Phố hàng rong khu trung tâm tất bật: 'Ban đầu tôi lo nhưng giờ đã sống khỏe'

12/10/2017 13:35 GMT+7

Sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động, nhiều hộ kinh doanh trên phố ẩm thực Nguyễn Văn Chiêm (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) đã quen với công việc, có khách mối, thu nhập ổn định và hài lòng về mọi thứ.

Phố ẩm thực vỉa hè Nguyễn Văn Chiêm được UBND Q.1 đưa vào hoạt động thí điểm đầu tiên ngày 28.8, cho các hộ nghèo kinh doanh, do chưa có điều kiện chuyển đổi ngành nghề phù hợp.
Đây là chương trình song song với nỗ lực xử lấn chiếm vỉa hè, lập lại không gian đô thị trên địa bàn quận 1 thời gian qua, do ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1 (TP.HCM) dẫn dầu, tạo được nhiều chuyển biến tích cực.
VIDEO: Hình ảnh phố hàng rong ở trung tâm Quận 1, TP.HCM
'Bán 3 tiếng thôi nhưng sống khỏe'
Anh Nguyễn Văn Thanh (48 tuổi, ngụ P.Bến Nghé, Q.1) luôn tay phụ vợ bán cơm tấm 25.000 đồng/phần tại phố ẩm thực. Anh chia sẻ, đây là nguồn thu chính nuôi sống 8 thành viên gia đình hiện nay. Anh bán cơm ca trưa từ 11 - 14 giờ hàng ngày. Mỗi ngày bán được từ 70 - 80 phần cơm, tính ra thu nhập hơn 400.000 đồng/ngày.
"Khách mua đông chủ yếu vào lúc 11 giờ 30 - 12 giờ 30, thời gian đó hai vợ chồng bán không ngơi tay. Có hôm chưa đến 13 giờ đã hết cơm bán. Cơm thì tôi chế biến và bán hết trong ngày, chưa biết ngon dở thế nào nhưng yếu tố đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phải đặt lên hàng đầu, đảm bảo sức khỏe không chỉ thực khách mà cả các thành viên trong gia đình. Mình làm có tâm thì không lo thiếu khách bán cơm", anh Thanh hồ hởi nói.
Theo anh Thanh, trước đây bán cơm trên vỉa hè đường Nguyễn Trung Ngạn thời gian tự do, khách đông nên mỗi ngày thu nhập hơn 500.000 đồng, rồi đô thị phường Bến Nghé đến vận động anh dừng bán trên vỉa hè, trả lại không gian thông thoáng cho người đi bộ. Kể từ đó, quán cơm phải dọn hẳn vào hẻm 5/98 Nguyễn Trung Ngạn, khách cũng vắng hơn 80%, anh phải ngưng bán và đi làm nhiều việc khác để mưu sinh.
“Khoảng tháng 7 vừa qua, UBND P.Bến Nghé gửi thông báo đến gia đình vận động đến kinh doanh trên phố ẩm thực. Nghe thông tin trên, tôi rất vui mừng. Chính quyền không cho buôn bán lấn chiếm vỉa hè nhưng mở cho gia đình tôi một chỗ kinh doanh mới thoải mái, tôi rất biết ơn. Dù thời gian bán chỉ vỏn vẹn 3 giờ, nhưng khách đông, thu nhập cũng tạm ổn. Nhờ quán cơm, kinh tế vững hơn để nuôi mẹ già và các con ăn học đầy đủ”, anh Thanh phấn khởi nói.
Cũng theo anh Thanh, có rất nhiều hộ đăng ký buôn bán trên phố ẩm thực, nhưng chỉ những hộ có nguồn gốc tại địa phương có hoàn cảnh khó khăn và gia đình chính sách mới được chọn. Trước khi bán, anh cũng được tham gia khóa tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Từ khi bán ở phố ẩm thực, công việc trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều so với thời buôn bán dọc vỉa hè Nguyễn Trung Ngạn. Mỗi sáng anh thức dậy lúc 5 giờ đi chợ mua thực phẩm tươi ngon và về chế biến món ăn. Đến hơn 10 giờ, anh cùng vợ chuyển thức ăn đến phố hàng rong và đúng 11 giờ bắt đầu bán.
"Khách mua đông chủ yếu vào lúc 11 giờ 30 - 12 giờ 30, thời gian đó hai vợ chồng bán không ngơi tay. Có hôm chưa đến 13 giờ đã hết cơm bán. Cơm thì tôi chế biến và bán hết trong ngày, chưa biết ngon dở thế nào nhưng yếu tố đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phải đặt lên hàng đầu, đảm bảo sức khỏe không chỉ thực khách mà cả các thành viên trong gia đình. Mình làm có tâm thì không lo thiếu khách bán cơm", anh Thanh hồ hởi nói. 
