Nhân viên chống dịch ngất xỉu vì nắng nóng: Nghiên cứu thiết bị làm mát toàn thân

Liên Châu
Liên Châu
01/06/2021 11:35 GMT+7

Nhiệt độ bên trong bộ bảo hộ chống dịch có thể chênh đến 4 độ C so với bên ngoài, dễ khiến người mang trang phục chống dịch Covid-19 có thể ngất xỉu vì kiệt sức, nếu phải mặc liên tục.

Chia sẻ về việc phòng hộ trong phòng, chống dịch Covid-19, PGS-TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), cho biết việc mang trang phục bảo hộ là bắt buộc để người tham gia chống dịch tránh bị lây nhiễm.
Theo ông Hải, để tránh được lây nhiễm, trang phục may liền bằng chất liệu chống thấm nước, thêm khẩu trang, mũ, găng, ủng, làm tăng nhiệt độ bên trong, khiến cơ thể ra mồ hôi nhiều, ngột ngạt, khó thở.
Kèm theo đó, thời tiết khắc nghiệt bởi nắng nóng gay gắt mùa hè khiến người mang bảo hộ càng khó chịu. Sự bất tiện khi vệ sinh, ăn uống... cũng làm cho họ nhanh mất sức.

Thiết bị làm mát khi mang trang phục bảo hộ chống dịch do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) sản xuất thử nghiệm

ẢNH D.HẢI

“Tại Viện chúng tôi, một nữ cán bộ khi mặc bộ bảo hộ chống dịch để đánh giá thử nghiệm đã ngất xỉu sau 2 giờ mặc liên tục”, ông Hải cho hay và thông tin cho biết: “Chúng tôi từng khảo sát nhiệt độ chênh lệch bên trong bộ bảo hộ với bên ngoài, chệnh lệch cao nhất lên đến 4 độ C”.
Ông Hải lưu ý, với thời tiết nắng nóng gay gắt như ở Bắc Giang, Bắc Ninh những ngày này, việc mang trang phục bảo hộ chống dịch liên tục, thậm chí không thể đi vệ sinh, khó bù đủ nước ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cán bộ chống dịch, thậm chí kiệt sức, ngất xỉu.

Cần “thay quân” tại điểm nóng

Môi trường làm việc tại tâm dịch là môi trường lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Theo luật Lao động, mỗi tuần, người lao động cần được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong điều kiện đặc biệt không thể nghỉ hàng tuần thì phải đảm bảo bình quân nghỉ ít nhất 4 ngày trong tháng.
Trong môi trường chống dịch như tại Bắc Giang, Bắc Ninh, để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế, người trực tiếp tại tâm dịch không nên làm việc trong điều kiện phải mang bảo hộ kín liên tục nhiều giờ mà cần được thay ca sau 2 - 3 tiếng, tránh để kiệt sức.
Ông Doãn Ngọc Hải cũng cho biết thêm, cùng với việc chia nhỏ ca làm việc, cần có giải pháp hỗ trợ cho người mang bảo hộ bớt bị “hấp nhiệt” trong trang phục bí, nóng.
“Viện chúng tôi đã chế tạo ra thiết bị cấp khí sạch, làm mát để trang bị cho những người phải mang các bộ bảo hộ đặc biệt, trong môi trường khắc nghiệt do nhiệt độ cao. Thiết bị này có quạt đeo cá nhân, giúp đưa không khí bên ngoài vào phía trong bộ bảo hộ. Không khí này đã được lọc sạch qua hệ thống màng đặc biệt và cân bằng nhiệt độ, đảm bảo an toàn phòng chống lây nhiễm.
“Hiện tại viện mới chỉ có một số lượng nhỏ sản xuất thử nghiệm. Chúng tôi là viện nghiên cứu nên không có kinh phí sản xuất và mong muốn có đơn vị hợp tác, tài trợ cho sản xuất, hoặc tiếp nhận chuyển giao để có thể sản xuất số lương đủ lớn, tăng cường cho vùng dịch”, ông Hải chia sẻ.
Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cũng có thiết bị mũ chống dịch có gắn thiết bị làm mát vùng đầu mặt. Đơn vị này đang tìm nguồn tài trợ, sản xuất các thiết bị làm mát toàn thân, trang bị cho những người buộc phải mang bộ bảo hộ chống dịch, đặc biệt khi thời tiết nắng nóng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.