết hoặc bạn của tôi vẫn tôn trọng và bảo vệ, nhắc nhở hỏi thăm tôi dịp này”, Phú chia sẻ thêm.
Ngô Thị Uyên Phương (22 tuổi, đang là du học sinh tại thành phố Pune, bang Maharashtra, Ấn Độ) cho biết: “Về việc cảnh sát đánh người là đúng, có xảy ra. Một số người ra đường không mang khẩu trang. Nhưng khi cảnh sát cảnh cáo thì họ có những hành động quá khích nên sự việc mới bị đẩy lên như vậy”.
Mặc dù lệnh phong tỏa ban hành hơi trễ nhưng cá nhân Phương cho đây là biện pháp hiệu quả. Cộng đồng người Việt ở Ấn Độ có bị kì thị vì có bề ngoài giống với người Trung Quốc.
Phương và các sinh viên tại đây vẫn cố gắng tuân thủ các khuyến cáo để tự bảo vệ bản thân. Điều các bạn mong muốn là tình hình bệnh dịch khả quan hơn và lệnh phong tỏa được gỡ bỏ để nhanh chóng trở về Việt Nam.
|
Bình luận (0)