Nhờ có quán cơm tại phố ẩm thực Nguyễn Văn Chiêm, anh Nguyễn Văn Thanh cùng vợ có thể chăm lo đầy đủ cho gia đình 8 nhân khẩu ẢNH: AN HUY
Hài lòng về mọi thứ
Cạnh đó, chị Trần Thị Thủy (49 tuổi, ngụ 58 Nguyễn Du, P.Bến Nghé) bán miến gà tại phố ẩm thực Nguyễn Văn Chiêm cũng chia sẻ, việc buôn bán đã đi vào nề nếp, chị đã có khách mối và thu nhập ổn định.
Chị Thủy kể, sau khi lập gia đình và có một con gái, hôn nhân không hạnh phúc nên vợ chồng mỗi người một nơi, chị phải một mình buôn bán nuôi con ăn học, cuộc sống khó khăn. Khi vừa đến phố ẩm thực buôn bán, chị lo nếu vắng khách thì không biết kiểm tiền đâu ra để chi tiêu. Rồi mọi lo lắng cũng tan dần, khách đông lên từng ngày, chị cũng mãn nguyện với tình hình buôn bán hiện tại. Tính ra, thu nhập của chị cũng trên 4 triệu đồng/tháng.
“Thứ 5 - 6, khách tập trung về quán mua đông hơn so với các ngày còn lại trong tuần. Lúc đầu, mọi người từ các nơi khác ghé đến tham quan, ăn uống để ủng hộ. Rồi dần dần nhân viên làm việc tại các tòa nhà cao ốc và mọi người lao động ở các công trình, bán vé số, xe ôm khu vực cũng ghé phố ẩm thực ăn trưa, như tạo thành nếp sinh hoạt thường ngày. Dù không đông khách như nơi cũ, nhưng bán ở đây thoải mái và không bị đuổi, thu nhập ổn định để nuôi con, tôi mừng lắm”, chị Thủy tâm sự.
Mọi người buôn bán trên phố hàng rong đều phấn khởi vì đã tạo được mối, thu nhập ổn định ẢNH: AN HUY
Là hộ thuộc gia đình chính sách khi có chồng là Liệt sĩ, bà Lê Thị Hồng (57 tuổi, ngụ 158 Big Pasteur, P.Bến Nghé) bán bánh ướt tại phố ẩm thực kể, trước năm 1975, chồng bà đi bộ đội và hi sinh, bà phải tự thân làm nhiều việc để nuôi hai con gái ăn học. Đến khi con đi lấy chồng, cuộc sống khó khăn cũng không giúp đỡ được gì nhiều, bà phải sang nhà người quen ở Thị Nghè phụ làm bánh ướt.
Biết được hoàn cảnh khó khăn, phải đi làm xa, UBND P.Bến Nghé đã tạo điệu kiện giúp bà Hồng đến bán tại phố hàng rong. “Ban đầu vắng khách nhưng dạo này đông rồi. Từ thứ 4 đến thứ 6, hôm nào bán cũng hết bánh. Sáng tôi dậy lúc 6 giờ, đi mua nấm mèo về làm nhân và làm bánh ướt, đến gần 10 giờ là xong, dọn hàng ra đây bán. Tính ra thu nhập một ngày cũng gần 200.000 đồng, đủ chi tiêu hàng ngày. Được một suất bán nơi đây tôi thấy rất vui và cảm ơn chính quyền đã quan tâm”, bà Hồng nói.
Bà Hồng là một trong những hộ gia đình chính sách được bán ở phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm (P.Bến Nghé, Q.1) ẢNH: AN HUY
Theo UBND Q.1, các hộ kinh doanh trên phố ẩm thực được UBND P.Bến Nghé tổ chức chọn công khai, ưu tiên cho các hộ nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn đang kinh doanh trên vỉa hè địa bàn phường, nhưng chưa có điều kiện chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Để đảm bảo vệ sinh thực phẩm, trong thời gian hoạt động, Q.1 sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất, sử dụng que thử nhanh để kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm để xét nghiệm, nếu phát hiện không đạt vệ sinh sẽ yêu cầu ngưng hoạt động.
Ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND Q.1 (TP.HCM), cho biết đây là mô hình tâm đắc mà quận 1 ấp ủ hơn 1 năm qua. Phố ẩm thực tạo điều kiện cho hơn 40 hộ dân bán trên đường Nguyễn Văn Chiêm bước đầu có những thu nhập ổn định, góp phần phát triển du lịch, lập lại trật tự đô thị.
Thời gian tới, nếu hai phố ẩm thực vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp hoạt động tốt, Q.1 sẽ tiếp tục nghiên cứu mở phố ẩm thực thêm tại một số địa điểm khác, tạo điều kiện cho người dân kinh doanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.