Không gì quý hơn mạng sống
Buổi sáng “cafe liên lục địa”, anh Đặng Châu Long cao hứng ngâm một bài thơ của nhà thơ Nguyên Cẩn vừa sáng tác về đại dịch Covid-19, ngôn ngữ như vẽ lên một bức tranh buồn và đầy lo ngại trên toàn thế giới:
… nhưng từ Milan qua Tehran chưa qua ngày u ám...
khi bình yên là từ ngữ của hôm qua,
Cali hay New Delhi nỗi sầu lại mọc.
không thấy bóng trẻ thơ trên đường đi học...
Thì Ngọc Anh bất chợt hỏi: "Khi bình yên là từ ngữ của hôm qua..., thế thì những ngày tới sẽ ra sao?"
Câu hỏi trống không, nhưng tôi biết là cô em này đang muốn tôi trả lời.
Tôi ngồi trầm ngâm và nghĩ, thế giới đã thay đổi bao lần và sau mùa dịch chắc chắn cũng sẽ thay đổi nữa. Tất cả chúng ta rồi sẽ phải thích ứng với một cách sống khác, thay đổi cách nhìn, sản xuất hay làm việc. Tất nhiên, đây đó vẫn còn người tin rằng là khi mùa dịch đi qua thì rồi mọi thứ sẽ trở lại “bình thường”.
Nhưng bao giờ hết dịch? Chưa ai nói được điều gì và những con số lây nhiễm, chết chóc ở mọi nơi trên thế giới mỗi ngày mỗi tăng, như bản tin trong thời chiến.
Khi nhìn những con số, tôi cảm giác như mình đang ở trong thế chiến thứ ba, cuộc chiến chống lại một kẻ thù bé tí. Rất rất rất nhiều người bị cách ly, bị vô hiệu hóa trên toàn thế giới! Nhiều người đã chết mà không có cái ân huệ là phút cuối được nhìn mặt người thân.
Tất nhiên, ai rồi cũng phải chết. Nhưng đứng trước cơn đại dịch, mạng người quá mong manh bởi một kẻ thù nhỏ bé. Điều này chắc sẽ làm chúng ta nhìn lại thái độ sống và ý thức của mình về những giá trị mà mình từng theo đuổi và chắc rồi cũng sẽ ngộ ra: Không có gì quý hơn mạng sống, tình gia đình và tình đồng loại.
Con người phải sống có phẩm giá
Tôi vừa từ Sài Gòn về trong tâm dịch vào những ngày toàn quốc cách ly ở Ý, trao đổi với bạn bè qua điện thoại và hiểu ra đang có một sự thay đổi tận gốc trong tâm họ. Hình như ai cũng biết là phải can đảm nhận lấy hậu quả của những sai lầm về một lối sống phản thiên nhiên.
Sau bài học về virus Corona, chúng ta không thể nào quay về lối sống tiêu thụ vô tội vạ, gây ô nhiễm môi sinh và phung phí tài nguyên. Xưa nay chúng ta thường tự phụ, rằng con người là thượng đẳng, nên tha hồ hủy hoại thiên nhiên, giết chóc mọi loài hay gây hại lẫn nhau. Nhân tai đã khiến vô số loài tuyệt chủng và trớ trêu thay, số phận giống loài "cao cấp" nhất hôm nay cũng đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề sinh tử.
Con người đã từng muốn thay đổi thế giới ư? Giờ là lúc vỡ lẽ là thế giới sẽ thay đổi con người. Và nếu không thay đổi, thiên nhiên sẽ mệt mỏi vì chúng ta. Trái đất sẽ nóng lên. Băng tan. Nước biển dâng. Hạn hán. Cháy rừng. Bão tố. Động đất. Dịch bệnh.
Vũ trụ, tự nhiên luôn có sự cân bằng hoàn hảo. Ai phá vỡ sự cân bằng đó đều phải trả giá. Từ xa xưa, triết gia Socrates cũng đã từng khẳng định: Tất cả cái gì không cân bằng thì đều sụp đổ. Nhiều người biết, mà chẳng mấy quan tâm!
Những cường quốc số một số hai thế giới, vũ khí đầy kho, bạc tiền rủng rỉnh, tưởng hiểu biết về khoa học của mình là vạn năng, hôm nay đang ngỡ ngàng trước một đối thủ vô cùng bé nhỏ virus Corona.
Khi chị Hạnh nói hình như hiện nay cách duy nhất để cứu mình, cứu người là phải tự cô lập, giữ khoảng cách xã hội mới có thể ngăn chặn dịch. Nhưng về lâu dài, phương thức này sẽ làm sụp đổ hệ thống y tế và nền kinh tế thế giới.
Giữa bốn bức tường nhà mà chúng ta phải tự cách ly, sau những phút chùn chân cuồng cẳng thì cuối cùng chúng ta cũng phải làm quen với hiện thực mà ta đang đối mặt. Và cái khái niệm “bình thường” rồi cũng phải thay đổi.
Có thể nhờ tự nhốt mà chúng ta học được sự cảm thông, có thời gian dành cho người thân, lắng nghe những vấn đề, tâm sự về những điều quan tâm với các thành viên trong gia đình, thổ lộ về những điều mà mình lo lắng hay hoảng sợ.
Ngọc Anh ơi, em hãy nhìn cao. Trên bầu trời không có chiếc máy bay nào và hãy cảm ơn bầu không khí trong lành mà ta đang hít thở. Hãy nhìn các hàng cây, nhìn ra biển, nhìn những dòng sông, em có nhận thấy là tất cả đang bắt đầu phục sinh đấy sao?
Anh tin rằng khi cơn bùng phát dịch này chấm dứt, loài người sẽ thoát ra thiện lành hơn vì ý thức được sự mỏng manh và yếu đuối của mình. Anh tin là loài người sẽ biết cách phân biệt điều gì quan trọng với những gì phù phiếm.
Khi tôi nói ra những ý nghĩ ấy thì Ngọc Anh đã lạc quan hơn: Em mong là cơn bão này sẽ qua nhanh, con người sẽ tồn tại, chúng ta sẽ sống sót nhưng trong một thế giới mà mọi ngươi đều biết tôn trọng và thương yêu trái đất.
Tôi không nói gì thêm, chỉ nhớ là khi ngồi trên máy bay về Ý đã có lúc mình nghĩ về ý tuởng của Erich Fromm về những thay đổi xã hội mà loài người rất cần. Chính nhà phân tâm học và triết học xã hội người Đức này đã đưa ra khái niệm về tự do và nhấn mạnh là xã hội ngày nay chỉ dựa vào kỹ thuật: lạnh lùng, vô cảm và không hạnh phúc.
“Sản xuất kinh tế không thể chỉ có mục đích cho chính nó mà phải là phương tiện để mang đến một cuộc sống nhân bản hơn. Trong xã hội đó, con người phải sống có phẩm giá chứ không phải là sở hữu hoặc tiêu thụ nhiều hơn".
Ngọc Anh à, một ngày nào, khi dịch Covid-19 kết thúc, chúng ta sẽ dành nhiều thời gian cho nhau vì đã bao lâu rồi mình không nắm tay nhau?
Bình luận (0)